Hiện, DN chăn nuôi và người tiêu dùng đang chờ đợi một giải pháp tổng thể, khả thi từ phía các cơ quan nhà nước.
Các “ông lớn” kêu khó
Có trại chăn nuôi riêng, có dây chuyền giết mổ độc lập, Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) được xem là một trong những “ông lớn” ở thị trường thịt lợn TP.HCM. Trên thực tế, DN này vẫn phải nhập thêm một lượng lớn lợn hơi từ các trại nuôi của các công ty khác để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến lẫn cung cấp thịt tươi sống ra thị trường.
Kế hoạch cấp đông đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyên Vỹ
"Trong tình hình DTLCP đang lan rộng như hiện nay, để đảm bảo nguồn thịt sạch và an toàn, lợn sẽ được xét nghiệm huyết thanh trước khi giết mổ. Quy trình chăn nuôi, giết mổ, cấp đông đến đưa ra tiêu thụ được các cơ quan chức năng kiểm soát tối đa, không để cho bất cứ 1 con lợn mắc bệnh nào lọt được vào quy trình nghiêm ngặt này”.
Ông Phan Văn Dân
|
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Vissan cho biết, lợn hơi là nguồn nguyên liệu quan trọng đối với chế biến của công ty. Từ tháng 10/2018, khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, Vissan đã phải tính toán kế hoạch lâu dài đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho DN đến tháng 10/2020. Riêng thực phẩm tươi sống cung cấp cho thị trường trong thời gian sắp tới, vẫn là bài toán nan giải. Kịch bản cấp đông thịt lợn đã được Vissan đặt ra khi DTLCP lan rộng.
Tuy nhiên việc cấp đông phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trước hết là chi phí cấp đông và trữ đông sẽ ảnh hưởng đến giá thành khi bán ra thị trường trong thời gian nhất định. Khi đó, sản phẩm bị đội giá lên 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Chưa hết, những phụ phẩm phát sinh trong quá trình giết mổ cũng không thể bán được trong điều kiện dịch bệnh. Sau dịch, hệ thống cơ sở cấp đông đã đầu tư sẽ vận hành như thế nào cũng phải tính toán kỹ.
“Đây là vấn đề đau đầu nhất của DN khi tham gia kế hoạch triển khai kịch bản cấp đông dự trữ. Bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước” - ông Phú nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM cũng tỏ ra băn khoăn về chính sách cấp đông. Theo bà Lan, muốn cấp đông, trước hết DN phải có cơ sở vật chất đáp ứng được các yêu cầu. Hay như chi phí vận hành cho hệ thống này, chỉ tính việc giá điện tăng theo lũy tiến khiến việc dùng điện càng nhiều thì trả càng nhiều cũng là khó khăn cho DN.
Hiện Sở Công Thương TP.HCM đã có kế hoạch sẵn sàng nhập nguồn thịt đông lạnh. Theo đánh giá, lúc này thịt đông lạnh nhập khẩu sẽ có giá thành rất cạnh tranh vì xuất phát từ các quốc gia có trình độ chuyên nghiệp về xuất khẩu thịt lợn. “Trong trường hợp này, lượng thịt cấp đông của chúng ta có giải quyết được gì cho đại cục hay chỉ là giải pháp mang tính giải cứu?” - bà Lan đặt câu hỏi.
Thêm vào đó, virus dịch tả tồn tại rất lâu, môi trường đông lạnh cũng không giết được. Sẽ không khả thi nếu con lợn nào cũng phải kiểm nghiệm vì năng lực kiểm nghiệm thực tế hiện không đáp ứng được.
“Liệu chúng ta có đảm bảo được 100% số lợn giết mổ cấp đông là không mang theo virus? Đến khi tình hình dịch bệnh nguôi ngoai, thịt rã đông khiến mầm bệnh sống lại, dịch bệnh lại bùng phát thì người chăn nuôi tiếp tục khó khăn. Do vậy, việc này cần cân nhắc hết sức thận trọng” - bà Lan nhấn mạnh.
Cần phương án cụ thể
Bà Dương Bạch Mai - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Song Đạt (Đồng Nai) cho biết, nếu tham gia vào kế hoạch cấp trữ đông thịt lợn, DN sẽ phải đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Theo bà Mai, không chỉ vấn đề kiểm soát đầu nguồn thịt, khi triển khai kế hoạch cấp đông thì việc tìm đầu ra sản phẩm cấp đông cũng là một bài toán cần tính đến. Cái khó là ở chỗ, hiện nay, thói quen của người tiêu dùng vẫn chuộng sử dụng nguồn thịt tươi sống.
Do đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, việc thực hiện cấp đông hiện nay là không khả thi nếu chỉ dựa vào nguồn lực của các DN.
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, hiện hệ thống cấp đông của DN chỉ có công suất cấp đông khoảng 1 tấn/ngày. Sản phẩm cấp đông chủ yếu chỉ phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm của DN. Trong khi đó, việc xây dựng lò giết mổ và kho cấp đông mới của DN tại huyện Củ Chi (TP.HCM) dự kiến phải đến tháng 9 tới mới hoàn thành.
Còn theo ông Đào Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Anh Hoàng Thy, việc cấp đông hiện nay chủ yếu là hướng đến nhu cầu đảm bảo nguồn cung trong tình hình dịch bệnh chứ không mang tính lâu dài. Do đó, sẽ không nhiều DN đầu tư để xây dựng mới các hệ thống này. Vì vậy, giải pháp phù hợp là thuê kho lạnh của các DN khác tại Bình Dương, TP.HCM để cấp đông. Các DN sẽ cùng tham gia với địa phương để thực hiện nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo ông Phan Văn Dân - người phát ngôn Sở Công Thương Đồng Nai, Bộ Công Thương cần phải chủ trì việc giết mổ, cấp đông để bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đưa ra chủ trương chính thức cũng như việc huy động các kho đủ chuẩn cùng tham gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.