Ảnh “xấu” lúc... đói lòng
Phóng sự ảnh “Đám cưới với rượu, nước, nhọ và bùn” (Trần Tuấn) sẽ không đến với cuộc thi nếu không có cảnh “đói ảnh”, tác giả cũng ngại vì… xấu. Dịp cuối năm, liên tục các số báo đặc biệt, đã thành thông lệ, ở báo Nông Thôn Ngày Nay trang phóng sự ảnh những dịp ấy luôn… đói nặng. Tôi gọi điện cho Tuấn cầu cứu. Cũng nói thêm anh là phóng viên báo Lai Châu, chuyên đi vùng sâu vùng xa. Tuấn thuộc loại “hàng hiếm” vì viết tốt mà chụp cũng chuẩn, làm được phóng sự ảnh. Riêng ảnh về các cộng đồng người sống ở vùng rất sâu và xa nơi “cuối trời Tây Bắc” như La Hủ, Hà Nhì, Mảng, Cống, Si La… Tuấn có “cả kho”. Tâm sự về cái sự thích đi vào những nơi không ai thích ấy, Tuấn bảo: “Em như có duyên với bà con vậy, không đi lại thấy nhơ nhớ, mà chỉ thích viết, chụp về những vùng đất và con người nghèo khó”. Trong Cuộc thi ảnh “Đất và Người”, Tuấn có đến 3 phóng sự ảnh về người La Hủ.
Đang khi bí, gọi điện cầu cứu Tuấn, anh trả lời: “Có bộ ảnh mới, em thích lắm nhưng không dám gửi… nó xấu xấu”. Động viên mãi Tuấn gửi, nhận bộ ảnh tôi bỗng ngẩn người vì nó thuộc loại cực hiếm, độc nhất vô nhị. Đám cưới gì mà lem luốc toàn bùn với nhọ, lại còn đánh nhau nữa, nhưng xem ai cũng thích, thích đến ngẩn người mà hỏi lại: “Không lẽ giờ vẫn còn cái tục này?”. Gửi ảnh rồi Tuấn còn gọi điện thanh minh: “Anh xem được thì dùng, đừng vì ngại với em mà cố”. Tuấn ngại cũng không sai, bao năm nay cái tâm thế xem ảnh phải “đèm đẹp” vẫn chế ngự tại nhiều tòa soạn báo. Chùm ảnh đăng lên, nhiều người thích, mấy tòa soạn báo xin dùng lại. Ở vòng cuối cuộc thi, bộ ảnh của Tuấn có điểm cao chót vót, tôi còn nghĩ, có nhầm không? Họa sĩ Lê Thiết Cương bảo tôi: “Cậu xem vận động tác giả tặng lại cho Bảo tàng Dân tộc học”. Gọi điện hỏi Tuấn, anh trả lời: “Đồng ý ngay và luôn, văn hóa là của mọi người, mình có may mắn ghi lại được là thích rồi”. Nhận được tin đạt giải cao, Tuấn đã tính ngay việc dành toàn bộ tiền thưởng để đổi máy ảnh “xịn” hơn cho những chuyến đi sâu hơn xa hơn về với đồng bào các dân tộc.
Địu con đi chụp ảnh
Trịnh Thu Nguyệt đến với cuộc thi, hay nói đúng hơn cuộc thi tìm đến với Nguyệt. Cũng dịp cuối năm ngoái, dòng ảnh chảy về ít, chúng tôi dò tìm và phát hiện ra tay máy “lạ”, chông chênh giữa báo chí và nghệ thuật, khuôn hình chưa thật “quái” nhưng cách nhìn rất đầm ấm, yêu thương.
Nguyệt đến với cái máy ảnh vì… yêu con, thích tự mình chụp những “hình ảnh đẹp nhất về con mà ra tiệm họ không chụp được… Chụp được con rồi lại thấy những con người xung quanh mình thật đẹp, tại sao mình không chụp họ nhỉ” - cô kỹ sư mỏ địa chất tâm sự. Cái nghề của Nguyệt cho cô đến với nhiều vùng đất, chiếc máy ảnh cho cô thêm cách nhìn rất riêng về những mảnh đất, con người. Gặp Nguyệt mới “giải mã” được cái “là lạ” trong ảnh, cô chụp bằng trực cảm của người đàn bà truân chuyên. Cậu con trai mới 2 tuổi đã theo mẹ đi “sáng tác ảnh”. Chuyện Nguyệt địu con, để cháu ngủ sau lưng, 4 giờ sáng ra bãi biển chụp ảnh không phải là chuyện lạ ở Đà Nẵng. Rồi những chuyến đi xa, hai mẹ con và chiếc máy ảnh thành “một gia đình” trên từng cây số. Năm ngoái, thương con quá, Nguyệt đã bàn với con gửi cậu lại nhà bà mẹ nuôi mấy ngày để đi chụp ảnh. Chuyện trò thông suốt, cháu đồng ý, nhưng hôm trước khi đi cậu gửi “tâm thư” cho mẹ “con sẽ nhớ mẹ lắm lắm”. Dòng chữ viết cố nắn nót, mà vẫn sai chính tả của cậu con trai chưa đi học khiến cô trào nước mắt mà… đưa con đi theo.
Đợt Tết Giáp Ngọ 2014, hai mẹ con vượt ngàn cây số lên Mộc Châu (Sơn La), đến “thảo nguyên nắng” lúc 1 giờ sáng, lạnh buốt, chị dắt con đi dọc phố tìm khách sạn. “Hâm ơi là hâm” - Nguyệt cười kể lại. Bộ ảnh “Nắng xuân trên thảo nguyên xanh” thì không “hâm” chút nào, đầy ắp nắng trong tiếng trẻ cười. Không phân biệt được nắng làm trẻ cười hay tiếng trẻ cười làm bật nắng. Nguyệt đặc biệt thành công với ảnh trẻ em. Từ bộ ảnh “Những đứa trẻ trên sóng Tam Giang” hay “Mắt trẻ thơ”, “Diều túi”… Tác phẩm đoạt giải Nhất cũng là một em nhỏ: Gùi bó củi lớn hơn mình, tay cầm quả bí mà sau lưng có nhành hoa lan… liêu xiêu qua cây cầu treo thiếu ván “Mới nhìn thấy em sợ quá không dám chụp, lo cháu giật mình ngã” Nguyệt nhớ lại nhưng rồi “không cầm lòng được, nâng máy lên thật nhẹ và… chụp”.
Bức ảnh và lời dẫn độc đáo lặng người của Nguyệt là “trọn vẹn, cả nội dung và hình thức, xứng đáng i giải nhất”. Ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN nói.
Trong số 8 giải chính thức của cuộc thi, có đến 6 giải thuộc về tác giả không chuyên (2 giải Nhất cả ảnh bộ và ảnh đơn, 2 giải Nhì ảnh bộ, 2 giải Ba ảnh bộ). Đặc biệt, tác giả Lê Thị Ngân là người khuyết tật đã giành giải Nhì với bộ ảnh “Mẹ tôi”, tác giả Lừu Seo Sềnh, người Mông, học sinh lớp 5 ở Si Ma Cai (Lào Cai) đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Bowling trong sương”. Tỷ lệ tác giả không chuyên giành giải cao khá bất ngờ nhưng cũng là xu thế chung của nhiếp ảnh hiện đại: Nhiếp ảnh của mọi người và vì cuộc sống chung của tất cả mọi người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.