Trồng thứ "rau" gì ở đất Bình Dương, cây mẹ gầy gầy mà đẻ con mập mập, cắt đến đâu thương lái bê đi hết

Thứ sáu, ngày 03/06/2022 13:22 PM (GMT+7)
Tại xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), nhiều nông dân sau khi chuyển đổi sang trồng tre Điền Trúc lấy măng đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây cao su.
Bình luận 0

Hiện nay, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp nhằm nâng cao giá trị sản xuất. 

Điển hình tại xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), nhiều nông dân sau khi chuyển đổi sang trồng tre Điền Trúc lấy măng đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây cao su. Tuy nhiên, để tránh tình trạng chuyển đổi trồng tre ồ ạt, chạy theo lợi nhuận trước mắt, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân nghiên cứu kỹ và có chiến lược phát triển phù hợp.

Hiệu quả từ trồng tre lấy măng

Theo bước chân của ông Nguyễn Văn Em, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất măng tre Điền Trúc (ấp Ông Thanh, xã Cây Trường II) tham quan những vườn tre đang vào vụ thu hoạch. Dưới những tán cây tre vươn cao, những búp măng tre Điền Trúc mập mạp vươn lên báo hiệu mùa vụ bội thu.

Qua lời của ông Em, trước đây cao su là cây chủ lực của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây do thị trường mủ cao su giá không ổn định, một số bà con sau khi thanh lý cây cao su đã hết tuổi, đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm của các xã lân cận để trồng tre thử nghiệm lấy măng. 

Kết quả thật đáng mừng vì hiệu quả kinh tế từ trồng măng tre vượt trội hơn hẳn so với cây cao su tại thời điểm này. 

Trồng tre Điền Trúc bán măng chỉ cần mua tre giống lần đầu tiên. Tre Điền Trúc sau 12 tháng trồng là cho thu hoạch. Từ 10 ha diện tích trồng măng tre đến nay trên địa bàn xã Cây Trường II đã nhân lên khoảng 100 ha.

Ông Em cho biết măng tre cho hiệu quả ra sao phụ thuộc vào việc chọn tre giống và cách chăm sóc để búp măng tre mọc nhanh, nhiều. 

Măng tre ưa nước cho nên tưới tiêu phải đều và đủ. Mùa mưa này, măng tre Điền Trúc đang cho năng suất cao, giá khoảng 15.000 đồng/kg. 

Để măng tre phát triển tốt một năm phải thay cây tre mẹ một lần. Từ một bụi măng, sau một năm thấy những cây măng bên cạnh mọc lên ổn định sẽ tiến hành chặt bỏ cây tre già, cây tre non để lại, qua 5 - 7 tháng sẽ lại cho búp măng. 

Trồng thứ "rau" gì ở đất Bình Dương, cây mẹ gầy gầy mà đẻ con mập mập, cắt đến đâu thương lái bê đi hết - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Em, Giám Đốc HTX Sản xuất măng tre Điền Trúc tại vườn măng tre của gia đình ở xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Tiếng lành đồn xa, hiện nay măng tre của các hộ dân và các xã viên trong HTX luôn đắt hàng, thu hoạch bao nhiêu thương lái đến thu gom hết bấy nhiêu. Trung bình một năm, mỗi một hộ trồng tre Điền Trúc lấy măng trên địa bàn xã thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm/ha. Việc mạnh dạn trồng giống mới, trong đó có cây tre Điền Trúc bán măng đã đem lại thu nhập ổn định hơn.

Cần có quy hoạch

Để tránh tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính tự phát, ồ ạt, chạy theo lợi nhuận trước mắt, cần có quy hoạch cụ thể để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”. Đây cũng là biện pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tuấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Trường II, cho biết: “Hiện tại, hiệu quả kinh tế từ trồng măng tre cao hơn cây cao su. Tuy nhiên, địa phương luôn khuyến cáo bà con nông dân xem xét kỹ để chuyển đổi cây trồng, không ồ ạt sẽ dẫn đến cung vượt cầu. 

Tại địa phương, xã viên HTX và các hộ dân trồng măng tre nhưng vẫn giữ lại diện tích cây cao su. Mỗi một hộ có 2 - 3 ha đất trồng cao su chỉ chuyển đổi 1 ha. Hơn nữa, mặc dù cây cao su giá thấp nhưng vẫn có thể “sống” được, nên xã không khuyến khích người dân chặt bỏ hàng loạt. Bên cạnh đó, nhiều người dân từ các xã khác đến thuê đất còn trống để trồng tre, dẫn đến số lượng diện tích măng tre tăng vọt lên”.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chính quyền địa phương và người dân đã có sự nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động tại chỗ. Một số hộ nông dân lựa chọn trồng cả cây sầu riêng, tuy nhiên kỹ thuật, thổ nhưỡng và khâu chăm sóc kén hơn so với trồng măng tre. 

“Hơn nữa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tre lấy măng nhằm định hướng cho nông dân phát triển những loại cây phù hợp theo hướng “mỗi xã một sản phẩm”. Người nông dân sẽ chọn theo khả năng để trồng loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao, từ đó xã thường xuyên triển khai Chương trình OCOP, giới thiệu thêm nhiều sản phẩm hiệu quả của địa phương lên cấp huyện, cấp tỉnh”, ông Hùng cho biết thêm.

Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) cho thấy quá trình thực hiện chuyển đổi phải được dựa trên nhu cầu và điều kiện thực tế, lợi thế ở địa phương. Các địa phương đều cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng, diện tích, cũng như xác định đối tượng cần chuyển đổi nhằm tránh chồng chéo, cũng là cơ sở để định hướng cho nông dân trồng cây gì, diện tích bao nhiêu...

Hiện nay, trên địa bàn xã Cây Trường II có tổng cộng 100 ha diện tích tre lấy măng, phần lớn được chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây cao su. 

Riêng HTX Sản xuất măng tre Điền Trúc có diện tích canh tác 10 ha/7 xã viên. Mặc dù, trồng tre cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cây cao su, nhưng chính quyền địa phương không khuyến khích người dân chuyển đổi ồ ạt nhằm tránh rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu. Theo đó, diện tích cây cao su tiểu điền vẫn chiếm khoảng gần 1.000 ha.

Tiến Hạnh (Báo Bình Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem