Các giám khảo nói về cuộc thi ảnh báo chí “Đất và Người”: Lắng đọng, xúc động vì tính nhân văn

Thanh Hà (ghi) Thứ tư, ngày 22/10/2014 07:13 AM (GMT+7)
Xúc động, lắng đọng, tràn đầy tính nhân văn... là những nhận xét của các thành viên Ban giám khảo về Cuộc thi ảnh Đất và Người. 
Bình luận 0

Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh: Tính báo chí rất cao!

Những tác phẩm lọt vào chung kết hay những tác phẩm đoạt giải như giải Nhất bộ ảnh: “Đám cưới với rượu, nước, nhọ và bùn” của Trần Tuấn, hay giải Nhất ảnh đơn “Nhành lan rừng trên đường về bản” của Trịnh Thu Nguyệt… đều là những tác phẩm mang tính báo chí rất cao. Các ảnh đều thể hiện những vấn đề của xã hội, những dự báo, những phát hiện mới. Ví dụ như bộ ảnh: “Bệnh viện chó mèo” hay tác phẩm “Cầu bập bênh” của tác giả Lừu Văn Thắng, nói về các em nhỏ người Mông ở xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, thiếu chỗ chơi phải chơi trò bập bênh bằng cây tre bắc ngay trên mặt ruộng, luôn bị ngã bẩn.

img Một bức ảnh trong bộ ảnh "Đám cưới với rượu, nước, nhọ và bùn".

 

Tôi đã từng chấm nhiều cuộc thi ảnh và thấy rằng ở cuộc thi này không giống như những cuộc thi ảnh khác bởi tính báo chí rất cao. Tôi ấn tượng với Cuộc thi ảnh “Đất và Người” vì dưới những bức ảnh là những chú thích ảnh, những nội dung kèm theo khiến khán giả dễ xem, dễ đọc và dễ hiểu. Tôi cho đó một ưu điểm tại cuộc thi. Tuy nhiên vẫn có nhiều bộ ảnh và ảnh đơn còn mang tính nghệ thuật, đèm đẹp nhiều quá. Ví dụ những bộ ảnh về làng gốm, làng cổ Cự Đà… ta có thể gặp được ở bất cứ đâu. Tôi được biết ở nước ngoài hay một số tờ báo ở Việt Nam, họ đã triển khai theo phương thức xã hội hóa nhiếp ảnh báo chí. Tức là họ đã cung cấp máy ảnh cho những ngư dân, người nông dân, người thợ mỏ… để họ chụp ảnh và gửi về, còn tòa soạn sẽ lọc ra những bức ảnh với những khoảnh khắc xúc động, những bức ảnh mang tính báo chí, vấn đề để đăng báo. Tôi nghĩ đó cũng là một cách làm hay.

Nhà nhiếp ảnh Vũ Nhật: Các tác phẩm rất đa dạng, hấp dẫn

Tôi thấy “Đất và Người” là một trong những cuộc thi ảnh báo chí có số lượng tác giả, tác phẩm đông đảo nhất từ trước tới nay. Tôi cho rằng, Báo NTNN đã khai thác đúng tiềm năng vô tận của các tay máy trên khắp cả nước. Bởi trong mỗi năm của mỗi nhiếp ảnh gia đi chụp thì đều sẽ có một bộ ảnh, một tác phẩm về đề tài nông thôn. Nên tôi rất mong muốn cuộc thi ảnh báo chí Đất và Người do Báo NTNN tổ chức sẽ trở thành cuộc thi thường niên.

Tôi đã chấm rất nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật, nhưng với tôi cuộc thi ảnh này hết sức hấp dẫn, chất lượng ảnh lại rất đa dạng, phong phú và sinh động, đi vào đời sống thường nhật của người nông dân, những vấn đề môi trường, giáo dục... Có đề tài mộc mạc, dung dị nhưng lại gây ấn tượng, sự lắng đọng khiến giám khảo cũng như người xem phải xúc động.

Ví dụ như tác phẩm ảnh đơn “Diều túi” của tác giả Trịnh Thu Nguyệt. Với mấy cái túi nylon được mấy đứa trẻ đem ra chơi nghịch và buộc lại trên những thanh sắt nhỏ ở thành cầu, khi gặp gió nó căng tròn, bay phần phật. Đó là cánh diều của các em. Hình ảnh ấy khiến tôi cảm thấy thân thương, xúc động. Có thể nói đó là một hình ảnh hết sức nông thôn.

Hay như bộ ảnh “Mẹ tôi” của Lê Thị Ngân đoạt giải Nhì, khi chấm chúng tôi không câu nệ về tính chuyên nghiệp theo kiểu bố cục, đường nét ánh sáng. Chúng tôi đánh giá cao, với một đề tài hết sức bình thường nói về mẹ, về nụ cười trong lao động của mẹ mà em chứng kiến trong những ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, tần tảo nuôi con. Xem bộ ảnh đó, tất cả chúng tôi đều rất xúc động.

Nhà nhiếp ảnh, nhà báo Việt Văn: Thú vị với những khoảnh khắc sinh động

Quan điểm
img
Nhà báo Việt VănNhiếp ảnh gia
  Tôi cho rằng Báo NTNN đã có được sự thành công, thắng lợi khi chất lượng các tác phẩm vào chung khảo và đoạt giải đã đáp ứng mong đợi của Ban tổ chức và Ban giám khảo...  
“Đất và Người” là cuộc thi ảnh dài hơi, dù lần đầu tiên tổ chức nhưng đã thu hút sự hưởng ứng đông đảo từ các tay máy chuyên nghiệp và không chuyên cả nước. Một điều thú vị mà tôi thấy ở cuộc thi là 400 ảnh bộ và ảnh đơn của các tay máy nghiệp dư thuộc thành phần “đặc biệt” được khai thác từ nguồn đối tác Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội và Môi trường (ISEE) và Oxfam, lại gây cho chúng tôi rất nhiều xúc động. Vì sự mộc mạc, chân tình trong cách kể chuyện, từ góc nhìn của chính người trong cuộc chụp về người thân, về gia đình mình, về những câu chuyện nhỏ xung quanh mình.

Với ảnh báo chí, nhất là ảnh bộ, phần lời của ảnh hết sức quan trọng, nhiều khi là chiếm đến 40% thành công của ảnh. Ở cuộc thi này, các tác giả dự thi đã dành thời gian thỏa đáng cho viết lời dẫn và nhiều bộ ảnh như “Mẹ tôi” - giải nhì - của Lê Thị Ngân (Hội Người khuyết tật Ba Vì, Hà Nội) gây nhiều xúc động.

Bộ ảnh giải nhất “Đám cưới với rượu, nước, nhọ và bùn” của tay máy Trần Tuấn ghi lại một đám cưới với tục lệ cổ xưa lạ lẫm của người Mảng ở Lai Châu. Một bộ ảnh với những cú bấm máy động, chớp khoảnh khắc đắt, mang tính báo chí cao, thể hiện sinh động một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc thiểu số, đã giành sự đồng thuận rất cao của Ban giám khảo.

Trong tổng số 38 bộ ảnh lọt vào vòng chung khảo, các giám khảo dù không ai bảo ai nhưng cũng nhanh chóng có sự đồng thuận bởi chất lượng của tác phẩm bộ ảnh mang tính báo chí cao, với những đề tài xã hội, vấn đề, sự mới lạ tốt hơn. Còn với tác phẩm ảnh đơn, Ban giám khảo chấm bao giờ cũng khó. Với “Nhành lan rừng trên đường về bản” của Trịnh Thu Nguyệt - giải Nhất - “ăn” ở câu chuyện giản dị, nhân văn, ở hình ảnh quen thuộc cây cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh điển hình cho giao thông khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem