Đào khảo cổ Chính điện Lam Kinh nhà Lê ở Thanh Hóa thấy vô số hiện vật cổ, phù điêu kiến trúc
Chính điện Lam Kinh tồn tại suốt 300 năm ở Thanh Hóa với những kết quả khai quật khảo cổ
Nguyễn Văn Đoàn (Cổng TTĐT Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Thứ hai, ngày 08/04/2024 10:18 AM (GMT+7)
Nhằm phục vụ cho công tác tôn tạo phục hồi khu trung tâm di tích Lam Kinh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng sự hợp tác của nghành Văn hoá Thanh Hoá đã tiến hành thám sát và khai quật qui mô khu Chính Điện - một đơn nguyên kiến trúc đặc biệt quan trọng trong tổng thể khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
Trên cơ sở khảo sát thực địa, các nhà khảo cổ học đã hoạch định các hố khai quật tại khu Chính điện Lam Kinh ở Thanh Hóa tập trung ở vị trí gò đất cao hình chữ H ở phía trên sân Rồng, với diện tích hơn 1000m2.
Kết quả đã tìm thấy hai mặt bằng kiến trúc hình chữ H nằm chồng khít lên nhau, với kích thước và bố cục tương đương (hai toà trước và sau gồm 9 gian, trong đó có 5 gian rộng 5m, 2 gian kế bên rộng 3,5m, 2 gian ngoài cùng rộng 2m.
Còn toà chính giữa của Chính điện Lam Kinh (nhà cầu, ống muống...) có 5 gian, trong đó 1 gian giữa rộng 5m, 2 gian kế bên rộng 3,5m, 2 gian ngoài cùng rộng 2m.).
Phía dưới hai lớp kiến trúc là tầng văn hoá dày tới 0,5m phản ánh quá trình cư trú thời Trần ở khu vực này, tương ứng với ghi chép của văn bia Vĩnh Lăng và sử sách.
- Lớp thứ nhất được xác định niên đại thời Lê sơ (thế kỷ 15 - 16), với bình đồ hình chữ H, bao gồm vết tích nền, móng kiến trúc khá nguyên vẹn cùng hệ thống cống thoát nước bao quanh.
Cách bó móng và lát nền còn bảo lưu nhiều đặc trưng kỹ thuật của thời Trần, thể hiện qua kích thước, màu sắc đỏ tươi và xám xanh, gạch vuông thành sắc cạnh.
Bắt góc nền móng Chính điện Lam Kinh thời Lê Sơ ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều đoạn móng còn khá nguyên vẹn với 3 - 4 hàng gạch xếp khít không có chất kết dính, đặc biệt có chỗ móng cao tới 1m (ở góc Đông Nam).
Cũng xác định được một bậc tam cấp còn khá nguyên vẹn, với ống cống thoát nước giống hệt như kiến trúc thời Trần, với cả lỗ ngõng cửa (?), khoét trên một viên gạch móng.
Vết tích cối của nách Chính điện Lam Kinh (phía Đông).
Toàn bộ phía bắc Chính Điện được xử lý đặc biệt, vừa đảm nhiệm chức năng bó móng nền nhà, vừa giữ chức năng thoát nước ngầm, phía trên đậy bằng gạch lát nền.
Móng này rộng 36cm chạy dài từ đông sang tây, dài hơn cả bắt góc hai đầu dẫn nước đổ ra ngoài.
Hiện nay, phần tiếp diễn của rãnh nước này cũng như mối liên hệ giữa chúng với hệ thoát nước của khu trung tâm vẫn chưa được làm rõ.
Trong lòng nhà, ngoài việc xác định được hệ gia cố chân tảng với nhiều lớp cuội sỏi lèn chặt, đã tìm thấy vật liệu kiến trúc thu được đều trang trí tinh xảo với hình rồng 4, 5 móng đã thể hiện rõ tính chất của kiến trúc cung đình, song thường để mộc, màu đỏ tươi, giống như lối trang trí kiến trúc thời Lý Trần, song về cơ bản đã có sự chuyển biến ở cách thức thể hiện.
Một số trang trí kiến trúc Chính điện Lam Kinh thời Lê Sơ tọa lạc ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
- Lớp kiến trúc thứ hai có niên đại tương ứng với thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17). Móng phần lớn đã bị, trong hố đào ở các vị trí, đều thấy sự xáo trộn, song về cơ bản vẫn khôi phục được bình đồ chữ H giống với lớp thời Lê sơ.
Đặc biệt, trên bề mặt và trong lòng nhà còn nguyên cả hệ thống chân tảng và gia cố nằm ở phía dưới. Riêng mặt phía Đông còn khá nguyên vẹn, với 3 hàng gạch vồ xếp nằm khít, không có chất kết dính.
Gạch màu xám đen hoặc xám trắng xếp so le (ngang - dọc - ngang) nhiều kích thước khác nhau.
Móng có cấu tạo khác nhau có thể do mặt bằng trước khi xây dựng cao thấp không đều. Điều này thấy khá rõ ở móng phía Đông Nam và Tây Nam, móng được xây khác với xung quanh, cấu tạo vững chắc gồm nhiều hàng (lớp) gạch vồ xếp chồng nhau thoạt nhìn tưởng như chúng là cấu tạo của tường thành giống tường thành ở Đoan Môn - Thăng Long - Hà Nội.
Phần lớn ở vị trí bắt góc của những hàng móng được xử lý công phu hơn, với cách thức xếp khác biệt của hàng gạch vồ. ở góc phía Tây Bắc cũng thấy dấu vết của bậc lên xuống và ngõng cửa (?)
Đáng chú ý, ở lớp kiến trúc này còn các thành bậc lên và xuống khá lớn trang trí rồng, mây và sóc. Đây là những di vật đặc biêt quí hiếm đối với cả khu di tích.
Căn cứ hình dáng, kích thước đặc biệt là các họa tiết trang trí, các nhà nghiên cứu đều cho chúng có niên đại tương đương với thành bậc còn lại ở điện Kính Thiên và Văn Miếu (Hà Nội). Thành bậc lối sau Chính điện Lam Kinh lại được tạo hình đôi hình sóc.
Trang trí thành bậc Chính điện Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, qua tài liệu khảo cổ học, ta thấy Chính Điện tồn tại suốt từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17 - 18, bố cục hình chữ H là lối bố cục khá đặc biệt.
Với việc xác định Chính Điện có hai lớp kiến trúc Lê sơ và Lê Trung hưng nằm trong khung niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17 - 18 đã chứng minh cho quá trình tồn tại của di tích này trong lịch sử.
Theo chúng tôi đây là hai niên đại phản ánh hai lần xây mới, còn trong suốt 300 năm tồn tại, một kiến trúc như Chính điện chắc sẽ được tu sửa nhiều lần.
Một số trang trí kiến trúc Chính điện Lam Kinh thời Lê Trung Hưng.
Kết quả khai quật trên diện tích rộng, ngoài việc phát hiện được mặt bằng của hai lớp kiến trúc, hiện vật thu được ở đây rất ít, chủ yếu là gốm sứ cao cấp.
Điều đó góp phần lý giải chức năng sử dụng của Chính Điện chỉ là nơi thiết triều chứ ít có khả năng là nơi vua ở như một số giả thiết nêu lên trước đó.
Rất có thể vua và đội ngũ quan lại tuỳ tùng nhà Lê Sơ và Lê Trung Hưng sẽ ở khu vực phía đông khu trung tâm Lam Kinh, với toà ngang dãy dọc phế tích kiến trúc mới được phát hiện, song chưa điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.