Trách nhiệm của Vietcombank ở đâu?
Trao đổi với Dân Việt, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Vietcombank đã có cái làm được, có cái chưa được trong vụ việc này.
“Cái được là Vietcombank đã nhanh chóng, khẩn trương và nỗ lực ngăn chặn tình huống có khả năng xấu hơn, giảm thiệt hại tối đa có thể. Tất nhiên, đây cũng là trách nhiệm của ngân hàng”, ông Tuấn bình luận.
Vietcombank cho biết họ vẫn đang cùng với khách hàng tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân và tìm thủ phạm.
Theo ông Tuấn, cái không được có lẽ là ứng xử của Vietcombank cho thấy ngân hàng này có thiên hướng đổ lỗi cho khách hàng. Vietcombank chỉ ra những lỗi và nguyên nhân từ phía khách hàng mà không hề có một ý gì về trách nhiệm của Vietcombank.
“ Khi ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng, họ phải đảm bảo sự an toàn và chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với khoản tiền gửi này của khách cho đến khi chính khách hàng đó rút ra khỏi ngân hàng”, ông Tuấn phân tích.
Khi chúng ta đến rút tiền ngân hàng, theo cách truyền thống, ngân hàng yêu cầu chúng ta phải trình chứng minh thư và ký đúng chữ ký mà chúng ta đã đăng ký. Tức là ngân hàng có quyền và cũng là có trách nhiệm đảm bảo người rút tiền chính là chủ tài khoản.
Phản ứng của Vietcombank với sự việc của chị Hương khi mất 500 triệu đồng đã gây thất vọng cho thị trường
Trở lại câu chuyện ở chị Hương mất 500 triệu đồng, Vietcombank trước hết phải chịu trách nhiệm về công tác bảo mật và sự an toàn đối với khoản tiền gửi của khách hàng, chứ không phải đổ lỗi cho khách hàng dù bất kỳ lý do gì.
“Không thể nói rằng, do khách hàng đã vào link lạ, do bị mất thông tin (giống như bị mất chứng minh thư hay để lộ chữ ký vậy), do này do nọ để thoái thác trách nhiệm và đổ lỗi cho khách hàng được. Chưa kể, trong tình huống này, rõ ràng Vietcombank biết rằng khách hàng đã không trực tiếp thực hiện giao dịch này.
Với những phân tích trên, ông Tuấn cho rằng Vietcombank phải bồi thường cho khách hàng khi thông tin đã chứng minh được rằng chủ tài khoản (hoặc người được chủ tài khoản ủy quyền) không phải là người đã rút tiền ra khỏi ngân hàng.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam
NHNN không nên im lặng
Nhìn nhận sự vụ này, ông Tuấn cho rằng câu chuyện này cũng có một vài chi tiết giống như vụ VNCB. Tức là tiền gửi khách hàng được rút ra mà không phải do chỉ thị của chính chủ tài khoản hay người do chủ tài khoản ủy quyền.
Theo ông Tuấn, Vietcombank cũng có thêm một giải pháp bổ sung (không phải thay thế), đó là mua bảo hiểm an ninh tài khoản tiền gửi của khách hàng. Tức là thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro, Vietcombank có thể bỏ tiền ra mua bảo hiểm an ninh tiền gửi cho khách hàng.
“Với khoản bảo hiểm này, không chỉ đảm bảo an ninh an toàn cho tiền gửi khách hàng tại Vietcombank mà còn cung cấp niềm tin cho khách hàng. Giống như các ngân hàng luôn treo biển chứng nhận bảo hiềm tiền gửi của DIV ở các chi nhánh và phòng giao dịch vậy. Đương nhiên là ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả phí bảo hiểm này rồi”, ông Tuấn gợi ý.
Ông Tuấn cho rằng, NHNN nên can thiệp vào vấn đề này vì đây cũng là một dạng thất bại thị trường.
“Có điều ngạc nhiên là vừa rồi tôi chưa thấy NHNN có phát ngôn hay hành động gì về câu chuyện này cả. Tôi nghĩ NHNN nên cân nhắc yêu cầu các ngân hàng phải chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và quyền lợi của khách hàng như đúng tinh thần mà Chính phủ và NHNN lâu nay hay phát ngôn, đó là không để người gửi tiền nào bị mất tiền cả”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Theo ông Tuấn, NHNN nên yêu cầu các ngân hàng có thể lựa chọn, hoặc là tự mình tăng trích lập dự phòng rủi ro nghiệp vụ để bù đắp thiệt hại cho khách hàng, hoặc nếu không thì phải mua bảo hiểm an ninh tài khoản tiền gửi cho khách hàng.
“Tất nhiên đi kèm với yêu cầu này cần phải có những quy định và điều khoản cụ thể, chi tiết hơn để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm khách hàng, ngân hàng và công ty bảo hiểm”, ông Tuấn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.