Trong sự nghiệp làm bóng đá của mình, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn tự hào nhất về hai sự kiện là đem tiền đạo Kiatisak về phố núi Pleiku để làm nên tên tuổi huy hoàng cho CLB Hoàng Anh Gia Lai và việc mở Học viện đào tạo HAGL Arsenal JMG vào hè năm 2007. Theo chu trình đạo tạo 7 năm, các cầu thủ nhí của khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG đã tốt nghiệp vào tháng 10.2014. Vậy đầu ra của lứa này sẽ đi đâu?
Giấc mơ chinh phục châu Âu chưa thành
Dù rất yêu mến và hâm mộ những gì các cầu thủ trẻ Học viện HAGL Arsenal JMG đã làm được trong 1 năm qua cũng như tâm huyết, tiền của của bầu Đức đổ ra để nuôi lứa cầu thủ này, song cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng “gà nòi” của bầu Đức không có cơ hội thi đấu ở châu Âu, dù là ở các giải đấu cỡ trình độ trung bình.
4 cầu thủ U19 HAGL Arsenal JMG tập huấn tại Anh
Tiêu chí của Học viện HAGL Arsenal JMG ngay từ ngày đầu thành lập đã được bầu Đức tuyên bố là “đào tạo ra cầu thủ để bán”. Tiêu chí này giống như tất cả các Học viện JMG trên toàn cầu như JMG Bờ Biển Ngà, JMG Madagascar, JMG Thailand là ba học viện ra đời trước Học viện JMG HAGL (JMG Vietnam).
Tỷ lệ ăn chia trong việc bán cầu thủ của Học viện JMG HAGL cũng được công bố rõ ràng là 45% thuộc về JMG Gbobal, 45% thuộc về HAGL và 10% thuộc về gia đình cầu thủ. Phía CLB Arsenal thì được ưu tiên mua hai cầu thủ tốt nhất của từng khóa.
Khóa 1 Học viện HAGL tuyển sinh năm 2007 với tổng số thí sinh trúng tuyển là 17 cầu thủ nhí dưới 13 tuổi, tức sinh năm 1994 đổ lại (chủ yếu 1994 và 1995). Qua 7 năm đào tạo, sàng lọc và bổ sung thì khóa 1 hiện nay còn lại 14 cầu thủ đang ở tuổi 18 đến 20.
Trong số này đã có một số cầu thủ đã được bầu Đức đôn lên đội 1 HAGL thử sức ở V.League là Lê Đức Lương, Nguyễn Văn Đại, Phạm Thành Nam, Trần Minh Vương. Ở mùa giải 2014, bầu Đức cho hai cầu thủ Phạm Thành Nam, Nguyễn Văn Đại sang tăng cường cho CLB Hoang Anh Attapeu thi đấu ở giải Lao Premier League và đã giúp đội bóng này đoạt chức vô địch. Hai cầu thủ còn lại là Lê Đức Lương và Trần Minh Vương hiện đang thi đấu ở đội 1 HAGL tại V.League.
Như vậy, xét về mặt lý thuyết đến tháng 10.2014 khóa 1 mới tốt nghiệp, song trên thực tế thì bất kỳ cầu thủ nào của Học viện HAGL Arsenal JMG đều có thể thi đấu chuyên nghiệp hoặc được chuyển nhượng nếu bước vào tuổi 18.
Làm nòng cốt của U19 Việt Nam không đảm bảo thành công cho các cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG
Năm ngoái (2013), sau chuyến tập huấn ngắn hạn của khóa 1 Học viện HAGL JMG tại CLB Arsenal thì phía Arsenal đã gọi 4 cầu thủ Đông Triều, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường sang thử việc 1 tháng song cả 4 đều không được giữ lại.
Đến tháng 3.2014, tuyển U.19 Việt Nam với lực lượng nòng cốt là “gà nòi” của bầu Đức lại sang Anh, Bỉ, Pháp tập huấn dài hạn gần 60 ngày với số trận thi đấu lên đến 11 trận với đủ các đội tượng từ các đội U.19 của các CLB chuyên nghiệp ở Anh, Bỉ, Pháp cho tới các Học viện JMG Bỉ-Ghana. Dù vậy, kết quả chuyến “chào hàng” lần chót của bầu Đức không đem lại tín hiệu khả quan.
Nếu không đi Nhật, sẽ đi Thái?
Chu trình đào tạo của bất kỳ học viện hay trung tâm bóng đá nào, dù ở Âu-Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Học viện JMG đều kết thúc khi cầu thủ 19 tuổi và các học viện tốt nghiệp sẽ bước vào sân chơi chuyên nghiệp ở các cấp độ khác nhau, tùy theo năng lực mỗi người.
Cầu thủ trẻ nào nổi bật sẽ sớm được lên đội 1 rồi đá chính, cầu thủ chưa đủ giỏi sẽ đá ở đội trẻ hoặc thi đấu ở hệ thống giải U.21 để rèn giũa tiến bộ thêm. Tóm lại dù đá ở cấp độ nào, cầu thủ của khi kết thúc khóa đào tạo cũng cần phải có được môi trường thi đấu thường xuyên, liên tục để nâng cao trình độ.
Dusit hay Kiatisak sẽ là cứu tinh cho bầu Đức?
Khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG hiện nay đã 19 tuổi nên chuyện đợi đến lúc tháng 10.2014 này làm lễ tốt nghiệp thì mới biết đi đâu, làm gì thực ra cũng chỉ là cách để nói tránh đi việc bầu Đức đang bế tắc đầu ra cho lứa cầu thủ mà ông rất kỳ vọng để tạo ra sự thay đổi ngoạn mục cho HAGL cũng như BĐVN.
Tháng 6 vừ qua, tuyển U.19 VN đã có chuyến tập huấn tại Nhật Bản và cũng được ngầm hiểu là chuyến đi chào hàng cho các CLB ở giải J.League 1 và J.League 2. Kết quả của chuyến tập huấn này, tuyển U.19 VN không thật khả quan nhưng hy vọng cho cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG là có bởi người Nhật đang muốn mở rộng ảnh hưởng, sức quảng bá của J.League thông qua việc ưu tiên chiêu mộ các cầu thủ đến từ Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, các CLB ở J.League 1 và J.League 2 được cho phép sử dụng 1 cầu thủ đến từ Đông Nam Á nhưng vẫn được tính như cầu thủ nội. Điều đó có nghĩa người Nhật cũng hiểu rõ trình độ cầu thủ ở Đông Nam Á không thể cạnh tranh với cầu thủ ngoại từ Âu-Mỹ nên mới thực hiện chính sách “mở cửa” như vậy.
Công Vinh cũng chỉ chơi bóng ở giải hạng 2 của Nhật
Chẳng hạn, tiền đạo Lê Công Vinh được xem là giỏi nhất Việt Nam thì cũng chỉ ở mức độ trung bình so với cầu thủ Nhật nhưng được CLB Consadole Sapporo săn đón, mời chào nhiệt tình cũng vì lẽ đó. Xét ở góc độ này, một vài nhân tố nổi trội của khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG như Công Phượng, Tuấn Anh hoàn toàn có thể sang Nhật chơi bóng và sẽ bắt đầu ở cấp độ J.League 2.
Đã có một số thông tin từ nội bộ của CLB HAGL cho hay là một số CLB thuộc giải Japan Football League (tức J.League 3) và Japanese Regional Leagues (giải vô địch các vùng Nhật Bản) ngỏ ý chiêu mộ các cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG nhưng bầu Đức không đồng ý.
Một lối thoát khác cho các “gà nòi” bầu Đức là có thể gửi cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG sang Thái Lan cho các CLB Thai Premier League, giải VĐQG có chất lượng tốt nhất Đông Nam Á hiện nay. Điều này không khó vì các “lính” cũ của bầu Đức như Kiatisak, Dusit, Taiwan, Chukiat hay Thonglao hiện nay có ảnh hưởng lớn ở bóng đá Thái.
(Theo Một thế giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.