Thực hiện chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi và tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã sản xuất vùng nguyên liệu dứa với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, năm 2020, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dứa.
Đến nay, huyện Quỳnh Nhai có 103,4 ha dứa, tập trung tại các xã: Mường Giôn (46,7 ha), Chiềng Ơn (41,9 ha), Mường Sại (11,8 ha) và Mường Giàng (3 ha).
Sản lượng dứa ước đạt 2.500 - 3.000 tấn quả tươi. Năng suất đạt từ 25 - 30 tấn/ha. Với giá bán loại 1 là 4.300 đồng/kg, loại 2 là 2.860 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 70 - 120 triệu đồng/ha. Tin vui là ngày 2/6, huyện Quỳnh Nhai đã xuất bán 20 tấn dứa cho Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Sử dụng phân hữu cơ để giảm chi phí trồng dứa
Giám đốc Doveco chi nhánh Sơn La cho biết: Với 103 ha dứa hiện có, huyện Quỳnh Nhai đã có một ngân hàng giống để triển khai cho người dân trong giai đoạn tới. Từ năm nay trở đi, dứa ở Quỳnh Nhai sẽ nhân lên cấp số nhân.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng dứa, theo ông Tùng, nguyên tắc cây dứa vẫn để được vụ 2 và có thể để vụ 3. Tuy nhiên, với cách canh tác và thổ nhưỡng, địa hình của miền Bắc, Doveco không khuyến khích bà con để vụ 2. Bởi về mặt kinh tế khi để vụ 2 thì sản lượng, năng suất chỉ bằng khoảng 60% so với vụ 1. Thứ hai là chúng ta mất toàn bộ sản lượng chồi.
"Nếu để vụ 2 thì ngay sau khi thu hoạch, chúng ta phải tiến hành công đoạn định chồi. Định chồi nghĩa là cắt bỏ toàn bộ chồi nhỏ, chồi nghiêng, chồi ngả, chồi xấu và để duy nhất một cây một chồi để tập trung nuôi chồi đó phát triển.
Trên mỗi cây dứa có khoảng từ 6 – 7 chồi. Trong đó có 3 chồi loại 1, còn chồi ở dưới là chồi loại 2, loại 3 thì chúng ta sẽ mất toàn bộ những chồi đó. Đây là một cái mà chúng tôi khuyến cáo không nên để cho vụ 2", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, cái khó khăn nhất của bà con trong việc trồng 103 ha dứa ở Quỳnh Nhai là vấn đề làm cỏ. Bà con trồng dứa từ tháng 12, tháng 1, tháng 2, đến tháng 4 mới có mưa nên nhiều diện tích cỏ rất nhiều. Vì vậy, bà con nên sử dụng màng phủ để hạn chế sự phát triển của cỏ dại, cải thiện năng suất cây dứa.
Ông Tùng cho biết thêm: Hiện nay, phân vô cơ phục vụ cho nông nghiệp giá rất cao. Vì vậy, để giảm chi phí trong vụ tiếp theo, bà con nông dân nên tập trung sử dụng phân hữu cơ từ việc chăn nuôi đại gia súc. Cách làm này có thể giảm đến 80% lượng phân bón vô cơ.
Chu kỳ 2 là yếu tố quan trọng giúp nông dân trồng dứa có lợi nhuận cao
Giám đốc Doveco chi nhánh Sơn La thông tin: Ở Đồng Giao có hơn 5.000 ha dứa; Lào Cai 1.200 ha dứa, Thanh Hoá 2.700 ha dứa. Nhưng người nông dân ở đây vẫn gắn bó với cây dứa bởi yếu tố quan trọng mang lại lợi nhuận từ cây dứa bắt đầu từ chu kỳ 2. Hiện nay, theo hạch toán kinh tế thì tổng chi phí cho 1 ha cây dứa khoảng 62 triệu đồng tiền mặt sau khi trừ công. Trong 62 triệu, người nông dân đã bỏ ra tới 30 triệu tiền giống (chưa tính đến số tiền huyện hỗ trợ).
"Như vậy, từ chu kỳ 2 trở đi, người nông dân sẽ không phải mất 30 triệu tiền giống. Số tiền này sẽ trở thành nguồn thu nhập của bà con. Điều quan trọng hơn, người nông dân sẽ được chọn chồi to nhất, khoẻ nhất, đều nhất để trồng. Vì giống là một khâu rất quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng của cây. Do vậy, từ chu kỳ 2 trở đi hiệu quả càng nhân lên rõ rệt".
Ông Tùng cho hay: Theo đánh giá, trong 103 ha dứa ở Quỳnh Nhai, người nông dân mới đang sử dụng lượng phân bón khoảng từ 25 – 30% so với tổng lượng phân bón cho một quy trình, chu kỳ dứa mà Doveco đưa ra. Nhưng sản lượng đã đạt được khoảng từ 50 -70% dứa của Doveco tại Ninh Bình.
Tuy nhiên, không vì đánh giá này mà chu kỳ tiếp theo bà con không đầu tư phân. Vì dứa là cây chưa bao giờ biết thừa phân. Lượng đầu tư sẽ tỷ lệ thuận với thu nhập từ cây dứa mang lại cho người trồng.
"Vừa rồi, Quỳnh Nhai có những cái rất tốt trong triển khai trồng dứa. Đó là trồng trên đất mới nên các chất vi lượng, dinh dưỡng trong đất còn rất nhiều. Vì vậy, dù người dân không đầu tư phân bón nhiều nhưng vẫn mang lại hiệu quả khá cao", ông Tùng lý giải.
Ông Tùng khuyến cáo, từ chu kỳ sau trở đi, ý thức, tư duy của người dân phải thay đổi. Không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải mạnh dạn tăng đầu tư phân bón cho diện tích dứa. Có như vậy, cây dứa mới đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.