Cách đơn giản bảo vệ con khỏi vấn nạn "bạo lực học đường"

Châu Mỹ Thứ bảy, ngày 04/06/2022 07:40 AM (GMT+7)
Chuyện ca sĩ Thủy Bi bảo vệ con gái khỏi bạo lực học đường những ngày qua làm đậy sóng cộng đồng. Nhiều người ủng hộ bà mẹ, phản đối bạo lực học đường. Nhưng cũng nhiều người phản đối chị bênh con thái quá. Vậy, cha mẹ nên làm gì giúp con tránh khỏi bạo lực học đường, để khỏi phải rơi vào cảnh "sự đã rồi"?
Bình luận 0

Bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối

Unicef định nghĩa, bạo lực học đường (bắt nạt học đường) là các hành vi chế giễu bằng lời nói, đánh đập, gây thương tích cho bạn học bằng vật dụng hay bằng tay chân... Những hành vi này gây tổn thương về thể chất và tâm lý học sinh ở nhiều cấp độ, nặng nhất là khiến trẻ trầm cảm, tự vẫn. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh, mà có thể xảy ra giữa giáo viên và học sinh, giữa phụ huynh với học sinh...

Theo số liệu UNICEF công bố năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới - ước tính khoảng 150 triệu - cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học.

"Mỗi ngày, học sinh đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm đánh nhau, bị ép tham gia các băng nhóm, bắt nạt - cả trực tiếp và trên mạng, kỷ luật bạo lực, quấy rối tình dục và bạo lực có vũ khí. Về ngắn hạn, bạo lực ảnh hưởng đến việc học tập của các em, và về lâu dài bạo lực có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và thậm chí tự sát. Bạo lực là một bài học không thể quên mà không trẻ em nào cần học", bà Henrietta Fore, nguyên Giám đốc Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef - cho biết.

Cách đơn giản bảo vệ con khỏi vấn nạn "bạo lực học đường" - Ảnh 1.

Ông bà Nakashima ôm di ảnh con gái tự tử do bị bạo hành học đường vào tháng 11/2015, phát biểu trong sự kiện chống bắt nạt ở Tokyo. Ảnh tư liệu

Thực tế cho thấy, càng ở những nước phát triển, bạo lực học đường diễn ra càng nhiều. Tại Nhật Bản, khảo sát năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước này cho thấy số vụ bắt nạt ở cấp tiểu học và trung học tăng lên mức kỷ lục là 224.540 trường hợp, tăng hơn 36.400 trường hợp so với năm 2015.

Giai đoạn này, Nhật Bản lên sóng hàng loạt phim truyền hình dài tập nói tới nạn bạo lực học đường. Nhân vật chính luôn là một cô bé hay cậu bé nhút nhát, bị bắt nạt tập thể bởi tình trạng chia bè kết phái trong lớp. Nhà sản xuất khẳng định kịch bản đều dựa trên những câu chuyện bạo lực học đường có thật, đã đến lúc, họ cần dùng phim ảnh để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho thầy cô và các bậc phụ huynh.  

Thực tế, những bộ phim trên khi được đài Truyền hình Hà Nội mua bản quyền và phát lại, thu hút lượng người xem rất lớn. "Bởi, câu chuyện trong phim nói rất thẳng, rất sâu và rất đau đớn tới sự nổi loạn hay thu mình của một thế hệ được sinh ra trong điều kiện đủ đầy hơn về kinh tế nhưng thiếu vắng tình thương và sự quan tâm sát sao của cha mẹ", một biên tập viên mảng phim nước ngoài đài truyền hình Hà Nội cho biết.

Cách đơn giản bảo vệ con khỏi vấn nạn "bạo lực học đường" - Ảnh 2.

Poster phim "Limit" - một trong top 10 bộ phim nổi tiếng về nạn bạo hành học đường ở Nhật Bản.

Năm 2021, Ke Liangwei, học sinh trung học cơ sở ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, mất tích ngày 23/10. Ba ngày sau, thi thể cậu bé được tìm thấy tại một nơi vắng vẻ. Ke bị chết đuối.

Một tuần sau, câu chuyện đen tối phía sau cái chết của Ke đã phơi bày vấn nạn bắt nạt trong các trường học ở Trung Quốc. Trong một video, Ke bị bạn học tát vào mặt, khiến cậu bé ngã xuống sàn nhà vệ sinh, trong khi một số học sinh khác đứng xem và cổ vũ.

Chỉ sau khi Ke mất tích, gia đình mới biết thiếu niên đã nhiều lần bị bắt nạt ở trường, kể cả ngày trước khi cậu bé biến mất.

Một nghiên cứu từ Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán (CCNU) cho thấy khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh từ 6 tỉnh từng bị bắt nạt. Trong nhóm đó, 45% chọn "giữ bí mật". Chỉ khoảng 25% trong độ tuổi 6-18 nói rằng sẽ báo với giáo viên hoặc phụ huynh.

Bảo vệ con khỏi vấn nạn bạo lực học đường

Tại Việt Nam, theo báo cáo của đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2011 đến hết quý 1 năm 2018, cả nước xảy ra 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng và 15.757 người là nạn nhân.

Trong đó, phần lớn vụ việc là đánh nhau gây thương tích, chiếm 64,01%, uy hiếp tinh thần chiếm 4,92%, xâm hại tình dục chiếm 1,37% và các hình thức khác chiếm 26,9%.

Trong tổng số 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường giai đoạn 2011-2018, có 251 đối tượng là nhà giáo (chiếm 0,77%) và 163 cán bộ quản lý (chiếm 0,5%).

Câu chuyện ở một trường quốc tế thời gian qua, lại thêm lần nữa khiến cộng đồng xã hội bàn luận về bạo lực học đường. Nhiều năm qua, bao vụ việc bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, giữa thầy cô với học trò, giữa phụ huynh với giáo viên đã và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Cách đơn giản bảo vệ con khỏi vấn nạn "bạo lực học đường" - Ảnh 3.

Cựu ca sĩ Thủy Bi nổi đình đám mạng xã hội thời gian qua khi đối chất với nhà trường, bảo vệ con gái khỏi vấn nạn bạo hành học đường.

Vậy, làm sao để phụ huynh có thể cùng con ngăn chặn nạn bạo lực học đường trước khi nó xảy ra?

Unicef đưa ra một số lời khuyên cho các bậc làm cha mẹ: 

1.Giáo dục con  về hành vi bắt nạt.  

2.Nói chuyện cởi mở và thường xuyên với con cái.

3.Giúp con trở thành một tấm gương tích cực. Ngay cả khi trẻ em không phải là nạn nhân của bắt nạt, các con có thể ngăn chặn bắt nạt bằng cách hòa nhập, tôn trọng và tử tế với bạn bè của mình. Nếu chứng kiến hành vi bắt nạt, họ có thể ủng hộ nạn nhân, hỗ trợ và hoặc đặt câu hỏi về các hành vi bắt nạt.

4.Giúp xây dựng sự tự tin cho con.

5. Bản thân cha mẹ hãy là một hình mẫu tích cực.

Cho rằng, ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đã để lại tổn thương tâm lý nặng nề lên trẻ em, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy đề xuất một số giải pháp để cha mẹ có thể đồng hành cùng con phòng chống bạo lực học đường.

"Với cha mẹ, chúng ta hãy giúp con mình phòng ngừa bạo lực ngay hôm nay bằng cách tạo tổ ấm yêu thương, nơi không có bạo lực thể chất và cả tinh thần. Không bị đối xử bạo lực, không bị la mắng, đánh đập, áp đặt, kiểm soát… trẻ sẽ tự tin, vui vẻ với mọi người xung quanh, bớt đi những bùng nổ cảm xúc tiêu cực với bạn bè, với người lớn. Trẻ chỉ học được hành vi phi bạo lực từ chính cách người thương yêu trong gia đình đối xử với trẻ phi bạo lực.

Cách đơn giản bảo vệ con khỏi vấn nạn "bạo lực học đường" - Ảnh 4.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy

Với thầy cô, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng từng giờ giảng hạnh phúc, từng lớp học, trường học hạnh phúc. Nơi đó có nụ cười, có những trò chơi, có những hoạt động trải nghiệm giúp học mà chơi, chơi mà học, tạo cơ hội cho trẻ tham gia tích cực kiến tạo nên kiến thức, kỹ năng hữu ích, cho trẻ được sáng tạo, được kết nối thêm hiểu mình hiểu bạn…

Với mỗi người lớn, chúng ta xin hãy dừng những suy nghĩ, lời nói hành vi bạo lực ở bất cứ đâu, trên mạng xã hội, ở nhà, ở ngoài đường… nhất là trước mặt trẻ. Mỗi khi chúng ta có bất cứ một biểu hiện bạo lực nào, dù chỉ là suy nghĩ hay lời nói, đều đang ảnh hưởng ngay lập tức tới con trẻ xung quanh. Khi người lớn còn cãi nhau trên mạng, còn cãi nhau, đánh chửi nhau ngoài quán nhậu, trên đường phố… thì chúng ta không thể mong trẻ ngưng bạo lực.

Người lớn chúng ta hãy thay đổi trước khi muốn trẻ thay đổi. Hãy lan tỏa suy nghĩ, cảm xúc, hành vi thiện với tâm yêu thương, phi bạo lực, không gây hại… Khi đó chúng ta sẽ dần cảm hóa những ai còn bạo lực quanh ta. Xã hội không bạo lực khi chính mỗi người chúng ta nói không với bạo lực!".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem