Các chủ thể OCOP, đặc sản vùng miền phải đáp ứng yêu cầu gì để vào "chợ" OCOP tại Hà Nội?
Các chủ thể OCOP, đặc sản vùng miền phải đáp ứng yêu cầu gì để được vào "chợ" OCOP tại Hà Nội?
Thiên Ngân
Thứ năm, ngày 29/09/2022 18:27 PM (GMT+7)
Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2022 sắp được tổ chức với quy mô khoảng 100 gian hàng tại Khu đô thị Spendora, Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Các chủ thể OCOP, đặc sản vùng miền phải đáp ứng yêu cầu gì?
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 7 - 11/10/2022, sự kiện Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2022 sẽ diễn ra tại Trung tâm thành phố sáng tạo Mailand Hanoi City, huyện Hoài Đức.
Dự kiến sẽ có khoảng 100 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền. Đây cũng là "chợ OCOP" có quy mô lớn nhất từ đầu năm đến nay được tổ chức tại Hà Nội.
Trước đó, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với nhiều địa phương và các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2022 diễn ra tại huyện Thanh Trì, thị xã Sơn Tây, quận Hà Đông...
Ông Chí cho biết, các sản phẩm tham gia trưng bày tại sự kiện phải là sản phẩm đã được phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực, đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP cũng sẽ được ưu tiên đăng ký tham gia quảng bá, giới thiệu.
Ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh: "Hà Nội là một thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm, đặc sản vùng miền tới quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ. Do đó, cần có sự đồng bộ trong xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP Việt Nam".
Để giữ uy tín cho OCOP, các địa phương phải tiến hành cẩn trọng công tác lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa lớn trong chiến lược chung thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo "sức bật" cho kinh tế nông thôn.
Trong khuôn khổ "Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng" năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng địa phương.
Thủ đô Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu có khoảng 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 20% sản phẩm mới, phát huy sức sáng tạo của các làng nghề, sản phẩm chế biến.
Bên cạnh đó, TP cũng phấn đấu 100% làng nghề được UBND thành phố công nhận đã và đang phát triển có chủ thể tham gia chương trình OCOP, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP…
Chương trình mỗi xã (phường) một sản phẩm với ký hiệu được viết tắt OCOP, theo tiếng anh có nghĩa là One commune one product - là chương trình phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn.
Dựa theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm trên 06 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.