Các địa phương triển khai ngăn chặn cúm gia cầm

Thứ tư, ngày 12/02/2014 09:54 AM (GMT+7)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan, nhiều địa phương đã thành lập các chốt kiểm soát, phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Bình luận 0
Quảng Ninh lập 6 chốt kiểm soát

Tỉnh Quảng Ninh có đường biên giáp ranh với Trung Quốc - nước đang đối mặt với dịch bệnh cúm A-H5N1 và H7N9 bùng phát từ gia cầm. Trước nguy cơ có thể bị lây lan, ngày 11.2 tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định thành lập 6 chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: Dân Trí)
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: Dân Trí)

Cụ thể, chốt cầu Vàng Chua (nằm trên Quốc lộ 18A, điểm tiếp giáp giữa tỉnh Hải Dương và huyện Đông Triều trên tỉnh lộ 188), chốt ngã ba Cầu Đá bạc (TP. Uông Bí), chốt ngã ba Yên Than (Tiên Yên), chốt điểm tiếp giáp giữa tỉnh Bắc Giang và huyện Ba Chẽ trên tỉnh lộ 330), chốt điểm tiếp giáp giữa tỉnh Bắc Giang và huyện Hoành Bồ trên Quốc lộ 279, chốt bến phà Rừng (thị xã Quảng Yên).

Lực lượng tại các chốt này luôn thường trực 24/24 giờ, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, lực lượng tại chốt phải tổ chức thu giữ, tiêu hủy đối với những động vật, sản phẩm động vật vận chuyển không rõ nguồn gốc, không chứng nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền, khử trùng tiêu độc đối với phương tiện vận chuyển và xử phạt các đối tượng vi phạm theo quy định hiện hành.

Trong buổi sáng 11.2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, song nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác phòng dịch. Theo đó, các ngành chức năng cần tích cực, kiên quyết trong công tác kiểm soát, xử lý vận chuyển lưu thông, buôn bán gia cầm nhập lậu; đặc biệt là kiểm soát nhập lậu gia cầm trên các tuyến biên giới.

Các địa phương giáp với các tỉnh lân cận và có đường biên giới với Trung Quốc cần chủ động, tăng cường các chốt, trạm kiểm dịch; tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ. Ngành nông nghiệp phải xây dựng phương án chi tiết để bao vây, dập dịch khi dịch xảy ra.

Kon Tum tiêu hủy 100 con gà bệnh

Ngày 11.2, đàn gà khoảng 100 con của gia đình ông Phan Thanh Long (tổ 4, phường Ngô Mây, TP. Kon Tum) đã được tổ chức tiêu hủy. Trước đó, ngày 6.2, gia đình ông Long phát hiện đàn gà gần 600 con có dấu hiệu bị bệnh cúm, đến ngày 8.2 số gà chết lên tới hơn 470 con.

Các ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã lấy mẫu gà nhiễm bệnh gửi đi kiểm nghiệm và ngày 11.2 đã có kết quả dương tính với virus H5N1. Hiện nay chị Lường Thị Hiên - Trưởng ban Thú y cơ sở phường Ngô Mây, sau khi tiếp xúc với ổ dịch này đã có triệu chứng sốt, mệt mỏi… và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, nghi bị cúm A/H5N1.

Thanh Hóa xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1

Ngày 11.2, thông tin từ Sở NNPTNT Thanh Hóa, tại xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia đã xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm. Trước đó, ngày 1.2, tại gia trại của ông Lường Tú Hoàng ở xã Anh Sơn có 186 con gia cầm bị ốm chết. Sở NNPTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y tiến hành kiểm tra, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Đến ngày 7.2, kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y Vùng 3 cho thấy mẫu gia cầm dương tính với cúm A/H5N1. Sở NNPTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và địa phương có dịch cúm gia cầm khẩn trương triển khai các phương án dập dịch.
Hoàng Anh Tuấn - Tiến Thành  - Hồng Đức (Hoàng Anh Tuấn - Tiến Thành  - Hồng Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem