Các nhà sản xuất ưa thích điện thoại gập: Đây là những lý do then chốt

Thứ năm, ngày 22/12/2022 09:38 AM (GMT+7)
Chi phí linh kiện thấp và mang lại tỷ suất lợi nhuận cao là những đặc điểm giúp điện thoại gập ngày càng được các nhà sản xuất ưu tiên.
Bình luận 0

Lý do các nhà sản xuất ưa thích điện thoại gập - Ảnh 1.

Điện thoại gập đang mang đến cho các nhà sản xuất nhiều lợi thế. Ảnh: Forbes.

Theo phân tích mới nhất của Nikkei, chi phí linh kiện ước tính để sản xuất các mẫu điện thoại gập là khoảng 40% giá bán, thấp hơn so với dòng iPhone 14 của Apple. Điều này cho thấy biên lợi nhuận tốt của các mẫu điện thoại gập đã thúc đẩy những nhà sản xuất tham gia vào thị trường này.

Ngoài ra, nhu cầu về điện thoại gập đang tăng lên sau một khởi đầu chậm chạp. Theo Counterpoint Research, mặc dù chiếm chưa đến 2% thị trường điện thoại di động toàn cầu, các lô hàng điện thoại gập được dự báo sẽ tăng 73% vào năm 2022 so với năm 2021, lên 16 triệu chiếc.

Chi phí sản xuất tối ưu

Nikkei cùng với chuyên gia phân tích linh kiện tại Fomalhaut Techno Solutions đã “mổ xẻ” mẫu Galaxy Z Fold 4. Theo đó, chi phí linh kiện ước tính của Galaxy Z Fold 4 vào khoảng 670 USD, chiếm chưa đến 40% giá bán. Với tỷ lệ chi phí thấp hơn so với mức 46% của iPhone 14 Pro Max, mẫu smartphone của Samsung có lợi thế tốt.

Hiện tại, Galaxy Z Fold 4 có giá khoảng 1.800 USD, cao hơn 500 USD so với iPhone 14 Pro Max. Khi hiệu năng thiết bị không còn quá chênh lệch, Samsung đã định vị mẫu smartphone của mình dựa trên tính năng đặc biệt.

Lý do các nhà sản xuất ưa thích điện thoại gập - Ảnh 2.

Hầu hết linh kiện sản xuất Galaxy Z Fold 4 đều do Samsung chế tạo. Ảnh: Nikkei.

Bên cạnh đó, nhiều linh kiện của Galaxy Z Fold 4 do chính Samsung sản xuất, bao gồm cả màn hình OLED. Về vi xử lý, Qualcomm là nhà cung cấp chất bán dẫn chính cho Galaxy Z Fold 4. Ngoài ra, nhiều bộ phận chính khác của thiết bị, chẳng hạn như pin, do LG Energy Solution cung cấp. Do đó, nguồn cung linh kiện đa phần đều đến từ những công ty trong nước.

Khi so sánh với các đối thủ trên thị trường, tỷ lệ nội địa hóa cao đã giúp Galaxy Z Fold 4 trở nên khác biệt so với các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc. Chẳng hạn, điện thoại do Huawei sản xuất phụ thuộc nhiều vào Mỹ và đây có thể là trở ngại khi công ty muốn mở rộng quy mô.

Trong khi Apple và các nhà sản xuất khác đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro địa chính trị, Samsung lại được hưởng lợi từ hoạt động mua sắm nội địa mạnh mẽ, nguồn cung cấp linh kiện ổn định cùng chi phí sản xuất thấp hơn.

Biên lợi nhuận tốt

Khi soi xét linh kiện, Galaxy Z Fold 4 có một pin bên phải và một bên trái, kèm theo một đế khá lớn. Do các thành phần gắn trên đế, chẳng hạn như chip và tụ điện, không bị bố trí dày đặc như trên iPhone, Samsung có thể tối ưu phần diện tích này cho các chức năng khác trong tương lai.

Khi so sánh với Mate Xs của Huawei và Mi Mix Fold của Xiaomi, 2 thiết bị đến từ Trung Quốc có giá thành cao nhưng chi phí linh kiện chỉ 30-40%. Do đó, tỷ suất lợi nhuận trên mỗi sản phẩm đều tốt hơn so với iPhone.

Lý do các nhà sản xuất ưa thích điện thoại gập - Ảnh 3.

Tỷ suất lợi nhuận của điện thoại gập tốt hơn so với các mẫu smartphone khác. Ảnh: Techradar.

Ngoài ra, cả 2 mẫu điện thoại gập của Xiaomi và Huawei đều đang sử dụng màn hình OLED do Samsung sản xuất. Điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của các nhà sản xuất Trung Quốc vào nhà cung cấp Hàn Quốc.

Hiện tại, nhu cầu về điện thoại gập đang tăng mạnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Ngoài Samsung và Huawei, các nhà sản xuất khác như Oppo cũng đang tham gia vào cuộc cạnh tranh. Do đó, việc giảm chi phí sản xuất và cải tiến thiết bị sẽ rất quan trọng khi các công ty muốn áp dụng rộng rãi dòng sản phẩm này.

Hơn 15 năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên được giới thiệu, những cải tiến về phần cứng trên điện thoại thông minh đang ngày càng chậm lại. Đồng thời, những đổi mới công nghệ đạt được thông qua quá trình thử nghiệm đang dần dịch chuyển sang các nhà sản xuất tại châu Á.

“Ngày nay, Apple đã trở nên bảo thủ về mặt công nghệ. Các công ty trong nhóm Android có thế mạnh về sản xuất phần cứng, đang nhanh hơn trong việc áp dụng những tính năng mới nhờ vào sự cạnh tranh gắt gao”, Hideaki Yokota, người đứng đầu Viện nghiên cứu MM nhận định.

Minh Hoàng (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem