Cách chức, bắt thôi việc người nhận "hối lộ trá hình" bằng quà Tết?

Thành An Thứ sáu, ngày 03/01/2020 06:15 AM (GMT+7)
"Trường hợp phát hiện hành vi đưa và nhận quà Tết trái quy định, “biến tướng” của hành vi nhận hối lộ và tham nhũng cần phải xử lý rất mạnh tay như cách chức, cho thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ căn cứ. Như thế mới đảm bảo tính răn đe, chế tài đủ mạnh", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh.
Bình luận 0

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2020, trong đó nêu rõ: "Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết". 

img

Hình thức tặng quà Tết ở nước ta đang bị biến tướng. (ảnh minh họa IT)

Đây không phải là lần đầu tiên Trung ương đưa ra chỉ thị về vấn đề trên. Nhiều năm nay, những quy định này nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân về quyết tâm của lãnh đạo cấp cao trong việc ngăn chặn, xóa bỏ nạn tặng quà – quà tặng mỗi dịp lễ Tết. Song, việc xóa lệ quà cáp, biếu xén trong dịp tết thật không đơn giản. Điều khó phát hiện chính là việc biếu tặng quà thường không xảy ra xung đột lợi ích trực tiếp với người thứ ba, cũng như cả bên đưa và nhận đều “hoan hỉ” nên hầu như việc phát hiện, tố giác việc biếu quà Tết trái quy định không dễ.

Quà Tết bây giờ là dự án, là phong bì "nghìn đô" 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc Đảng, Chính phủ có các chỉ thị, quy định quán triệt việc cấm biếu xén, tặng quà dịp Tết cho lãnh đạo cấp trên là rất cần thiết. 

Đây là quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc cụ thể hóa những vấn đề về tư cách đạo đức trong ứng xử của cán bộ đảng viên. “Quy định về tổ chức Tết như thế là tốt, mọi người dân đặt niềm tin, hi vọng, thậm chí là kỳ vọng vào đó” - ông nói.

img

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhìn nhận, việc tặng quà hiện nay đã bị biến tướng. “Quà Tết bây giờ có thể là nhà, xe, dự án hay phong bì “nghìn đô”. Người tặng trong tâm thế muốn nhận được ưu ái nên nịnh nọt, còn người nhận nhiều khi muốn tranh thủ để kiếm chác”.

“Để thực hiện được quy định này, quan trọng nhất là phẩm chất và bản lĩnh của người đứng đầu, vì người đứng đầu nghiêm khắc, kiên quyết không nhận thì không cấp dưới nào dám tặng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề trên, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cũng cho rằng, phong tục tập quán tặng quà, thăm hỏi nhau mỗi dịp Tết đến, xuân về là một nét văn hóa rất đẹp, thể hiện tình cảm, sự tri ân nhau của người Việt. 

Tuy nhiên, hiện văn hóa biếu quà Tết ở nước ta đã bị biến tướng, méo mó. Nhiều người lợi dụng ngày Tết để hối lộ bằng tiền, đô la, hiện vật có giá trị lớn nhằm mục đích cá nhân nào đó mang ý nghĩa tiêu cực như chạy chức chạy quyền, xin dự án, xin cái nọ, cái kia”. 

“Câu chuyện tặng quà và nhận quà tặng tết “ẩn náu” ở đó chuyện tham nhũng và nhận hối lộ nên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ hàng năm đều có những chỉ thị chỉ đạo về công tác Tết, tránh việc chúc Tết, tặng quà lãnh đạo, tránh việc “biến tướng” của tặng quà” - ông nói và cho rằng, lãnh đạo các cơ quan đơn vị, người đứng đầu các cơ quan trước hết phải thực hiện nghiêm quy định của Ban Bí thư, Chính phủ đồng thời phổ biến tới các cấp ủy tổ chức thực hiện cho thật tốt.

Người lãnh đạo phải gương mẫu

Theo ông Vũ Quốc Hùng, là một người lãnh đạo, cấp trên phải dành thời gian quan tâm đến cấp dưới, thăm những người khó khăn hoạn nạn, những gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa thiệt thòi. Tiếp nữa là, nếu có tiền bạc, quà cáp thì nên đưa đến những địa chỉ khó khăn. “Những việc đó đã quy định cụ thể rồi, chúng ta chỉ cần thực hiện mà thôi”.

img

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES)

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh: “Trường hợp phát hiện hành vi đưa và nhận quà Tết trái quy định, “biến tướng” của hành vi nhận hối lộ và tham nhũng cần phải xử lý rất mạnh tay như cách chức, cho thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ căn cứ. Như thế mới đảm bảo tính răn đe, chế tài đủ mạnh. 

Đồng thời cần khuyến khích, biểu dương người dân phát giác những hành vi “hối lộ trá hình” dịp Tết. Đặc biệt, những trường hợp hối lộ giá trị lớn các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay”. 

Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để ngăn chặn được tình trạng biếu tặng quà “không trong sáng”, phải giáo dục sâu rộng, phổ biến các quy định và thực hiện một cách nghiêm túc các quy định. Trước hết người được tặng quà phải có thái độ cương quyết với cấp dưới. Hoặc có thể “ghi sổ”, ai biếu tặng, tặng bao nhiêu, tặng những gì… rồi công khai, minh bạch hết ra.

"Nếu chỉ làm nghiêm túc trong một hai lần thì chắc chắn Tết sau đó, không bao giờ người ta đến nữa. Có rất nhiều biến tướng, nhưng xin được nhấn mạnh rằng, tình trạng biếu tặng quà tết có giảm đi hay không, quan trọng nhất vẫn nằm ở sự cương quyết và gương mẫu của chính lãnh đạo cấp trên", ông nói.

Không dùng ngân sách chúc Tết, tặng quà lãnh đạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 33/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem