Cấm không được thì... buông?

Thứ ba, ngày 08/06/2010 12:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc chế biến, khai thác và sử dụng cá nóc bất chấp lệnh cấm khiến số người thiệt mạng vì loại cá độc này tại Thừa Thiên - Huế đã ở mức báo động.
Bình luận 0
img
Cá nóc khai thác trên biển được tập kết về cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang) để bán cho người dân.

Chết thảm vì liều

Mới đây, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền có thêm một người chết vì ăn cá nóc. Nạn nhân là ông Dương Bá Thừa (54 tuổi) ở thôn Tân Mỹ. Sau khi cùng 2 người bạn dùng cá nóc đánh bắt trên biển làm mồi nhậu, ông Thừa bị đau bụng, nôn mửa, sùi bọt mép rồi tử vong khi được đưa đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền. Ông Lê Phúc, 1 trong 2 người cùng ăn cá nóc với ông Thừa cũng bị ngộ độc nặng, được đưa cấp cứu ở Bệnh viện T.Ư Huế trong tình trạng nguy kịch.

Người dân thôn Tân Mỹ không nhớ nổi đây là vụ ngộ độc cá nóc làm chết người lần thứ mấy trong thôn. Chỉ biết, sau những vụ ngộ độc kinh hoàng như thế, dân trong thôn vẫn sử dụng cá nóc như một món ăn khoái khẩu.

Ông Lê Đoan, người dân thôn Tân Mỹ cho biết, cá nóc đã trở thành món ăn không thể thiếu của người dân trong thôn, nên không thể từ bỏ món ăn này. “Mỗi năm trong thôn có hàng chục vụ ngộ độc cá nóc, trong đó có dăm vụ chết người, nhưng chết thì chết mà ăn thì vẫn ăn. Đến từng nhà trong thôn vào đúng bữa cơm sẽ thấy từ già đến trẻ đều thi nhau ăn cá nóc”- ông Đoan nói.

Không chỉ thôn Tân Mỹ, chuyện sử dụng cá nóc làm thức ăn mỗi ngày đang diễn ra tại hầu khắp các địa phương ở Thừa Thiên- Huế, đặc biệt là các xã vùng biển. Tại các xã Phú Hải, Phú Diên, Phú Thuận, thị trấn Thuận An của huyện Phú Vang mỗi năm có hàng chục vụ ngộ độc cá nóc, trong đó có nhiều vụ làm chết người. Ngay cả trên các tàu cá ở các xã này cũng có nhiều ngư dân bị ngộ độc và chết tập thể vì ăn cá nóc.

Cấm không nổi thì buông?

Theo các bác sĩ ở khoa Cấp cứu của Bệnh viện T.Ư Huế, mỗi năm khoa này tiếp nhận không dưới 20 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cá nóc, số người chết vì ngộ độc cũng tăng lên hàng năm. Đó là chưa tính phần lớn các bệnh nhân ngộ độc cá nóc chết sau khi được đưa đến các bệnh viện tuyến huyện.

Cho đến nay, các cấp chính quyền ở nước ta vẫn chủ trương cấm khai thác, lưu thông, chế biến, kinh doanh, sử dụng cá nóc dưới mọi hình thức. Chủ trương này được thể hiện qua rất nhiều chỉ thị, công văn của các cấp từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cho đến UBND các tỉnh. Tuy nhiên, vì lệnh cấm không đi đôi với hoạt động kiểm tra, xử phạt nên không phát huy tác dụng.

Tại các xã vùng biển của các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, tình trạng người dân khai thác, mua bán và sử dụng cá nóc vẫn diễn ra công khai. Mỗi ngày có hàng chục tấn cá nóc được người dân những địa phương này đánh bắt rồi bán cho người sử dụng nhưng không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền cho biết, năm nào trung tâm cũng phối hợp với phòng y tế tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân về sự nguy hiểm của việc ăn cá nóc nhưng tình trạng người dân sử dụng loại cá độc này vẫn hết sức phổ biến khiến các vụ ngộ độc ngày càng gia tăng. Theo ông Tuấn, do cá nóc có nhiều loại, có loại khi ăn bị ngộ độc nhưng có loại lại không sao nên người dân rất chủ quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem