Loay hoay tìm vì thiếu đủ thứ
Vốn, kỹ thuật, phát triển sản phẩm đưa đến tay người sử dụng, thậm chí là trợ giúp viết báo cáo sản phẩm, hồ sơ đề nghị hỗ trợ là những vấn đề các nhà sáng chế “chân đất” mong được cơ quan quản lý hỗ trợ.
Chiều 12.5, các nhà sáng chế không chuyên đã đến thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mở ra cơ hội để các nhà khoa học và nhà sáng chế "chân đất" có thể liên kết, hợp tác với nhau. Thanh Hải
Nông dân Ngô Viết Hường (tỉnh Đắk Nông) đã khiến chúng tôi ngạc nhiên khi trả lời rằng không cần sự hỗ trợ gì về việc tạo đầu ra cho sản phẩm do ông sáng chế ra. Sản phẩm của người nông dân chỉ học lớp 6/12 là hệ thống kết cấu nối cầu sau máy cày tay để hỗ trợ vận chuyển trên nương, rẫy. Ông Hường cho hay: “Từ khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi chưa nhận được hỗ trợ tài chính gì. Tôi đã tự tìm đến Sở KHCN và được hướng dẫn đăng ký bản quyền, đăng ký sáng chế và được cấp bằng sở hữu trí tuệ. Điều tôi cần nhất là vốn, còn đầu ra chắc tôi tự lo được vì đây là thứ người nông dân đang rất cần”.
Cùng chung một nỗi ưu tư, nông dân Mai Văn Cúc (tỉnh Bình Phước) chia sẻ, từ khi bắt tay vào nghiên cứu ứng dụng phun thuốc cho vườn cây rộng, vốn vẫn là điều khiến ông bận tâm nhất. “Tôi thấy nông dân mình đâu có dư, vừa phải lo làm lo ăn đâu có đủ, để nghiên cứu có người phải bán đất. Như tôi nghiên cứu 6 tháng, phải đi vay mượn. Lúc làm mình không nghĩ về tiền bạc, nhưng nếu gia đình không ủng hộ thì không làm được. Nông dân mình mần ruộng, làm sao có dư”.
Ông Nguyễn Văn Hai (tỉnh Bình Thuận) chuyên sáng chế máy móc nông cụ lại chỉ ra khó khăn đối với những nhà sáng chế không chuyên đến từ việc viết báo cáo, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Ông Hai cho biết: “Nhà sáng chế cần thêm sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Chúng tôi thiếu thốn về tiền bạc không nói làm gì, còn cả thiếu về công nghệ, kỹ thuật rồi cả quan hệ nữa. Với người mới làm, không đơn giản chút nào. Bảo họ cầm cái búa thì được, nhưng cầm cây bút viết mô tả sáng chế thì không dễ. Đến từng chi tiết phải dùng đúng từ chuyên môn. Có người đã phải chấm mực lăn tay. Làm sao người ta hiểu những từ ngữ chuyên ngành”.
Chờ thông tư hỗ trợ
Chia sẻ khó khăn với các nhà sáng chế xuất thân từ nông dân, ông Nguyễn Hồng Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KHCN thừa nhận: “Đúng là các bác nông dân có thể nói, trình bày về sản phẩm của mình trôi chảy nhưng để trình bày thành hồ sơ, theo khuôn mẫu như quy định lại là khó. Về vấn đề này, các nhà sáng chế không chuyên hãy liên hệ trực tiếp với Sở KHCN các địa phương để được hướng dẫn cụ thể”.
Về thời gian đăng ký Sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Hồng Hà cho biết đây là quy định không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế. Tuy nhiên, ngay từ khi người nộp hồ sơ được chấp nhận thì sản phẩm đã có thể được bán.
Hiện nay, Bộ KHCN đang lấy ý kiến để bổ sung, sử đổi Thông tư hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến ban hành theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP. Đây là văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các nhà sáng chế không chuyên, không hưởng lương nhà nước trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng khẳng định: Từ năm 2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định Điều lệ sáng kiến. Trong đó, quy định quyền lợi, hỗ trợ tài chính cho người có sáng kiến cùng các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến. “Tuy nhiên, Điều lệ sáng kiến chưa phát huy được đầy đủ vì còn thiếu thông tư, văn bản hướng dẫn. Bộ KHCN đang xây dựng thông tư để có cơ chế hỗ trợ, nhất là về tài chính để động viên các nhà sáng chế không chuyên”- ông Quân cho biết.
Thời gian đăng ký sáng chế cũng là một yếu tố làm nản lòng các nhà sáng chế chân đất. Như với ông Mai Văn Cúc, hồ sơ đăng ký đã nộp hơn 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận. Ông Cúc cho hay: “Theo giấy hẹn là 2 năm nhưng giờ đã quá 15 tháng rồi. Những sáng chế sau tôi không đăng ký nữa, bởi bỏ tiền ra đăng ký đâu có gì”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.