'Các công ty sẽ phá sản': Đức chuẩn bị “nếm mùi” vì trừng phạt Nga

Phương Đăng (theo Guardian) Chủ nhật, ngày 10/04/2022 19:40 PM (GMT+7)
Đức đang chuẩn bị cho việc nguồn cung cấp bị cắt giảm bởi Nga để trả đũa các lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, theo báo Anh Guardian.
Bình luận 0

Trong bài bình luận đăng trên tờ báo Guardian, phóng viên chuyên theo dõi Berlin, Kate Connolly cho biết, ở Đức, người ta đang đề cập đến một ngày, gọi là "Ngày X" - ngày mà các doanh nghiệp trên khắp đất nước dự phòng cho nguy cơ ngày càng lớn là khí đốt của Nga sẽ ngừng chảy vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

“Đó sẽ là một thảm họa - một điều mà dường như gần như không thể tưởng tượng được chỉ hai tháng trước, nhưng bây giờ lại là viễn cảnh rất thực tế", chủ sở hữu của một công ty cơ khí công nghệ cao ở miền Tây nước Đức cho biết.

Công ty này sản xuất mọi thứ từ hộp đựng pin cho ô tô điện đến hệ thống ly hợp. Giám đốc công ty trên không muốn nêu tên, hoặc xác định công ty của ông, một phần vì e ngại, sợ bị quy kết ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine bằng cách nói rằng, nếu khí đốt Nga không bị cắt, doanh nghiệp của ông sẽ có khả năng sống sót, theo Guardian.

Tuy nhiên, thực tế ông tiết lộ, mình đang lâm vào tình thế khó khăn và cảm thấy rất dễ bị tổn thương, vì doanh nghiệp của ông không chỉ phụ thuộc đáng kể vào khí đốt - với giá đã tăng vọt gần đây - mà còn vào các kim loại như niken và nhôm, phần lớn được nhập khẩu từ Nga.

'Các công ty sẽ phá sản': Đức 'run rẩy' chuẩn bị nếm mùi 'đau thương' vì trừng phạt Nga - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp Đức đang "run rẩy" sợ "phá sản vì trừng phạt Nga. Ảnh IT.

Đức mua khoảng 50 tỷ mét khối mỗi năm hoặc 55% khí đốt từ Nga, lớn nhất về sản lượng so với bất kỳ quốc gia Liên minh châu Âu EU nào.

Hai kịch bản có thể, không khó xảy ra đang được người Đức "nơm nớp" bàn tán, một là Moscow quyết định cắt hoặc giảm nguồn cung cấp khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt; hai là trường hợp Đức nhượng bộ trong việc gia tăng áp lực lên Nga để ủng hộ lệnh cấm vận năng lượng của EU, tự mình cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Hôm thứ Sáu, 8/4, tại Cổng Brandenburg, những người biểu tình ủng hộ lệnh cấm vận dầu khí của Nga đã đưa ra quan điểm của họ với các khẩu hiệu yêu cầu Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng: “ Nếu không phải bây giờ thì khi nào?".

Thông điệp của họ rất rõ ràng. Họ muốn ngành công nghiệp Đức ngừng sử dụng năng lượng Nga - thứ mà Berlin trả 200 triệu euro mỗi ngày để mua từ Moscow - ủng hộ Ukraine.

Nhưng các ông chủ trong ngành và các nhà lãnh đạo chính trị đã cảnh báo rằng, thiệt hại đối với Đức khi "khóa van" sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích nào mà nước này mang lại cho Ukraine.

"Nước Đức suy yếu có ích lợi gì cho ai?", một nguồn tin thân cận với chính phủ chia sẻ với Guardian trong tuần này.

Hàng triệu ngôi nhà riêng không có khí đốt để sưởi ấm chỉ là một phần của bức tranh. Mối quan tâm khác, được cho là lớn hơn, là các công ty sản xuất khổng lồ, phụ thuộc vào khí đốt để vận hành, chẳng hạn như Thyssenkrupp, BASF và Bayer. Và hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ khác vốn liên kết chặt chẽ với nhau để cùng tồn tại và phát triển.

Các đại diện trong ngành đã cảnh báo rằng những tác động nếu "khóa van" sẽ có thể cảm nhận được trong mọi sản phẩm từ vật liệu xây dựng, chất tổng hợp, thuốc trừ sâu, chất khử trùng, bao bì và chất bán dẫn đến việc sản xuất thuốc kháng sinh, vắc-xin Covid-19 và thuốc điều trị ung thư. Phản ứng dây chuyền rất khó dự đoán nhưng có khả năng là nghiêm trọng, theo Guardian.

Hiện ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế đã phải kêu gọi người Đức "giảm sử dụng năng lượng" để gây "tổn hại" cho túi tiền của Nga. Ngành công nghiệp Đức cũng đang được khuyến khích thu hẹp quy mô sử dụng.

Một số người Đức và doanh nghiệp đã làm như vậy, giảm sử dụng khí đốt đến mức tối thiểu do giá năng lượng quá cao. Nhưng một số khác, chẳng hạn như nhà sản xuất đồ sứ KPM, được thành lập vào năm 1763, lại đang tổ chức làm ngoài giờ hết công xuất để sản xuất càng nhiều hàng hóa càng tốt trước khi van có thể bị khóa.

"Ai biết được chúng ta sẽ còn có khí đốt trong bao lâu?", Giám đốc điều hành của KPM, Martina Hacker, nói với Der Spiegel. "Chúng tôi không thể sản xuất đồ sứ mà không có khí đốt".

Các ngành công nghiệp như nhà máy sản xuất thủy tinh KPM cho biết, việc đóng cửa hoàn toàn các cơ sở sản xuất không phải là một lựa chọn tốt vì nó có thể khiến chất lỏng đọng lại và phá hủy máy móc.

Hiện 45 cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức chỉ đầy ở mức 26%. Kế hoạch của Berlin là tăng mức độ lên 80% vào mùa thu, chủ yếu bằng cách tiết kiệm năng lượng ngay từ bây giờ, để bảo vệ nguồn cung cấp cho mùa đông năm sau.

Theo đó, các bệnh viện, dịch vụ khẩn cấp và nhà sản xuất y tế sẽ được ưu tiên, tiếp theo là các hộ gia đình tư nhân. Theo kế hoạch, các ngành công nghiệp như sản xuất thủy tinh, sử dụng một phần tư lượng khí đốt của Nga được giao cho Đức sẽ là ngành đầu tiên dự kiến phải đóng cửa nếu Nga "khóa van".

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp sản xuất thủy tinh tuyên bố, họ có liên quan chặt chẽ đến hệ thống ưu tiên trên vì họ cung cấp cho ngành y tế các lọ thủy tinh trong khi các nhà sản xuất giấy tuyên bố, bìa carton của họ cũng rất quan trọng để giúp vận chuyển các lọ/chai y tế một cách an toàn.

Ai có thể lập luận phản bác họ?

Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức - nơi đảm bảo các doanh nghiệp được tiếp cận công bằng với khí đốt, điện và các dịch vụ quan trọng khác, đã gửi một bảng câu hỏi đến tất cả các doanh nghiệp Đức, yêu cầu họ đưa ra các lập luận riêng một cách hiệu quả về quyền sử dụng khí đốt của họ.

“Vấn đề ưu tiên là một quyết định rất khó, đòi hỏi phải xem xét một loạt các hệ quả", người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết.

Một số nhà phân tích đã dự đoán, sẽ có một "trận chiến" xấu xí ở Đức để xem xét ai xứng đáng được ưu tiên sử dụng năng lượng.

Cũng có những viễn cảnh về ngày tận thế của chuỗi cung ứng - vốn đã chịu nhiều áp lực do đại dịch Covid-19 - với dự đoán về sự sụp đổ hoàn toàn, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải phá sản, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan.

Jörg Hoffmann, người đứng đầu IG Metall, một công đoàn đại diện cho 1,2 triệu công nhân trong ngành hóa chất, chế biến kim loại và sản xuất thực phẩm Đức đã mạnh mẽ cảnh báo về “một cuộc suy thoái sâu hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào mà chúng ta từng biết cho đến nay”.

BASF - gã khổng lồ hóa chất, đồng thời là một trong những doanh nghiệp mua và tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Đức cho biết, người Đức sẽ sớm cảm nhận được ảnh hưởng của suy thoái sản xuất.

“Chúng tôi sẽ có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, nhiều công ty sẽ phá sản. Nó sẽ dẫn đến thiệt hại không thể phục hồi. Nói trắng ra: Nó có thể dẫn nước Đức vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và phá hủy sự thịnh vượng của chúng ta", Chủ tịch BASF, Martin Brudermüller cảnh báo.

Đức vì thế đang tham gia vào một cuộc chạy đua với thời gian để tìm nguồn cung cấp nguồn khí đốt thay thế từ Hà Lan và Na Uy, đồng thời tăng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên lỏng (LNG) từ các nhà máy của Bỉ và Mỹ.

Áp lực cũng gia tăng quy mô và tăng tốc các dự án tái tạo năng lượng từ gió và mặt trời. Các công ty như gã khổng lồ dược phẩm Merck đang có kế hoạch xây dựng các tua-bin gió và tấm pin năng lượng mặt trời để tăng tính độc lập - thậm chí chỉ để có thể sưởi ấm văn phòng của họ. Nhưng đó là một nỗ lực khổng lồ có thể sẽ mất tới nhiều năm.

Một số công ty thậm chí còn dự tính chuyển các cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài, với dự đoán rằng hoạt động ở Đức sẽ trở nên cực kỳ tốn kém và gây ra lo ngại động cơ kinh tế của châu Âu có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem