Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, người nông dân bị hai tròng áp bức của thực dân, phong kiến. Quan hệ ruộng đất mang nặng tính chất phong kiến, thuộc địa, phần lớn ruộng đất đều nằm trong tay địa chủ và chủ đồn điền của thực dân, nhiều nông dân không có mảnh đất cắm dùi, phải đi làm thuê cấy mướn, nộp tô nộp tức, sưu cao thuế nặng, quanh năm lam lũ, quanh năm đói rách.
Hệ thống đê điều không được tu bổ, nên chỉ trong 40 năm trước Cách mạng Tháng Tám đã có tới 16 lần vỡ đê lớn. Hệ thống thủy nông chỉ tưới được cho phần nhỏ diện tích (15%). Lương thực hàng năm không đủ dùng, nhưng thực dân vẫn vơ vét xuất khẩu, làm cho người dân sống trong cảnh giáp hạt “ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ mắt”, không năm nào không có người chết đói.
Nông nghiệp, nông thôn sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt sau đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu. Thành tựu thần kỳ là sản xuất lương thực.
Năm 2009 tăng cao so với trước cách mạng (diện tích lúa cao gấp 1,7 lần, năng suất cao gấp 4,5 lần, nên sản lượng cao gấp 7,9 lần, sản lượng bình quân đầu người gấp trên 2,1 lần). Nhờ vậy, lương thực từ chỗ nhập khẩu lớn, từ năm 1989 đã liên tục xuất khẩu với khối lượng đứng thứ hai thế giới (tính đến tháng 7-2010, xuất khẩu gạo khoảng 65 triệu tấn, với kim ngạch trên 20 tỷ USD).
Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong nước mà còn đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực toàn cầu. Nhờ an ninh lương thực trong nước được bảo đảm, nên nông nghiệp đã phát triển tương đối toàn diện. Sản lượng, số lượng nhiều loại cây, con cao gấp nhiều lần trước Cách mạng Tháng Tám...
Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên; hiện còn trên 2/3 dân số sống ở nông thôn, quá nửa số lao động làm trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp thủy sản, còn có năng suất lao động thấp, mức sống chưa cao, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ tay nghề, trình độ khoa học- công nghệ còn lạc hậu. Vì vậy, có một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm, đó là coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm; nâng tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực này; rút bớt lao động nông nghiệp trên cơ sở ly nông bất ly hương; coi trọng thị trường trong nước, trong đó quan tâm đến thị trường nông thôn…
Minh Huệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.