Các dự án điện chậm tiến độ có thể gây nguy cơ thiếu điện
Thanh Phong
Thứ ba, ngày 08/09/2020 14:10 PM (GMT+7)
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tình trạng các dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới. Cụ thể, tổng công suất nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành giai đoạn 2016 – 2020 chỉ đạt gần 60%.
Thời gian qua, nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Do đó, một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát.
Trước thực trạng trên, giới chuyên môn nhận định, đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.
Đánh giá về tình trạng các dự án điện chậm tiến độ, đại diện Bộ Công Thương cho hay, điều này dẫn đến việc mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.
"Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.
Ngoài ra, hoạt động huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …)", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Cũng theo thông tin từ phía Bộ Công Thương, những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, vấn đề cốt yếu là do cơ chế chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm được đổi mới, nguồn lực đầu tư còn hạn chế và dàn trải.
"Chất lượng xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch ngành điện chưa cao thể hiện ở tính dự báo, điều chỉnh kịp thời, đồng bộ, khả thi; chưa có cơ chế giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch ngành điện.
Các văn bản pháp luật liên quan đến cung ứng điện còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, còn nhiều vướng mắc như xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước xây dựng trên địa bàn nhiều địa phương", đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Ngoài ra, hiện tại, chưa có cơ chế đấu thầu để thu xếp vốn đầu tư cho ngành điện. Đáng chú ý, đối với các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án điện cũng chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm.
Mới đây, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Giải trình về vấn đề giá điện chỉ tăng chứ không giảm, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương cho biết, thực tế thời gian qua khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh chưa có cơ hội để cân đối và đảm bảo giá thành của giá điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư.
Trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giá giảm...
"Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng tới đây khi hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự công khai, minh bạch. Tôi tin rằng lúc đó giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường", Vị tư lệnh ngành Công Thương cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.