Thất nghiệp và bị cô lập
Cách đây không lâu, đang yên ổn làm ở một cơ quan nhà nước, chị nhận được thông báo từ bác sĩ là mình bị nhiễm HIV. Chỉ 1 tiếng sau đó thông tin đã về đến nơi làm việc và âm thầm rò rỉ trong cơ quan. Những tin đồn không căn cứ như chị đang bị lở loét khắp người, đang nằm chờ chết... bủa vây lấy chị. Không chịu nổi thái độ của mọi người, chị đã nuốt nước mắt làm đơn xin nghỉ việc.
Đây là trường hợp của N.T.B- thành viên nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội. Chuyện buồn này đã qua nhưng nó vẫn ám ảnh đến mức khi kể lại cho tôi, B không kìm được nước mắt và những tiếng nấc nghẹn ngào: "Tôi bị lây nhiễm từ chồng mà người ta cứ nghĩ tôi chơi bời, xấu xa...".
Ngần ngại, thiếu tự tin, giấu bệnh là tâm lý chung của người nhiễm HIV khi đi tìm việc. Theo một khảo sát nhu cầu việc làm và năng lực của người sống chung với HIV tại Hà Nội gần đây, có tới 60% người có H thất nghiệp, số người làm việc tại các doanh nghiệp chỉ chiếm 5%.
Thực hiện bài viết này, chúng tôi còn được biết rất nhiều người có H vô cùng khó khăn trong mưu sinh hàng ngày. Có người đã phải bỏ việc vì đang làm may thì bị chủ doanh nghiệp chuyển sang bộ phận dập khuy, đột khuy, công việc quá nặng nhọc nên không kham nổi. Có người bán hàng ăn chỉ được thời gian ngắn là phải đóng cửa hàng, người nọ truyền tai người kia dẫn tới cửa hàng vắng khách.
Ở nông thôn, người có H càng khổ hơn. Gia đình chị S ở Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội là trường hợp điển hình. Hàng xóm thấy chị cứ như thấy hủi, tránh từ xa. Ngay khi biết tin gia đình chị mắc bệnh, họ đã xây một bức tường ngăn cao ngất. Hàng ngày, chị phải dậy từ 4 giờ sáng đạp xe đi thật xa để bán rau vì bán gần nhà người làng sợ không dám mua. Đứa con gái 3 tuổi của chị ở nhà chơi tha thẩn 1 mình vì trường mẫu giáo không dám nhận.
Những buổi thuyết phục đẫm nước mắt
Để tránh bị cô lập và đòi quyền lợi, rất nhiều người có H đã phải đấu tranh. Cho đến giờ, ngay cả khi đứa con trai của chị N.T.H (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã học yên ổn ở lớp 3, chị vẫn không khỏi tủi thân và nghẹn ngào khi kể lại con đường gian nan đưa con đến trường. Con chị đến tuổi đi học, nhưng không trường nào dám tiếp nhận.
Nhờ sự trợ giúp của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội, chị tổ chức 1 buổi thuyết phục nhà trường, phụ huynh. Chị đã nói về sự thiệt thòi mà con trai chị phải gánh chịu, về việc không phải dễ dàng mà virus HIV có thể truyền sang người khác, nhất là với trẻ thơ. Buổi thuyết phục đẫm nước mắt của chị đã thành công. Bây giờ hàng ngày, cháu đã được ngồi học với các bạn, nhưng không được tham gia hoạt đông ngoại khóa, tập thể dục…
Không được đi học, đi làm, người có H dễ buồn chán, bị rủ rê, lôi kéo vào những việc làm xấu, để lại những hậu quả tiêu cực cho xã hội. Bao dung và hỗ trợ họ chính là cách phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả nhất.
Luật gia Trịnh Lê TrâmTheo bác sĩ, luật gia Trịnh Lê Trâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Chính sách y tế HIV/AIDS, trung tâm đã trợ giúp rất nhiều trường hợp như một giáo viên dạy giỏi bị nhiễm H, ban giám hiệu nhà trường đã gợi ý chuyển chị sang bán phiếu ăn, thu tiền ăn; nhờ sự trợ giúp của Trung tâm, chị mới tiếp tục được giảng dạy. Có gia đình lại buộc con trai mình sống cách ly trong buồn tủi tại một chòi xa nhà ở, sau khi được tuyên truyền, ông bố mới dỡ chòi và đón con vào nhà...
Theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hoặc tiết lộ danh tính người có H khi chưa có sự đồng ý của người đó... cũng bị coi là phạm pháp. Nhưng trên thực tế, chưa có ai bị pháp luật xử lý khi có những hành vi này. Người nhiễm H cũng chẳng mong chờ đến ngày những người kỳ thị bị xử lý. Họ chỉ mong ước thật giản dị: Xã hội có cái nhìn cảm thông hơn, để họ có điều kiện hòa nhập với cộng đồng.
Nguyễn Trang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.