Cảm động người cha không có tiền hiến thận để cứu con

Chủ nhật, ngày 19/01/2014 07:35 AM (GMT+7)
Nhà nghèo khó, đứa con với biết bao niềm mong mỏi về một tương lai xán lạn lại bỗng dưng đổ bệnh mà lại là trọng bệnh. Không tiền bạc, hết cách, người cha nghĩ đến chuyện hiến thận để giữ mạng sống cho con…
Bình luận 0
Nghe bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM thông báo con mình bị suy thận giai đoạn cuối, cả hai quả thận đều bị teo và cần phải thay thận, có khả năng phải mổ 2-3 lần mới thành công và số tiền điều trị lên tới hơn vài trăm triệu đồng. Nghe tin động trời ấy, Phạm Tấn Hiếu (ở đội 8, thôn Bình Đẳng, xã Tịnh Ấn Đông, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) như quay cuồng, hụt hẫng, lo sợ. Đó là đứa con út trong ba anh em nhưng chăm chỉ, hiền lành và học giỏi nhất. Dù nhà nghèo nhưng gia đình luôn tích góp lo cho con với hy vọng con sẽ học thành tài. Vậy mà!
Người cha hiến thận để cứu con
Người cha hiến thận để cứu con

Giọt nước mắt khóc thầm mỗi đêm

Ông Hiếu như đang chơi vơi giữa vực thẳm, khi thấy tương lai u ám của đứa con. Có ba đứa con, hai đứa đầu đã nghỉ học để đi làm thuê cả rồi, ông chỉ trông chờ vào đứa con út là Phạm Quốc Vương (SN 1995). Nhưng bây giờ thì nước mắt ông Hiếu lại rơi. Cả ba năm Vương đều là học sinh khá giỏi của Trường THPT số 1 Sơn Tịnh, Vương là người con trai út mà ông Hiếu tự hào và kỳ vọng nhất, vậy mà chẳng hiểu sao số phận éo le lại đổ xuống đời ông đúng lúc niềm hy vọng vừa được nhen nhóm lên. Tấm giấy báo trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM của cậu con út cầm chưa nóng bàn tay, bộ hồ sơ nhập học còn đặt trên bàn, ngày đưa con vào giảng đường đại học cũng là ngày phát hiện con bị bệnh nặng, và được nhập viện luôn để điều trị.

Vợ chồng ông Hiếu vốn không có nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê cũng bấp bênh, ai kêu gì làm nấy, mỗi ngày cũng chỉ được 70 ngàn đồng/công/người. Ngoài những lúc làm thuê ông lại tranh thủ về canh tác trên mảnh vườn nhà để kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng chẳng đáng là bao. Vì phát hiện ra bệnh muộn nên Vương phải ngừng học để đi chạy thận. Mấy miệng ăn trong nhà vốn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, đã thiếu trước hụt sau, nay đứa con lại mang trọng bệnh, một tuần chạy thận 2 - 3 lần nên gia cảnh ông càng trở lên túng bấn. Hai vợ chồng phải gồng mình lo toan, gánh vác mọi việc trong gia đình để có tiền chữa bệnh và chăm sóc cho con những khi cơn đau hành hạ. Ông ngược xuôi Quảng Ngãi – TP.HCM như con thoi. Đưa con vào bệnh viện, tất tả lo xong thủ tục ở viện, chỗ ăn, ở cho con ông mới yên tâm bắt xe quay về. Đến nhà chưa hết say xe, ông đã vội vàng, bươn bả ra đồng chăm lúa. Ông Hiếu cám cảnh tâm sự: “Thời gian đầu Vương đi chạy thận, tôi hầu như không ngủ bởi ban ngày đi làm, tối về thấy con đau, khó thở thương lắm lại ngồi chong chong đấm bóp, vỗ lưng cho con đến sáng mà rớt nước mắt. Nó biết tôi không ngủ nên cũng lo lắng hỏi han đủ điều. Nghe con nói mà tôi đau lắm. Mới vừa chập chững bước vào cánh cửa cuộc đời mà nó đã như thế này, tương lai của nó liệu rồi sẽ ra sao?”. Ông thắt ruột, héo gan khi thấy con mệt mỏi mỗi lần chạy thận hay mỗi lần nghe bác sĩ nói bệnh tình con trầm trọng thêm.

Những ngày vừa rồi, bác sĩ kết luận Vương đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh suy thận và cho biết chỉ có hai cách điều trị là chạy thận nhân tạo (lọc chu kỳ) và ghép thận. Lọc chu kỳ thì điều kiện kinh tế sẽ hao tổn rất nhiều và sức khỏe của bệnh nhân ngày càng kém đi. Nếu ghép thận thì bệnh nhân sẽ được cứu sống nhưng chi phí khá lớn và phải tìm được người cho thận. Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng người cho thận sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Với hoàn cảnh nghèo khó của mình, biết tìm đâu ra số tiền lớn để chạy thận hay thay thận cho con, thế là chẳng đắn đo, suy nghĩ thiệt hơn, ông lựa chọn cách thứ hai và tình nguyện hiến thận để mong cứu sống được đứa con của mình.

Nỗi lòng người cha hiến thận cứu con

Nói là vậy, nhưng để hiến thận cho con cũng là cả một quá trình. Đó là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với gia đình ông. Ông Hiếu vừa phải lo chăm sóc con vừa phải lo vay mượn tiền khắp nơi nhưng số tiền cũng chẳng được bao nhiêu. Nhìn đứa con lúc nào cũng trong tình trạng nguy kịch không biết sẽ ra đi khi nào nếu không được điều trị kịp thời nhưng gia đình chẳng biết cách nào để kiếm được số tiền lớn như vậy cho chi phí phẫu thuật. Thương con nhiều lúc ông chỉ biết giấu nước mắt vào lòng mà khóc thầm.

Ông đã định thế chấp mảnh đất cho ngân hàng vay tiền để điều trị cho con, hy vọng con sẽ khỏi bệnh rồi vợ chồng ráng trả nợ sau. Nhưng số tiền đó cũng không thấm vào đâu cho việc điều trị bệnh của con. Chỉ được một thời gian đã hết vèo trong khi bao nhiêu thứ đang cần đến tiền. Hai bên gia đình cũng khó khăn nên không trợ giúp được nhiều. Đối với ông lúc này, việc vay mượn tiền trăm cũng khó chứ chưa nói đến tiền triệu. Ông Hiếu kể: “Vừa rồi mới vay được bà con mỗi người dăm ba trăm, tổng cộng được 1,5 triệu đồng mang đi đóng tiền thử máu và mấy thứ tiền linh tinh, rồi cũng chả còn được bao nhiêu. Cũng may có cơm từ thiện của bệnh viện nên cha con tôi sống nhờ vào đó chứ không biết sẽ ra sao nữa. Ngày mai tôi lại đi làm kiếm tiền, nhưng không biết làm gì cho đủ tiền chữa bệnh cho con nữa. Không biết khi kiếm đủ tiền, con còn ở với mình không!”, ông Hiếu nói ngắt quãng.

Những gì có thể bán vợ chồng ông Hiếu đã bán hết, những người có thể vay thì cũng đã vay mà số tiền cũng không đủ. Còn mỗi mảnh vườn ông bà cũng nghĩ tới nước phải bán nhưng ngặt nỗi sổ đã đem thế chấp ngân hàng, chưa trả được nợ nên muốn bán cũng không được. Hơn nữa, nếu bán đi thì trả nợ cũng chả còn được bao nhiêu. “Tôi hết cách rồi, không thể vay mượn thêm, làm thuê thì không biết khi nào mới có số tiền lớn như vậy” nhưng dẫu vậy vẫn còn may mắn thay khi sau các đợt hóa nghiệm, xét nghiệm, các bác sĩ thông báo ông và Vương hoàn toàn phù hợp để có thể cho thận. Ông mừng khi kết quả xét nghiệm của ông phù hợp để ghép thận cho con, nhưng lại lo vì chi phí quá lớn chưa biết xoay xở ra sao trong khi thời gian của con còn rất ngắn.

Chi phí ca phẫu thuật ghép thận cho Vương khoảng 300 triệu đồng. Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các tổ chức, các ban, ngành, đoàn thể của xã đã chia sẻ giúp đỡ nhưng hiện tại gia đình ông Hiếu vẫn đối mặt với một khoản tiền lớn; rồi tiền đưa Vương hằng tuần lên bệnh viện khám, tiêm thuốc mà mỗi mũi tiêm tốn tiền triệu là việc quá khả năng. Ông Hiếu nói: “Mấy chị em ở Hội Phụ nữ xã vận động được 5 triệu đồng nên tôi về nhận và vay mượn thêm bà con hàng xóm để nộp cho bệnh viện. Một tuần con chạy thận 3 lần, một lần là 600.000 đồng, chưa kể các chi phí khác. Một tháng rưỡi ở bệnh viện đã ngốn trên 50 triệu đồng rồi. Còn sống ngày nào thì phải cứu con ngày đó! Thức ăn của người bệnh thận rất khó ăn - chỉ có món luộc, lại không gia vị - nên gia đình phải tốn thêm tiền truyền đạm cho cháu. Nhưng tôi và mẹ cháu luôn an ủi, động viên, lúc nào cũng lạc quan và không bao giờ nói về khó khăn trước mặt cháu. Có hôm cháu khóc, nói vì con mà gia đình bán nhà, ba mẹ bỏ công bỏ việc. Nghe mà nhói cả ruột gan. Nhưng có cha mẹ nào mà bỏ con cho được…”, ông Hiếu nghẹn ngào.

Giờ đây, mỗi lần nhìn học bạ cấp 3 và giấy báo trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM của con trai Phạm Quốc Vương thì nước mắt ông Hiếu lại rơi. Thương con, ông đã làm tất cả, kể cả việc cho con mình một quả thận, ông cũng đã làm. Sự sinh tồn có đến được với con ông hay không, điều đó còn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của nhiều người vì chi phí một ca ghép thận là số tiền quá lớn đối với gia đình ông Hiếu. Vì bệnh nặng, em Vương đã xin bảo lưu kết quả thi và đang tích cực điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để sớm thực hiện ước mong trở thành sinh viên trên giảng đường đại học như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng để ước mong ấy thành hiện thực, em và gia đình rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cả cộng đồng xã hội.

Minh Ngọc – Thanh Dung (Dòng Đời) (Minh Ngọc – Thanh Dung (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem