Cả trăm người săn "lộc biển" đêm, vớt bề bề, đào sá sùng bán đắt tiền

Thứ năm, ngày 09/01/2020 09:58 AM (GMT+7)
Chiều ra bãi đào sá sùng, tối xuống biển soi ruốc, bắt ốc, vớt bề bề…đó là công việc thường nhật của hàng trăm người dân xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà (Quảng Ninh)...
Bình luận 0

Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây một vùng biển trong lành đồng nghĩa với việc trao cho người dân “kế sinh nhai” bền vững để năm này qua năm khác, họ vừa săn “lộc biển” có thu nhập, vừa bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Nhộn nhịp "thành phố ánh sáng trên biển"

Sau vài ngày chờ đợi con nước, cuối cùng tôi cũng được “bám càng” vợ chồng một anh bạn đi săn “lộc biển”. Ăn vội bát cơm chiều, anh Lộc dúi vào tay tôi một chiếc găng tay, một cái vợt, một đèn pin cùng chiếc xô nhỏ và bảo “dụng cụ, đồ nghề cho một thợ săn lộc biển chỉ có vậy thôi”.

img

Mỗi buổi tối, tại khu vực bãi triều thôn 3, xã Quảng Thắng, có hàng trăm người dân làm nghề soi biển.

Chúng tôi lên xe máy xuôi thẳng hướng bãi triều thôn 3, xã Quảng Thắng. Dọc tuyến đường dẫn tới bãi triều thôn 3 khá đông đúc, người đeo giỏ, người xách xô í ới chào hỏi nhau, gọi nhau ra bãi.

Mới gần 19 giờ, nhưng lúc này tại bãi biển thôn 3 đã có hàng trăm “thợ săn". Giờ này là thời điểm nước đang lên. Từng tốp người trán đeo đèn pin, đeo giỏ, xách di chuyển theo những đường mòn trên bãi đi thật xa, bám theo mép nước để chạy đua với thủy triều cùng săn “lộc biển”.

Cả khu vực bãi triều phút chốc đã hình thành một cánh cung ánh sáng lấp loáng. Tiếng nước thủy triều lên ì oạp hòa với tiếng bước chân, tiếng nói cười râm ran của “thợ săn”.

Đã từng nhiều lần đi biển đánh cá, câu mực, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đi “săn” trên bãi. Khá ngỡ ngàng trước những trải nghiệm ban đầu, tôi phải hỏi tỉ mỉ về cách soi và làm sao để bắt được những con ruốc, con bề bề, con cà khé thoắt ẩn, thoắt hiện dưới làn nước mờ đục trên bãi cát rất nhiều lỗ và dấu chân người.

img

Nghề săn "lộc biển" đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân xã Quảng Thắng.

Chốc chốc anh Lộc lại bỏ vào xô của tôi, khi thì con ốc, khi thì con cá bống, con ruốc nhưng nhiều nhất vẫn là bề bề. Thấy tôi băn khoăn, anh Lộc cho biết nghề này không kén người, từ người lớn, đến các cháu học sinh đều có thể đi săn trên bãi. Hôm được nhiều, hôm được ít tùy theo con nước.

"Đầu nước vớt bề, cuối nước bắt ruốc” – Đó là kinh nghiệm mà anh đã học được từ những “thợ săn” lão luyện trên vùng biển này.

Vừa buổi chiều đi đào sá sùng về, chị Mai, thôn 4, xã Quảng Thắng, lại tranh thủ đi soi biển đêm. Gần 1 tiếng đồng hồ, chị Mai đã vớt được gần chục con ruốc và hơn 1kg bề bề. Chị Mai cho biết: Khu vực bãi triều này nhiều năm nay đã trở thành khu vực khai thác tự nhiên lớn nhất, không chỉ của người dân xã Quảng Thành mà cả người dân các xã Quảng Minh, Phú Hải, Quảng Đức.

Buổi chiều khi nước cạn, buổi tối nước lên trên bãi luôn có hàng trăm người dân ra đào sá sùng, bắt ruốc và các loại ốc, bề bề để có thêm thu nhập. Buổi chiều hôm nay, tôi đã đào được gần 3kg sá sùng tươi. Với giá bán bình quân từ 180.000-220.000 đồng/kg, thì đây là nguồn thu nhập khá của gia đình.

img

img

Trong số hàng trăm “thợ săn” trên khắp khu vực bãi triều thì có không ít trong số đó là các “thợ săn” nhí, ngày đi học, tối đến lại tranh thủ xuống biển.

Ra bãi từ sớm, 3 mẹ con chị Vân, thôn 4, xã Quảng Thắng đang cần mẫn dõi mắt theo ánh đèn để mang lộc biển về nhà. Ngừng tay, chị Vân vừa soi đèn cho chúng tôi xem thành quả mới “săn” được, chị cho biết: "Cùng với phát triển nông nghiệp thì đi biển đã trở thành một nghề của gia đình tôi và hàng trăm người dân xã Quảng Thắng. Lựa theo con nước, bình quân mỗi tháng, chúng tôi đi khai thác trên dưới 20 ngày...".

"Con nước nào “gặp” thì mỗi ngày cũng soi được khoảng trên dưới 1kg ruốc và vài kg ốc gai, ốc hương, bề bề các loại. Với giá bán hơn 300.000 đồng/kg ruốc và 80.000-100.000 đồng/kg bề bề, 150.000-180.000 đồng/kg ốc, mỗi ngày, từ nghề soi biển, gia đình tôi cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng...", chị Vân thổ lộ.

Trong số hàng trăm “thợ săn” trên khắp khu vực bãi triều thì có không ít trong số đó là các “thợ săn” nhí. Ngày đi học, tối đến lại tranh thủ xuống biển. Với bước chân nhanh nhẹn rảo bước theo dòng nước lên, em Quyết, học sinh lớp 8, thôn 2, xã Quảng Thắng, cũng đã bắt được vài con ruốc và một ít bề bề. Quyết cho hay: Từ lâu, cứ tối đến em lại theo bố mẹ xuống bãi để đi soi. Cứ thế quen dần và trở thành một công việc thường ngày của em. 

img

Ngoài ruốc, bề bề thì ốc hương, ốc gai, ốc nón cũng là "lộc trời" tại bãi triều Quảng Thắng.

“Thợ săn” soi theo mép nước thủy triều. Chập tối thì đi mãi ra phía xa bờ biển và soi dần vào bờ. Nước lên tới đâu thì săn tới đó. Cứ mải miết soi, thủy triều dâng đến bờ lúc nào tôi không hay. Lúc này đã vào khoảng 21 giờ cũng là thời điểm các thợ săn đã tập trung vào sát phía bờ. Người ít, người nhiều nhưng các “thợ săn” đã kết thúc một buổi tối săn “lộc biển” trong tiếng cười nói vui vẻ. Thợ săn “nghiệp dư” như tôi cũng soi được hơn 1kg bề bề và cà khé.

Nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tại khu vực bờ đê thôn 3 xã Quảng Thắng có 3 hộ làm nghề thu mua “lộc biển”. Tại đây, toàn bộ “lộc biển” mà thợ săn săn được đều được phân loại. Chỉ có những con nhỏ là không bán được. Chị Hiền, một hộ thu mua thủy sản ngay đầu thôn 3, cho biết: Mỗi buổi tối, gia đình tôi cũng thu mua của người dân được một vài tạ thủy sản các loại như ruốc, bề bề, các loại ốc, cua…Để khai thác bền vững, người dân cũng đã tự bảo nhau không bắt những con còn quá nhỏ mà để cho chúng lớn, sinh sôi nảy nở.

img

Thành quả sau một tối đi săn của anh Điền, người dân thôn 2, xã Quảng Thắng.

Chị Lới, một người dân thôn 2, cho biết: Từ nhiều năm nay, khai thác tự nhiên tại bãi triều đã trở thành một nghề, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân trong xã. Với diện tích bãi triều hàng trăm héc-ta, chính quyền địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền cho người dân, hiểu được lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Người dân trong quá trình khai thác cũng luôn nhắc nhở nhau không khai thác thủy sản còn quá bé. Đặc biệt, tại vùng biển này hầu như không có tình trạng khai thác thủy sản bằng các nghề cấm có tính chất hủy diệt như, đăng đáy, giã cào, xe tiệp, xiếc điện, kích điện, hóa chất hay lờ dây…Người dân trong xã luôn có ý thức bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn mọi hành vi khai thác thủy sản tận diệt.

Bãi triều xã Quảng Thắng với diện tích hàng trăm héc-ta, nơi đây là một trong số ít những bãi triều của huyện Hải Hà còn giữ được diện tích lớn dành cho khai thác tự nhiên. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều loại hải sản phong phú, thơm ngon.

Không biết từ bao giờ, nghề săn “lộc biển” đã trở thành một nghề chính cho hàng trăm người dân xã Quảng Thắng và các xã lân cận. Cùng với khai thác, người dân ở đây cũng tích cực, nỗ lực bảo vệ môi trường biển, cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản một cách bền vững.

Hữu Việt (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem