Nhiều ngân hàng đang cấp tập thoái vốn để đáp ứng Thông tư 36 và cả Basel II. (Ảnh: IT)
Ngay trong tháng 10 này, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán VCB) sẽ tổ chức đấu giá 45,6 triệu cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã EIB) và 53,4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MBBank - mã MBB) do nhà băng này sở hữu.
Lợi nhuận “khủng” từ thoái vốn
Tại Vietcombank, ngân hàng này dự kiến ngày 12.10 sẽ chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu. Nếu chào bán thành công, Vietcombank sẽ gom về ít nhất 1.048 tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,97% vốn xuống còn 4,5% .
Tiếp nữa, ngày 22.10, Vietcombank sẽ chào bán với phương thức đấu giá công khai 45,6 triệu cổ phiếu của Eximbank với giá khởi điểm là 14.497 đồng/cổ phiếu. Theo dự kiến, VCB sẽ thu ít nhất 661 tỷ đồng nếu bán thành công lượng cổ phiếu này, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 8,19% xuống dưới 5% theo quy định (chỉ còn 55,6 triệu cổ phiếu).
Có thể thấy, MBBank và Eximbank là 2 tổ chức tín dụng cuối cùng mà Vietcombank sở hữu trên 5% vốn (lần lượt là 6,97% và 8,19%) và có thể đánh giá đây là 2 khoản đầu tư khá tốt của Vietcombank.
Cụ thể, trên thị trường, thị giá cổ phiếu MBB đang được giao dịch ở mức 23.700 đồng/CP (ngày 6.10), tương đương giá trị số cổ phần Vietcombank nắm giữ tại đây có giá thị trường lên tới 3.569 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu EIB của Eximbank cũng đang được giao dịch với mức giá 14.450 đồng/CP (ngày 6.10), giá trị số cổ phần Vietcombank nắm giữ tại có giá thị trường lên tới hơn 1.462 tỷ đồng.
Như vậy, thời gian tới, nếu thoái vốn toàn bộ khỏi MBBank và Eximbank, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam có thể ghi nhận lợi nhuận hơn 3.250 tỷ đồng vì giá vốn của VCB khi đầu tư vào Eximbank và MBBank chỉ lần lượt là 582 tỷ và gần 1.200 tỷ đồng.
Không chỉ có Vietcombank, mới đây nhất Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - mã chứng khoán CTG) đã công bố thông tin về việc sẽ thoái toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần, tương đương 4,91% vốn sở hữu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - Saigonbank. Tuy nhiên chi tiết thời gian và mức giá chào bán chưa được công bố. Đáng nói, đây là lần thứ 2 Vietinbank rao bán lượng cổ phần sở hữu tại Saigonbank.
Trước đó, năm 2016, Vietinbank đã rao bán tổng cộng 16,8 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn Saigonbank. Giá khởi điểm khi đó chỉ là 10.800 đồng/cổ phiếu nhưng Vietinbank chỉ bán được vỏn vẹn chưa tới 2 triệu cổ phần, nên vẫn còn hơn 4,91% vốn sở hữu. Đợt đấu giá này, Vietinbank cũng kỳ vọng sẽ thoái được toàn bộ vốn sở hữu. Tuy nhiên, hiện giá cổ phiếu Saigonbank giao dịch trên sàn OTC chỉ dao động quanh mức 10.000 đồng/cổ phiếu nên có thể giá chào bán cũng chỉ tương đương năm 2016.
Giải pháp cấp bách để đáp ứng Basel II?
Liên quan đến động thái “cấp tập” thoái vốn ở các ngân hàng, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, cho rằng, thời điểm hiện tại nếu như các ngân hàng tuân thủ theo Basel II, hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ có nguy cơ sụt giảm, thậm chí dưới mức tối thiểu là 8%. Động thái tích cực thoái vốn của các ngân hàng cũng sẽ tạo thêm điều kiện để các nhà băng cải thiện hệ số CAR.
Theo Tạp chí Tin học Ngân hàng, Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới. |
“Hiện tại, các ngân hàng thường có hai cách để tăng vốn chủ sở hữu: Thứ nhất là tăng một cách sinh học là tăng từ lợi nhuận, việc thoái vốn có thể giúp tăng lợi nhuận; và thứ hai là thực hiện tăng vốn qua mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo tôi thì việc kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới cải thiện đáng kể hệ số CAR, chứ không phải qua thông qua việc tăng sinh học, trong đó có việc thoái vốn ở các ngân hàng khác”, ông Tín cho hay.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thì cho rằng để lành mạnh hệ thống ngân hàng thì ngoài việc thoái vốn trong hệ thống các tổ chức tín dụng để xóa sở hữu chéo, thoái vốn ngoài ngành, thì M&A được xem là con đường ngắn, giải pháp tốt để các ngân hàng thương mại lành mạnh và phát triển hơn, giúp hệ thống ngân hàng giảm bớt số lượng quá nhiều như hiện nay.
“Theo tôi chỉ cần 15 ngân hàng có hoạt động lớn mạnh, hiệu quả và mạng lưới rộng khắp là đủ, còn hơn là có quá nhiều ngân hàng nhưng hoạt động không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng”, ông Lịch nói.
Trong khi đó, nói về việc thoái vốn của một số "ông lớn" ngân hàng hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, trong khi một số ngân hàng cổ phần tỏ ra ung dung với tỷ lệ an toàn vốn khi các tiêu chí của Basel II đang đến gần, thì các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh lại mất nhiều thời gian chỉ để giải quyết vấn đề làm thế nào tăng được vốn điều lệ, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn...
“Với Vietcombank, dù ngân hàng này đã rảnh tay với nợ xấu nhưng câu chuyện phát hành riêng lẻ để tăng vốn và bán cổ phần cho nước ngoài lại là câu chuyện dài kỳ. Gần đây, Vietcombank tăng mạnh nhiều loại phí dịch vụ, kể cả chuyển tiền tài khoản nội bộ; tăng lãi suất đầu ra gần như mọi kỳ hạn khi đã cạn hạn mức tín dụng. Chính vì vậy, khi tăng trưởng tín dụng đã bị khóa, lợi nhuận quí 3 và quí 4.2018 của Vietcombank sẽ phải trông cậy không ít vào việc thoái vốn ở MBBank và Eximbank... Trong khi đó, các “ông lớn” khác như BIDV, VietinBank, Agribank vẫn đang trong lộ trình trích lập dự phòng rủi ro cao”, ông Tùng phân tích.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất sửa Thông tư 36 nới thời hạn chuyển tiếp với trường hợp tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt giới hạn đến ngày 30.6.2019. Động thái này của nhà quản lý sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian tìm kiếm đối tác và các nhà đầu tư thích hợp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.