Cam sành Hà Giang tăng năng suất 20% nhờ được "ăn" phân Lâm Thao

Thu Hà Thứ tư, ngày 20/12/2017 16:00 PM (GMT+7)
Người trồng cam VietGAP ở xã Hương Sơn, huyện Quang Bình (Hà Giang) ngày càng sử dụng phổ biến hơn các loại phân bón hữu cơ và vô cơ, trong đó có NPK Lâm Thao. Chính vì vậy, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tự hào đã góp phần làm nên thương hiệu nổi tiếng “cam sành Hà Giang”.
Bình luận 0

Thời điểm này, những đồi cam sành VietGAP trĩu quả trên đất Hương Sơn đang bước vào mùa thu hoạch. Qua 5 năm thực hiện mô hình trồng cam VietGAP, năng suất và chất lượng quả cam tại đây ngày càng được nâng cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Nâng cao thương hiệu cam sành VietGAP

img

Từ trồng cam sành VietGAP, nhiều hộ dân ở Hương Sơn, Quang Bình, Hà Giang có thu nhập ổn định. Ảnh: T.H

Tiêu chuẩn VietGAP là thực hành về sản xuất nông nghiệp tốt với 50 tiêu chí (đất, giống, nước, phân bón…). Phân bón Lâm Thao hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP vì các sản phẩm đều đáp ứng được tiêu chí an toàn. Supe lân được sản xuất trên nền axit sạch, độ tinh khiết đạt 99,8%, các sản phẩm NPK được bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thiết yếu cho cây trồng: Cây trồng cần 17 nguyên tố dinh dưỡng chính để phát triển cân đối thì trong NPK có đầy đủ 17 nguyên tố dinh dưỡng đạm, lân, kali (đa lượng); canxi, magie, lưu huỳnh, silic (trung lượng); kẽm, đồng, molip đen, bo (vi lượng) được phối trộn cân đối.

Cây cam sành được trồng ở xã Hương Sơn từ những năm 1970. Tuy nhiên, thời đó người dân trồng và chăm sóc cây phần nhiều dựa vào kinh nghiệm, ít áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng của sản phẩm không cao. Từ năm 2012, xã Hương Sơn đã triển khai thực hiện quy trình VietGAP để có được những quả cam sạch, chất lượng ổn định, bán được giá cao.

Ban đầu, xã thành lập 1 tổ sản xuất cam VietGAP quy mô 12ha với 12 hộ dân thôn Sơn Trung đăng ký tham gia. Không chỉ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam VietGAP, các hộ dân còn được cấp cây giống đầu dòng tiêu chuẩn để nhân giống sản xuất bằng mắt ghép, cành chiết.

Sau gần 4 năm thực hiện, thấy trồng cam VietGAP cho hiệu quả kinh tế khả quan nên ngày càng có nhiều hộ tham gia mô hình. Đến nay, xã đã thành lập thêm 11 tổ sản xuất cam VietGAP với 234 hộ dân tham gia.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Đình Cát – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP thôn Nghè cho biết: Mới thành lập từ đầu năm nay, nhưng tổ sản xuất cam của chúng tôi có đến 12 hộ dân đăng ký tham gia với 25ha cam, thực hiện chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ cam này, mặc dù chưa thu hoạch, nhưng qua quan sát thực tế chúng tôi khẳng định sản lượng, chất lượng quả năm nay sẽ cao hơn năm trước.

Theo ông Cát, trung bình mỗi ha cam VietGAP cho thu hoạch từ 25 – 30 tấn, những cây sai quả có thể được 3 - 4 tạ cam/cây. Năng suất cam VietGAP không chỉ cao hơn 15 - 20% so với giống cam thường mà còn dễ bán và bán với giá cao hơn, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ dân.

Những triệu phú trồng cam

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, vườn cam của gia đình ông Cát luôn đạt năng suất cao trên 30 tấn/ha. Với diện tích 1ha cam, gia đình ông Cát luôn có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, trừ hết chi phí ông còn thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Cát cho biết, mỗi vụ, gia đình ông sử dụng khoảng 6 tấn phân NPK của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - sản phẩm dễ nhận diện với hình ba lá cọ xanh trên bao bì.

img

Nông dân Hà Giang bội thu mùa cam sành. Ảnh: Tư liệu

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng cam sành, ông Cát nói vanh vách cách thức bón phân cho cam như thế nào. “Để đồi cam cho quả sai trĩu, có chất lượng ngon ngọt, việc chăm sóc, bón phân rất quan trọng, người trồng cần bón phân từ 3-4 lần/năm. Cụ thể, đối với  đồi cam 12 tuổi như của gia đình tôi, trước lúc cây ra hoa khoảng 4 tuần, bón mỗi gốc từ 1,5 – 2kg NPK-S.M15.10.3-8.

Tiếp đó, sau khi cây đậu quả và phát triển, bón từ 1 – 2 đợt phân, mỗi đợt bón khoảng 1,5 kg/gốc loại  phân NPK-S*M1 12.5.10-14. Một tháng trước thu hoạch bón tiếp cho mỗi gốc cũng từng ấy. Đối với giai đoạn nuôi quả, bà con cần bón NPK-S*M1 12.5.10-14, vì loại phân này có hàm lượng đạm cao giúp phát triển thân lá, ngoài ra còn có hàm lượng kali cao giúp tăng hàm lượng đường”.

Gia đình anh Lý Văn Hội ở thôn Sơn Trung là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia Tổ sản xuất cam VietGAP tại địa phương. Được biết, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP tổ chức tại xã, anh Hội đã được đi tham quan thực tế mô hình ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc (Bắc Quang) và huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Hiện, gia đình anh Hội có đến 14ha cam, trong đó hơn có hơn 4ha đăng ký chuẩn VietGAP.

Anh Hội cho hay: “Tham gia mô hình chăm sóc cam VietGAP, bà con được hướng dẫn kỹ thuật bón phân “4 đúng”. Đó là đúng chủng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng phương pháp nên tiết kiệm được lượng phân bón và hiệu quả cao hơn hẳn”.

“Đúng chủng loại là cần nắm rõ giai đoạn phục hồi sau thu hoạch thì bón phân NPK-S.M15.10.3-8, giai đoạn nuôi quả thì bón NPK-S*M1 12.5.10-14. Đúng liều lượng: Liều lượng thích hợp từ 1,5 - 2kg/cây, không được bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, cũng không nên bón thiếu để cây đạt được năng suất cao nhất. Đúng thời điểm: Bón khi đất đủ ẩm, không nên bón vào lúc trời nắng tránh bốc hơi, trời mưa tránh rửa trôi. Đúng phương pháp: Bà con xới qua đất xung quanh tán với độ sâu từ 5 - 7cm tránh tổn thương bộ rễ, rải phân theo chiều thẳng tán xuống (hình vành khăn). Về phân bón, chúng tôi thường tin dùng các loại phân NPK của công ty Lâm Thao” – anh Hội nói thêm.

Có nhiều gia đình sản xuất lớn như ông Cát, anh Hội nên cả xã Hương Sơn là một vùng cam với diện tích tới 615ha - một trong những nơi trồng nhiều cam nhất huyện Quang Bình. Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Đặng Thị Sang cho biết: Hiện, toàn xã Hương Sơn có 615ha cam, trong đó có trên 400ha cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Để xây dựng thương hiệu cam VietGAP Hương Sơn nói riêng và thương hiệu “Cam sành Hà Giang” nói chung, xã đã chỉ đạo các tổ sản xuất cam VietGAP phải bao quản, đóng hộp và in rõ địa chỉ chỉ dẫn địa lý cụ thể trên bao bì sản phẩm; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nông sản để các hộ kinh doanh không trà trộn các mặt hàng cam ngoài vùng vào bán...

Cùng với đó, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, xã đã giải ngân được gần 7 tỷ đồng cho hơn 50 hộ dân được vay vốn phát triển trồng cam. Đây là động lực thúc đẩy mô hình cam VietGAP phát triển hơn nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem