Chúng tôi về xã Lý Thường Kiệt đúng vào mùa thu hoạch của nhãn, đâu đâu cũng thấy những cây nhãn quả to, sai trĩu cành.
Mua thêm giống, thêm phân
Là một trong 14 hộ được vay vốn Quỹ HTND, anh Nguyễn Đình Khích (thôn Đồng Mỹ) chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng nhãn từ năm 2004, chủ yếu là ươm cây giống và trồng cây lấy quả. Lúc bấy giờ, chưa tiếp cận được KHKT, khi trồng nhãn tôi không chú trọng đến việc chăm bón, cải tạo cây”.
Anh Định kiểm tra cây nhãn trước khi thu hoạch.
Những cây nhãn đó đến nay đã già cỗi, hầu như không còn cho quả, mà nếu có thì năng suất cũng rất thấp, anh Khích và nhiều hộ trồng nhãn khác trong xã đã nghĩ đến việc ghép cành, cải tạo những cây nhãn này nhưng ngặt nỗi không có vốn.
“Rất may, tháng 4.2014 gia đình tôi được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng. Số tiền này, một phần tôi mua các dụng cụ thiết yếu và thuê thêm nhân công để ghép cải tạo 20 cây nhãn đã già cỗi trong vườn cho kịp thời vụ. Một phần tôi mua thêm phân về bón cho những gốc nhãn trồng mới trong vườn” -anh Khích cho hay.
Anh Nguyễn Đình Khích
Gia đình tôi được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng. Số tiền này một phần tôi mua các dụng cụ thiết yếu và thuê thêm nhân công để ghép cải tạo 20 cây nhãn đã già cỗi trong vườn cho kịp thời vụ
Theo anh Khích, cây nhãn từ khi trồng sau 4 năm bắt đầu bói quả và từ năm thứ 5 cho năng suất và chất lượng ổn định. Trung bình mỗi cây cho 50kg quả/vụ.
Hiện, với 100 gốc nhãn đang cho anh Khích thu hoạch trung bình 4 tấn/năm, giá bán dao động tại vườn từ 20.000-25.000 đồng/kg, anh có khoản thu 100 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm anh còn thu 20 triệu đồng từ việc bán hơn 500 cây nhãn giống.
Cùng thôn với anh Khích và cùng được vay 30 triệu đồng, anh Phạm Văn Định cho hay: “Gia đình tôi có hơn 8 sào trồng nhãn, trong đó 6 sào đang cho quả và 2 sào nhãn trồng lâu năm không có quả”. Được vay vốn Quỹ HTND, lại đúng vào tháng 4 (thời điểm thích hợp trong năm để trồng nhãn ghép cải tạo cho các cây già cỗi), anh Định rất vui vì anh có thể cải tạo những cây nhãn tưởng chừng bỏ không thành “khối tài sản” đáng giá.
Cùng giúp nhau làm giàu
Ông Đỗ Minh Cần - Chủ tịch Hội ND xã cho biết: “Lý Thường Kiệt là một trong những xã có truyền thống trồng nhãn của huyện Yên Mỹ (chủ yếu là giống nhãn thiết miền). Cả xã có hơn 1.700 hộ thì tới 60% số hộ trồng nhãn. Trong đó, có hơn 100 hộ trồng với quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở thôn Đồng Mỹ (22 hộ). 400 triệu đồng Quỹ HTND T.Ư Hội NDVN cho vay trong 3 năm, lãi suất 0,7%/tháng đã mang niềm vui cho 14 hộ thực hiện Dự án “Cải tạo vườn nhãn tạp trong xã.
Để đồng vốn mang lại hiệu quả cao nhất, trước khi giải ngân, Hội ND xã tiến hành bình xét đối tượng vay vốn, căn cứ vào các tiêu chí như mức độ cần vốn của hộ vay, khả năng thu hồi nợ và việc giúp đỡ các hội viên khác cùng phát triển. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với CLB Làm vườn xã thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng nhãn cho ND.
“Các hộ vay vốn không chỉ làm giàu cho gia đình, họ còn giúp đỡ những hội viên ND khác trong xã cùng phát triển. Đó là chủ trương của Hội để góp phần đưa nền kinh tế của xã từng bước đi lên”- ông Cần cho hay.
Lan Dương – Thu Hà (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.