“Vụ mùa bội thu” của những người “tay ngang”
Sáng 16.10, Báo NTNN đã tổ chức chấm chung khảo Cuộc thi ảnh báo chí “Đất và Người” mùa đầu tiên, với sự tham gia của 5 vị giám khảo. Từ hơn 7.000 tác phẩm ảnh tham gia vòng sơ khảo, đã có 178 ảnh đơn lọt vào vòng chấm chung khảo. Trong số này có 25 tác phẩm của tác giả là người khuyết tật, dân tộc ít người, trẻ em, người bệnh... Và trong số đó, thật bất ngờ, đã có nhiều người đoạt giải cao như Lê Thị Ngân (Ba Vì, Hà Nội) giành giải Nhì với tác phẩm “Mẹ tôi”; cậu bé Lừu Seo Sềnh (người Mông, quê Si Ma Cai, Lào Cai) giành giải Khuyến khích...
Ông Vũ Quốc Khánh- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Ban giám khảo cho biết, cuộc thi ảnh báo chí “Đất và Người” nhận được số lượng ảnh tham gia rất lớn và nhìn chung chất lượng ảnh cũng rất tốt, đề tài khá phong phú, bám sát thể lệ cuộc thi. Rất nhiều tác phẩm đã nói đến nông dân, nông thôn, những nội dung nằm trong thể lệ cuộc thi.
Tại vòng chung khảo này, có rất nhiều bộ ảnh, đặc biệt những ảnh đơn đã không nhận được phiếu ủng hộ của Ban giám khảo, đặc biệt là giám khảo được cho là khó tính nhất trong vòng chung khảo - họa sĩ Lê Thiết Cương vì thiếu tính báo chí. “Không phải tôi khó tính mà bản thân những bức ảnh tôi không chọn chỉ đơn thuần là ảnh đẹp, có ảnh thì mang tính nghệ thuật nhưng lại không có thông tin báo chí trong đó. Trong khi đây là cuộc thi ảnh báo chí, vì vậy thông tin báo chí là quan trọng, là được đưa lên hàng đầu” - giám khảo Lê Thiết Cương cho biết.
Cùng quan điểm, giám khảo Vũ Quốc Khánh đánh giá rất cao các tác phẩm vào chung khảo bởi theo ông, tính báo chí trong các tác phẩm đó thể hiện rất rõ nét. Các bộ ảnh và ảnh đơn đã nói đúng tiêu chí, tiêu đề của Cuộc thi ảnh “Đất và Người”, liên quan đến con người, đất đai, môi trường, những vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó còn là những đề tài mới mang tính phát hiện như bộ ảnh “Bệnh viện chó mèo” của nhóm tác giả ở Hà Nội...
“Một ưu điểm mà tôi rất thích tại Cuộc thi ảnh “Đất và Người” là những dòng chú thích về tên tác phẩm, nội dung, câu chuyện đã được gắn ngay ở dưới bức ảnh, để giám khảo cũng như khán giả có thể dễ dàng hiểu về đề tài mà tác giả đưa ra” - giám khảo Vũ Quốc Khánh nói.
Phải là người trong cuộc
Ông Cương phân tích: “Tôi đã đặt thông tin báo chí là yếu tố quan trọng nhất được chấm, thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh. Ví dụ tôi rất thích tác phẩm “Đại hồng thủy” của tác giả Đinh Nho Lý ở Hà Tĩnh. Khi nhìn vào bức ảnh bạn sẽ thấy thông tin bức ảnh đưa ra là sự kiện lũ lụt xảy ra với những ngôi nhà bị nước nhấn chìm chỉ còn mấp mé một chút nóc. Và trung tâm bức ảnh là chiếc thuyền với hai người phụ nữ, trong đó người phụ nữ ngoài cùng với khuôn mặt đau đớn, hốt hoảng vì lũ đến và biết rằng đã trắng tay vì lũ. Ngoài ra, điểm nhấn là hai bàn tay người phụ nữ giơ ra một cách tự nhiên nhưng lại chứa đựng rất nhiều thông tin mà nhìn vào đó khán giả có thể cảm nhận toàn bộ sự việc đang diễn ra tại đây”.
Ngược với số lượng 36 bộ ảnh nhận được nhiều phiếu bầu thì 153 ảnh đơn lại nhận được sự khắt khe hơn của các giám khảo. Lý giải điều này, họa sĩ, nhiếp ảnh gia Lê Thiết Cương cho biết, nếu muốn có một bức ảnh báo chí hay thì tác giả phải chính là người ở trong câu chuyện, bức ảnh phải mang hàm ý nào đó. Và tác phẩm không chỉ đơn thuần chỉ một dòng chú thích tên bức ảnh, mà bên dưới phải dẫn giải một chút về bức ảnh.
“Nhìn những bức ảnh và bộ ảnh trong nhóm các tác giả đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, học sinh tiểu học và THCS dân tộc ít người có độ tuổi từ 10-15 tuổi, bạn sẽ thấy sự nhất trí cao của các giám khảo. Bởi ở những bức ảnh đó người xem nhìn thấy nhiều vấn đề của xã hội, những mong mỏi, những điều muốn nói của chính tác giả được thể hiện qua bức ảnh. Ví dụ như bức ảnh “Bowling trong sương” của tác giả Lừu Seo Sềnh, tôi rất thích”- họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, giám khảo Vũ Quốc Khánh cho rằng, nếu muốn có một tác phẩm báo chí tốt, tác giả không thể đứng ngoài cuộc, chỉ lướt qua sự kiện, sự việc, kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Mà lúc đó tác giả phải cùng sống, cùng chia sẻ, thậm chí cùng chịu tất cả những hoàn cảnh mới có một tác phẩm tốt.
“Tôi nghĩ không riêng về nhiếp ảnh mà ngay ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như mỹ thuật, họa, âm nhạc cũng đều cần phải sống cùng hoàn cảnh, mà chỉ có sống cùng hoàn cảnh mới tạo cho tác giả những hứng khởi, cảm xúc để sáng tác. Đặc biệt với loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh, lại là người sống bằng khoảnh khắc, bằng trực tiếp những cú bấm máy, cho nên càng sống, càng lăn lộn, bức ảnh càng hay” - giám khảo Vũ Quốc Khánh nói
Danh sách giải thưởng chính thức
Giải Ảnh bộ :
- 01 Giải Nhất: Đám cưới với rượu, nước, nhọ và bùn (tác giả Trần Tuấn- tỉnh Lai Châu)
- 02 Giải Nhì: Nông dân Sa Pa đắng cay vì mưa tuyết (Thanh Tú- tỉnh Lào Cai); Mẹ tôi (Lê Thị Ngân - Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì, Hà Nội)
- 02 Giải Ba: Báu vật Sơn Trà (Võ Hoàng Vũ- Đà Nẵng); Bí ẩn ngọc thực (Minh Hải – Quảng Nam)
Ảnh đơn:
- 01 Giải Nhất: Nhánh lan rừng trên đường về bản (Trịnh Thu Nguyệt- Đà Nẵng)
- 01 Giải Nhì: Mùa cấy (Nguyễn Công Hưng – Đà Nẵng)
- 01 Giải Ba: Nước mùa khô (Lê Minh Quát – Bình Thuận)
08 Giải Khuyến khích:
- Bé Giàu (ảnh bộ) – tác giả Trần Lâm – Cà Mau
- Đàn ngựa cứu người (ảnh bộ) - tác giả Mai Khuê- Khánh Hòa
- Nạn chặt phá rừng và sự biến đổi khí hậu (ảnh bộ) – tác giả Huỳnh Lâm – Cà Mau
- Đại hồng thủy tháng 10.2013 – tác giả Đinh Nho Lý-Hà Tĩnh
- Bowling trong sương – tác giả Lừu Seo Sềnh- Lào Cai
- Được mùa cá trích – tác giả Bùi Thái Dũng – Bà Rịa - Vũng Tàu
- Gùi nhẹ - tác giả Trần Thiết Dũng- Lâm Đồng
- Sân chơi nơi cổng viện- tác giả Xuân Thủy – Hà Nội
Vui lòng nhập nội dung bình luận.