“Cai đầu dài” ở miếu Bà Chúa Xứ

Thứ ba, ngày 05/04/2011 19:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 220 thợ chụp ảnh ở khu du lịch miếu Bà Chúa Xứ (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) bị Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh Châu Đốc bóc lột sức lao động.
Bình luận 0

Từ năm 2009 đến nay, thợ chụp ảnh hàng ngày phải đóng phí cho nghiệp đoàn, nhưng không biết sử dụng vào việc gì. Nếu ai phản ứng, lãnh đạo nghiệp đoàn sẽ kỷ luật bằng hình thức phạt tiền và cắt ca lao động, cấm hành nghề.

img
Lượng khách thưa thớt, nhưng hàng trăm thợ ảnh vẫn phải đóng phí cho nghiệp đoàn.

Tận thu trên lưng thợ ảnh

Các thợ ảnh trong nghiệp đoàn được chia làm 12 tổ (mỗi tổ từ 18 - 20 người) hoạt động theo ca. Cứ 6 tổ làm ngày và 6 tổ làm đêm, luân phiên xoay vòng ở các điểm du lịch trong khu, theo sự điều phối của ban lãnh đạo. Cuối mỗi ca, tiền anh em thu được sẽ cộng lại rồi chia đều. Thế nhưng, hàng loạt khoản thu phi lý đã được lãnh đạo nghiệp đoàn tự nghĩ ra để bóc lột tổ viên.

Cụ thể, trước khi chia tiền cho tổ viên thì mỗi tổ phải đóng tiền “đầu ca” từ 20.000-100.000 đồng/tổ/ngày tùy theo điểm hoạt động. Tổ nào chụp ảnh ở miếu Bà Chúa Xứ phải nộp 100.000 đồng/ngày, tổ trên đỉnh núi Sam nộp 50.000 đồng/ngày, còn ở chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, chùa Huỳnh Đạo… thì nộp 20.000 đồng/ngày. Mỗi kiểu ảnh nghiệp đoàn lại thu tiếp 200 đồng.

Ngoài ra, cứ mỗi ca, thợ ảnh phải đóng 1.000 đồng/người vào Quỹ Khuyến học của nghiệp đoàn. Và mỗi năm, một thợ ảnh phải đóng quỹ nghiệp đoàn thêm 120 nghìn đồng.

“Khách du lịch ai cũng có máy ảnh cá nhân, nên anh em tổ viên phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới chụp được vài kiểu ảnh. Có khi cuối ca, đóng phí xong mỗi tổ viên chỉ còn được… 2.000 đồng. Nhưng nghèo quá, tụi tui cũng không biết đổi nghề gì để có tiền đong gạo nuôi con” - một tổ viên cho biết.

Trao đổi với NTNN, nhiều tổ viên cho biết, các khoản thu được dùng vào việc gì họ không được công khai nên rất bức xúc.

“Không nghe, không biết, không thấy”

Ngày 31.3, chúng tôi đến Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Châu Đốc để tìm hiểu rõ sự việc. Một người tự xưng là Phó Chủ tịch LĐLĐ, khẳng định nghiệp đoàn chụp ảnh do ông quản lý. Sau khi nghe chúng tôi trình bày vấn đề, vị này nói nghiệp đoàn nhiếp ảnh làm không có gì sai.

Theo nội quy do Chủ tịch nghiệp đoàn Trần Viết Quang ký, nếu tổ viên nào vi phạm các điều khoản trong nội quy sẽ bị cắt ca trực, treo máy (cấm hành nghề) từ 1-3 tháng, thậm chí khai trừ khỏi nghiệp đoàn (ngoài việc bị “treo cần câu”, tổ viên sẽ phải “nộp phạt” lên đến 300 nghìn đồng/người). Mới đây, có 18 người bị phạt tiền, 1 người bị “treo máy” vì… viết đơn trình bày nguyện vọng với lãnh đạo nghiệp đoàn.

Tuy nhiên, toàn bộ nguồn thu của nghiệp đoàn là bao nhiêu, LĐLĐ thị xã không nắm và cũng không biết họ dùng vào việc gì! “Lãnh đạo nghiệp đoàn được phép quản lý toàn bộ nguồn thu, tự xử lý, tự định đoạt. Họ tự thu, tự chi thì… tự hưởng” - vị phó chủ tịch này nói.

Khi chúng tôi đưa ra bản nội quy và các khoản “phạt tiền”, vị cán bộ này nói không biết gì về bản này, ông cũng không nghe ai khiếu nại và không thể cung cấp thông tin, trả lời báo chí. Khi chúng tôi hỏi tên họ thì ông ta nói: “Tên tôi, tôi cũng không… cung cấp”.

Điều bất ngờ là khi chúng tôi rời khỏi trụ sở LĐLĐ thị xã Châu Đốc chừng 30 phút, nhiều thợ ảnh lo lắng điện thoại cho biết lãnh đạo nghiệp đoàn đang truy tìm xem ai cung cấp thông tin cho báo chí đến làm phiền LĐLĐ để xử lý kỷ luật.

Ông Võ Tuấn Khanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang, cho biết sẽ kiểm tra thông tin và làm rõ trách nhiệm các bên liên quan để trả lời báo chí. Ông Khanh nói chưa nghe LĐLĐ thị xã Châu Đốc báo cáo vụ việc. Cũng theo ông Khanh, hoạt động của các nghiệp đoàn lâu nay rất phức tạp, nhiều nghiệp đoàn đã bị giải tán vì không phát huy hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem