Cái chết của bản quyền là “cái chết” của nhà sản xuất

Thứ ba, ngày 18/03/2014 13:03 PM (GMT+7)
Người hâm mộ điện ảnh đang tỏ ra thương xót cho diễn viên hào hoa mà mình yêu mến. Nhưng trong đó, có không ít người từng vào các trang web để xem “chùa” phim “Dòng máu anh hùng”.
Bình luận 0
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín sắp bị dọn ra đường ở vì nhà bị cưỡng chế thi hành án là sự thật.

Bộ phim “Dòng máu anh hùng” do Nguyễn Chánh Tín góp vốn đầu tư sản xuất bị đánh cắp bản quyền tung lên khắp các trang mạng khiến cho dự án kinh doanh điện ảnh của Nguyễn Chánh Tín phá sản hoàn toàn là một sự thật.

Hai sự thật này có mối liên hệ với nhau, vì bị đánh cắp bản quyền bộ phim “Dòng máu anh Hùng” cho nên gia sản của tài tử Nguyễn Chánh Tín đội nón ra đi.

img
Nguyễn Chánh Tín.

Người hâm mộ điện ảnh tỏ ra thương xót cho diễn viên hào hoa mà mình yêu mến. Nhưng trong đó, có không ít người từng vào các trang web để xem “chùa” phim “Dòng máu anh hùng”. Có lẽ không mấy ai nghĩ sâu xa rằng, khi mình xem một bộ phim miễn phí trên internet, là mình sẽ tiếp tay gây hại cho nhà sản xuất chân chính.

Các trang mạng đánh cắp bản quyền phim và cho xem miễn phí có kiểu làm giàu rất không lương thiện. Họ lấy không sản phẩm của người khác đem về để kinh doanh. Nguồn lợi mang lại từ quảng cáo trên trang web là rất lớn, trong khi nhà sản xuất sống dở chết dở.

Để đầu tư sản xuất một bộ phim như “Dòng máu anh hùng”, Hãng phim Chánh Phương và Nguyễn Chánh Tín đã bỏ ra 1,5 triệu USD, tương đương 30 tỉ đồng. Khi bộ phim được chiếu tự do trên internet là khi Nguyễn Chánh Tín biết chắc gần chục tỉ đồng hùn hạp mình vào sẽ tiêu tán vì không bán được chiếc đĩa nào nữa.

img
Poster phim Dòng máu anh hùng trên trang web http://phimvang.org

Hãy cứ tính xem, có hàng triệu lượt người vào xem phim “Dòng máu anh hùng” trên các trang web, nếu như họ bỏ tiền ra mua đĩa, thì hiệu quả kinh doanh của Hãng phim Chánh Phương và Nguyễn Chánh Tín chắc chắn đã rất tốt, và dĩ nhiên không có câu chuyện ồn ào thê thảm như ngày hôm nay đối với ông.

Có thể nhìn sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh sách để thấy hậu quả của nạn ăn cắp bản quyền. Nhiều nhà làm sách bỏ tiền mua bản quyền, thuê dịch giả, tổ chức trình bày, in ấn, chịu các loại chi phí kinh doanh khác. Đến khi sản phẩm ra, sách in lậu cùng tràn lan theo. Sách in lậu bán giá thấp hơn vì không bỏ bất cứ chi phí nào ngoài tiền giấy và công in, cho nên hạ đo ván sách bản quyền ngay lập tức. Người mua khó có thể phân biệt đâu là sách của nhà sản xuất, đâu là sách của dân in lậu. Nếu có biết, cũng ít người sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua sách có bản quyền nhằm bảo vệ cho nhà sản xuất chân chính.

Chính cộng đồng chưa có nhận thức về bảo vệ bản quyền, một ứng xử rất văn minh mà thế giới tiến bộ đã nghĩ ra và bắt cộng đồng quốc tế cùng ký cam kết. Ở Việt Nam, quy định của pháp luật có đủ nhằm bảo vệ tác quyền và điều chỉnh các hành vi xâm phạm tác quyền, nhưng nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các quy định đó còn rất hạn chế. Ví dụ như khi vào xem một bộ phim miễn phí trên internet, có mấy ai nghĩ rằng mình đang tiếp tay cho bọn kinh doanh lậu làm ăn trên trí tuệ và tiền bạc của người lương thiện.

Chính vì nhận thức như vậy nên trong xã hội còn tồn tại những sự bất công xảy ra trong lĩnh vực sáng tạo và bất cứ ai sống trong cộng đồng đó cũng có thể trở thành nạn nhân. Thử hình dung, trong hàng triệu người từng xem phim chùa trên internet rồi đây sẽ có những người có sáng chế kỹ thuật hay đầu tư sản xuất các sản phẩm văn hóa như sách, phim, nhạc, và họ sẽ cay đắng khi đối diện với nạn ăn cắp bản quyền mà không được ai bảo vệ.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem