Các ca sởi tăng bất thường từ giữa năm ngoái

Thứ năm, ngày 13/02/2014 15:08 PM (GMT+7)
Thật bất ngờ, thống kê cho thấy các ca mắc sởi đã tăng đột biến tại TP.HCM kể từ tháng 4.2013. Tuy nhiên, mãi cho đến đầu 2014, Sở Y tế thành phố mới rục rịch triển khai công tác phòng, chống dịch?
Bình luận 0
Người dân TP.HCM đang hết sức lo lắng trước các thông tin dịch sởi bùng phát vào thời điểm trước Tết Giáp Ngọ và vẫn đang tiếp diễn với đỉnh dịch dự kiến xảy ra vào tháng 3 năm nay.

Nhưng thật bất ngờ, thống kê cho thấy các ca mắc sởi đã tăng đột biến tại TP.HCM kể từ tháng 4.2013. Tuy nhiên, mãi cho đến đầu năm 2014, Sở Y tế thành phố mới rục rịch triển khai công tác phòng, chống dịch cho các quận huyện?

img
Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Ảnh: Quốc Ngọc

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, năm 2013 đã ghi nhận 383 ca sởi, trong khi cả năm 2012 chỉ có 22 ca. Đáng chú ý, nếu 3 tháng đầu năm 2013 chỉ có 9 ca mắc sởi thì bước sang tháng 4 cùng năm có đến 18 ca, gấp 18 lần so với cùng kỳ 2012.

Kể từ thời điểm này, số ca mắc sởi tại thành phố liên tục tăng cao với số mắc trung bình gần 42 ca/tháng, tức tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ. Trong khoảng thời gian này, bệnh đã tạo ra 4 đỉnh dịch, với đỉnh sau luôn cao hơn đỉnh trước.

Chỉ từ đầu năm đến nay, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã cho con số gần 140 ca mắc sởi.

Không báo cáo cho Bộ Y tế

Theo Viện Pasteur TP.HCM, từ tháng 10.2013, viện đã chính thức kết luận 75 trường hợp xét nghiệm của 14 tỉnh thành khu vực phía Nam có kết quả dương tính với sởi. Riêng TP.HCM đã chiếm 53 ca.

Vào tháng 12.2013, Viện Pasteur đã phải ban hành công văn thông báo tình hình bệnh sởi đang hoành hành tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho ngành y tế dự phòng địa phương. Công văn đề nghị các tỉnh thành triển khai ngay các biện pháp phòng chống theo quy định.

Thế nhưng, cho đến giữa tháng 1.2014, viện vẫn không nhận được bất cứ báo cáo nào. Cơ quan của Bộ Y tế đã phải ra thêm một công văn nữa nhắc nhở các giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM và 19 tỉnh thành khu vực phía Nam khẩn trương giám sát phát hiện ca sốt phát ban nghi sởi tại cơ sở y tế, trường học và cộng đồng. Tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu, tăng cường tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ, đẩy mạnh truyền thông, thực hiện báo cáo tuần theo quy định của bộ.

Và phải đợi đến 25 Tết Giáp Ngọ vừa qua, Sở Y tế TP.HCM mới công bố dịch và thông báo triển khai các công tác phòng, chống dịch sởi cho Trung tâm Y tế dự phòng các quận huyện vào thời điểm toàn dân đang chuẩn bị… ăn Tết.

Sẽ quyết liệt tiêm phòng

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết hiện đang vào tiết đông xuân nên thuận lợi cho virus sởi và các virus lây qua đường hô hấp phát triển. Bệnh sởi, bệnh đường hô hấp tăng là bình thường, đó là quy luật tất yếu.

“Dịch năm nay vẫn nhỏ hơn năm 2009 về quy mô và cách lan truyền, nhưng nguy cơ có thể kéo dài nếu tổ chức tiêm chủng không tốt ở cơ sở”, ông Thọ đánh giá.

Bác sĩ Thọ thừa nhận việc triển khai phòng chống dịch vào ngày cận Tết có hạn chế vì tâm lý nghỉ Tết. Ông nhấn mạnh biện pháp quy củ nhất để khống chế dịch sởi hiện nay là quyết liệt tiêm phòng, đặc biệt những trường hợp chưa tiêm phải tiêm.

“Dù khó cũng phải làm cho được vì trách nhiệm của ngành y tế là phải tập trung tổ chức tiêm chủng nhằm kiểm soát dịch”, ông nói.

Hiện ngành y tế thành phố đang phối hợp với ngành giáo dục để tiêm vắc xin sởi cho trẻ mầm non (cả công lập và tư thục). Đối với trẻ tại cộng đồng, đặc biệt khu vực thường xuyên biến động dân cư, chính quyền địa phương phải quyết liệt kêu gọi đưa trẻ đi tiêm sởi và các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao không tổ chức phòng chống dịch sởi sớm hơn? Ông Thọ cho rằng thời điểm trong năm 2013, tâm lý người dân khá e ngại chuyện tiêm phòng trước các thông tin tử vong do tiêm vắc xin Quinvaxem gây ra.

Tiêm phòng sởi như thế nào?

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lưu ý quý vị phụ huynh nên đưa trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin sởi và trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên chưa tiêm sởi mũi 2 đi tiêm. Chỉ cần đưa trẻ đến trạm y tế phường, xã gần nhất trong những ngày tiêm chủng tại địa phương. Việc tiêm chủng sởi không phân biệt vấn đề thường trú, tạm trú.

Quốc Ngọc (Quốc Ngọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem