Cam Vinh, từ cây tỷ phú đến... cây vỡ nợ: Bất ngờ bị "bức tử" bởi một loại bệnh lạ (Bài 1)

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ sáu, ngày 25/08/2023 09:00 AM (GMT+7)
Cây cam Vinh từng làm nên một cuộc đại cách mạng ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Vào thời hoàng kim, chỉ riêng xã Minh Hợp có gần 2.000 ha trồng cam, nhiều gia đình nông dân nơi đây thành tỷ phú. Cây cam đã biến vùng đất đỏ bazan trở thành thủ phủ của cam Vinh, nhưng đó chỉ còn là ký ức...
Bình luận 0
Cam Vinh, từ cây tỷ phú đến... cây vỡ nợ: Bất ngờ bị "bức tử" bởi một loại bệnh lạ (Bài 1) - Ảnh 1.

Cuộc đại cách mạng của cây cam trên vùng đất Phủ Quỳ

Huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An nổi tiếng xa gần vì nơi đây từng được biết đến là thủ phủ của giống cây cam Vinh. Cây cam cũng đã tạo nên một cuộc đại cách mạng, đưa nhiều gia đình trở thành tỷ phú chỉ sau một mùa vụ. Nhưng đó là chuyện của những năm 2012, 2013 sau khi cây cam bắt đầu được trồng trở lại trên vùng đất tại xã Minh Hợp.

Xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An nơi có diện tích và sản lượng cam lớn nhất cả vùng Phủ Qùy giờ đây chỉ còn lại một ít vườn cam đang chờ chết. Hàng trăm ha trồng cam giờ đã được chuyển sang trồng mía và ngô. Thực hiện: Thắng Tình

Loại cây này tỏ ra rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây. Minh chứng rõ ràng nhất đó là vào năm 2017, chỉ một cây cam Xã Đoài lòng vàng được trồng tại vườn của gia đình anh Dương Đình Tấn ở xóm Minh Chùa, xã Minh Hợp khiến nhiều người sửng sốt khi bất ngờ "vỡ kế hoạch" cho hơn 1.000 quả. Trong vườn rộng hơn 5ha, ông Tấn trồng các giống cam khác nhau, cây nào cũng cũng cho năng suất cao.

Những vườn cam trĩu quả, căng mọng, vị ngọt lịm, thơm dịu đã chinh phục được khách hàng gần xa. Cam được bán với giá cao hơn hẳn ngoài thị trường và luôn trong tình trạng cháy hàng. Thậm chí, thương lái đến tận vườn, đặt tiền trước để mua cam. Hiệu quả kinh tế vượt trội, nhiều hộ gia đình thu về hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng chỉ sau một vụ cam. Cây cam đã hiện thực hóa giấc mơ đổi đời của nhiều gia đình.

Để cam Vinh không bị xóa sổ ngay chính thủ phủ của mình - Ảnh 2.

Những vườn cam trĩu quả tại xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An. Nay những hình ảnh này chỉ còn là ký ức với người dân nơi đây. Ảnh tư liệu.

Từ đó, diện tích trồng cây cam với đủ các chủng loại không ngừng được mở rộng theo cấp số nhân. Từ xã Minh Hợp, cây cam được "phủ sóng" khắp các xã lân cận nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng. Nhà nhà đua nhau trồng cam. Cây cam đã tạo nên một cuộc đại cách mạng biến nơi đây thành vựa cam lớn nhất tỉnh Nghệ An, thủ phủ của cam Vinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (57 tuổi, trú xóm Minh Hồ) cho biết, vườn cam rộng gần 3ha cho thu hoạch trung bình từ 500 đến 700 triệu đồng/năm, là nguồn thu nhập ổn định của gia đình suốt những năm qua. Năm nhiều nhất, gia đình bà Ngân thu được gần 1 tỷ đồng từ vườn cam. 

Để cam Vinh không bị xóa sổ ngay chính thủ phủ của mình - Ảnh 3.

Cây cam được trồng tại vùng đất Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An nổi tiếng xa gần với hương thơm, vị ngọt, khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh tư liệu

Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành ở xã Minh Hợp vào thời kỳ cao điểm có gần 1.000ha cam các loại và quýt PQ. Hàng trăm thành viên trong công ty cùng nhau xây dựng thương hiệu, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cam. Những vườn cam Vinh trĩu quả dần thay thế các loại cây địa phương. Khi đến vụ thu hoạch, thương lái đánh ô tô đến thu mua hàng chục tấn mỗi ngày đi tiêu thụ khắp nơi.

Để cam Vinh không bị xóa sổ ngay chính thủ phủ của mình - Ảnh 4.

Thời vàng son, cây cam trên mảnh đất Phủ Qùy mang lại nguồn thu nhập khủng cho người dân nơi đây. Ảnh tư liệu

Đặc biệt vào dịp giáp Tết Nguyên đán hàng năm, lúc này những vườn cam chín muộn được bán với giá đắt đỏ từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg. "Thời đó, vào dịp Tết, chúng tôi bán cam "sướng" lắm! Có bao nhiêu, bán giá cao họ vẫn mua sạch. Cam quỳ hợp vỏ mỏng, hương thơm, vị ngọt thanh… nên nhiều người chọn mua làm quà biếu", bà Ngân nhớ lại.

Nhiều gia đình thành tỷ phú nhờ cam Vinh

Cây cam dễ trồng, không quá tốn công chăm sóc, với chi phí đầu tư ban đầu khoảng từ 100 đến 120 triệu đồng, sau khoảng 3 đến 4 năm là cho thu hoạch. Thấy nhà này trồng được, một vụ thu về hàng trăm triệu là nhà khác lao vào trồng cam. Nhờ cây cam, nhiều gia đình xây dựng cơ ngơi khang trang, thành tỷ phú.

Để cam Vinh không bị xóa sổ ngay chính thủ phủ của mình - Ảnh 4.

Xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An nơi cây cam từng trở thành loại cây làm giàu cho người dân nơi đây. Ảnh: Thắng Tình

"Đó là thời kỳ hưng thịnh nhất của cây cam trên đất Qùy Hợp nói chung và xã Minh Hợp nói riêng. Nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả, họ thực sự đổi đời nhờ cây cam. Người dân chủ yếu trồng các giống cam như: Cam xã đoài lòng vàng, cam vân du, cam V2… Năm 2015, có những vườn cam đạt năng suất 20 đến 25 tấn/ha", ông Nguyễn Vinh Quang – Phó chủ tịch UBND xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Nói rồi ông Quang liệt kê một số hộ dân trồng cam thu về tiền tỷ, đổi đời nhờ loại cây có múi này như gia đình ông Lê Xuân Minh trồng 5 ha mỗi năm thu về từ 2 đến 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Danh cũng có 5 ha trồng cam thu về tiền tỷ. Hoặc gia đình ông Phạm Xuân Tiến có 3,5ha cam, nổi danh nhờ năng suất vượt trội… đó là một số hộ gia đình thành "tỷ" phú chỉ sau một mùa thu hoạch cam.

Để cam Vinh không bị xóa sổ ngay chính thủ phủ của mình - Ảnh 6.

Cam trồng ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An thơm, ngọt được khách hàng rất ưa chuộng. Đặc biệt vào dịp Tết nguyên đán, thương lái phải đặt hàng trước mới có cam để bán. Ảnh tư liệu

Không riêng huyện Qùy Hợp, cây cam diện tích trồng cam phát triển rộng ở các huyện như Nghĩa Đàn, Yên Thành, Con Cuông… chứng minh được hiệu quả kinh tế vượt trội. Thương hiệu cam Vinh cũng được xây dựng, khẳng định vị thế trên thị trường, được khách hàng gần xa đón nhận. Cam Vinh gần như không phải lo đầu ra, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, biểu tượng của ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An.

Để cam Vinh không bị xóa sổ ngay chính thủ phủ của mình - Ảnh 6.

Những câu chuyện về thời hoàng kim của cây cam chỉ còn là ký ức đối với người dân xã Minh hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Cây chết, rụng quả hàng loạt vì bệnh vàng lá, thối quả

Sau thời kỳ hoàng kim, mang về lợi nhuận khổng lồ, đưa nhiều gia đình trở thành tỷ phú, làm thay đổi bộ mặt vùng quê ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An, cây cam Vinh, loài cây triệu đô bắt đầu đổ bệnh. Cũng vì thế, sự phát triển của cam Vinh trên đất Quỳ Hợp bị đi thụt lùi, theo hướng năm sau giảm hơn năm trước và hiện chỉ còn dưới 1.700ha song hiệu quả không còn cao, nhiều cây rơi vào tình trạng... dặt dẹo.

"Đau xót nhất là khi cây cam chuẩn bị cho thu hoạch thì quả thối rụng. Có những năm, người dân đổ cam đầy đường, thành những núi lớn, dưới những vườn cam chi chít quả rụng, thối. Cả năm chăm sóc, bỏ không biết bao nhiêu tiền của, công sức đến ngày thu hoạch lại trắng tay", bà Trương Thị Vân – phụ trách nông nghiệp xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 1.

Sau thời kỳ hoàng kim với những vườn cam trĩu quả, năng suất vượt trội, những hình ảnh này chỉ còn là ký ức đối với người trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

Cụ thể, bắt đầu vào năm 2017 - 2019, một số vườn cam trên địa bàn xã Minh Hợp bắt đầu xuất hiện tình trạng quả cam bị thối, rụng. Mới đầu người dân chỉ "chẩn đoán" rằng do mưa lớn, cam bị ngập nên mới dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, sau đó không chỉ riêng vùng trũng thấp, mà cây cam được trồng ở những vùng cao ráo hơn cũng đổ bệnh.

Đau xót nhất là những gia đình chưa được nếm thử trái ngọt từ cây cam bỗng chốc trắng tay khi lao vào trồng loại cây triệu đô. Chính bản thân gia đình bà Trương Thị Vân – Công chức nông nghiệp xã Minh Hợp cũng trồng là người nếm trái đắng. Gia đình bà Vân cũng đầu tư gần 200 triệu đồng cải tạo đất mua giống, thuê nhân công trồng cây cam. Vườn cam của gia đình bà Vân chưa ra trái thì đã bắt đầu nhiễm bệnh. Tiếc của, gia đình cố gắng chăm sóc hi vọng cây cam có thể phục hồi nhưng càng đổ tiền vào càng mất trắng.

Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 2.

Cam tại xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An bắt đầu bị vàng lá, thối quả. Đặc biệt, quả cam gần đến ngày thu hoạch thì rụng hàng loạt. Ảnh: Q.A

Không chỉ riêng gia đình bà Vân mà hàng trăm hộ dân khác, đầu tư tiền của, công sức để trồng cam. Nhưng chưa từng được thu hoạch một quả cam nào, mất vốn, ôm nợ. Từ giấc mơ làm giàu, nhiều gia đình lại rơi vào cảnh nợ nần vì lỡ đầu tư trồng cam.

Diện tích cây cam bị nhiễm bệnh lan rộng ra cả xã Minh Hợp và các vùng phụ cận. Sản lượng giảm theo cấp số nhân, thương lái về huyện Qùy Hợp thưa dần. Mùa cam không còn cảnh những đoàn xe tải nối đuôi nhau vào các vườn cam.

Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 3.

Gần đến ngày thu hoạch, quả cam bắt đầu thối, rụng nhiều gia đình trồng cam lâm vào cảnh khốn đốn. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn ôm hi vọng cây cam có thể phục hồi. Vì vậy, mặc dù vừa trải qua một mùa vụ trắng tay nhưng năm sau họ vẫn đầu tư phân bón, công sức vào vườn cam, nhưng kết quả lại càng tệ hại hơn.

Cam Vinh, từ cây tỷ phú đến... cây vỡ nợ: Bất ngờ bị "bức tử" bởi một loại bệnh lạ (Bài 1) - Ảnh 12.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem