Không có gì bất ngờ
Liên quan đến thông tin vỡ đập thủy điện ở Lào có thể ảnh hưởng đến ĐBSCL, sáng nay (25.7), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, địa phương đầu nguồn lũ ở ĐBSCL này không có gì bất ngờ hết vì kế hoạch đã có từ trước.
“Không phải chờ đến khi vỡ đập thuỷ điện ở Lào mới lo mà trước đó tỉnh đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thuỷ điện phía thượng nguồn. Kế hoạch này trùng với trường hợp vỡ đập thuỷ điện nên không có gì bất ngờ và lo lắng gì hết. Hơn nữa, từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên lượng nước nếu có đến địa phương cũng sẽ không nhiều”.
Diện tích lúa ngoài đê bao ở huyện An Phú (An Giang) bị ảnh hưởng bởi mưa kết hợp triều cường
Ông Thư nói thêm: “Mình không có tính trước chuyện đập thuỷ điện bị vỡ mà tiên lượng năm nay lũ về sớm hơn cùng kỳ năm trước từ 7-10 ngày và có mưa bão ở phía thượng nguồn Mekong làm cho mực nước ở tỉnh An Giang nói riêng và ĐSBCL nói chung sẽ dâng lên”.
Còn ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thì cho hay, hiện mực nước tỉnh này vẫn chưa có gì biến động bất thường. Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai chưa có chỉ đạo cụ thể gì đến địa phương.
“Theo thông tin tôi nắm được thì dung tích của đập thuỷ điện đang xây dựng ở Lào bị vỡ không phải là 5 tỷ m3 nước mà là 500 triệu m3. Với khoảng cách từ biên giới các tỉnh ĐBSCL với khu vực vỡ đập rất xa, nếu nước về tới cũng chỉ dâng lên từ 4-5cm thôi. Với mực nước thấp như hiện nay, cộng thêm chừng 4-5cm nữa thì không có ảnh hưởng gì”.
Cử lực lượng trực, theo dõi diễn biến mực nước
Theo phóng viên tìm hiểu, hiện nay, các vùng lúa 3 vụ ở tỉnh An Giang đều đã có cống đập đều an toàn. Riêng vùng lúa, hoa màu (hơn 7.500 ha) nằm ngoài đê bao ở huyện An Phú (An Giang) bị ảnh hưởng bởi mưa kết hợp triều cường. Trong số diện tích trên, có gần 5.500 ha lúa trong giai đoạn chín đến thu hoạch nhưng bị thiệt hại từ 30%-70%.
Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, đỉnh lũ năm 2018 này sẽ đạt trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 24.10. Trước thông tin vỡ đập thuỷ điện ở Lào, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng để kịp thời xử lý. Huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ dân thu hoạch lúa.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Huỳnh Văn Tài - Chánh Văn phòng UBND huyện Hồng Ngự (Hồng Tháp) cho hay, trong 2 ngày qua, lãnh đạo huyện đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra các điểm cống đập điều tiết nước mùa lũ này. “Hiện 2/3 diện tích lúa đã được thu hoạch, mực nước cũng đã có hiện tượng dâng lên nhưng vẫn ở mức thấp. Chúng tôi luôn theo dõi để phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra” – anh Tài nói.
Còn theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thì sẽ cử lực lượng trực, theo dõi diễn biến mực nước thường xuyên. Đồng thời, chờ chỉ đạo từ các cơ quan dự báo T.Ư để có hướng xử lý tiếp theo.
“Về các cống đập của địa phương trong điều kiện mưa lũ bình thường vẫn không có vấn đề gì. Tôi chỉ lo ngạy, ở thời điểm đỉnh lũ, cộng thêm việc vỡ đập, triều cường và có mưa bão lớn thôi” – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mekong thông tin với phóng viên Dân Việt: “Có nhiều vấn đề cần phải quan tâm đến việc đập thuỷ điện bên Lào bị vỡ. Vấn đề cần quan tâm đầu tiên là dung tích thật sự là bao nhiêu, từ dung tích đó mới tính được lượng nước về ĐBSCL trong thời gian tới. Nếu nói lượng nước về ĐBSCL khoảng 5cm như các phương tiện thông tin truyền thông truyền tải từ hôm qua tới giờ thì không đáng lo ngạy, thêm vài cm thì không chuyện gì lớn đến vùng này.
Qua quan sát thiệt hại về người trong vụ vỡ đập ở Lào thì đây là chuyện bất ngờ, không kịp trở tay đến mức đáng sợ. Không những vậy, phía truyền thông cho rằng đơn vị xây dựng đập nói không rõ nguyên do tại sao thì đây là thêm 1 sự lo lắng nữa bởi trước khi xây dựng đập thì các tình huống này phải được tính rất kỹ, theo đó các phương án ứng cứu phải được triển khai nhanh không để dẫn đến thiệt hại nặng như vậy.
Từ chuyện vỡ đập này có thể khẳng định từ trước đến giờ, chúng ta lo ngạy về tính an toàn từ các đập thuỷ điện ở thượng nguồn là chính đáng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.