Cấm xe máy đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi: Cách làm tủn mủn, chắp vá

Thành An Thứ ba, ngày 12/03/2019 11:38 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhìn nhận việc Hà Nội cấm xe máy và thí điểm trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông là “giật gấu vá vai”, làm một cách tùy tiện, thiếu tầm nhìn và thiếu khoa học, mang tính chất tủn mủn, để cho người dân dự đoán chứ không biết kết quả như thế nào.
Bình luận 0

Mới đây, giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Dừng xe máy tại một số quận vào năm 2030 là mục tiêu, chủ trương của TP, nhưng để thực hiện được mục tiêu này phải làm rất nhiều việc. Lộ trình mà Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng sẽ thực hiện hạn chế xe máy từng bước theo tuyến, theo khu vực. 

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đang lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi – Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động. 

Liên quan đến đề xuất này, dư luận rất quan tâm, nhiều người cho rằng, sự cần thiết của chủ trương này ai cũng thấy rõ nhưng hiện nay giao thông công cộng của Hà Nội còn chưa đáp ứng nhu cầu, do đó hạn chế xe máy sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

img

Xe máy đang là phương tiện chủ yếu của người dân Hà Nội. Ảnh: T.An

Trao đổi với Dân Việt nhiều cho gia giao thông thẳng thắn chỉ ra rằng, đề xuất của Hà Nội đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn, hiệu quả phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội. Câu hỏi đơn giản nhất là cấm thì người dân đi lại bằng gì, nếu không trả lời được thì không thể cấm nổi xe máy.

TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhìn nhận: cách làm của Hà Nội là “giật gấu vá vai”, làm một cách tùy tiện, thiếu tầm nhìn và thiếu khoa học, mang tính chất tủn mủn, để cho người dân dự đoán chứ không biết kết quả như thế nào.

“Trên thế giới chẳng có nước nào làm như vậy. Bởi vì giao thông là một thể thống nhất, liên thông, không thể cắt đoạn này bỏ đoạn kia được. Theo đó đây là cách làm chắp vá và không hợp lý” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Với 40 năm nghiên cứu về giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Hà Nội không nên cấm xe máy mà chỉ nên hạn chế ở một giai đoạn nào đó.

“Đây là quan điểm khách quan, khoa học, nhân văn nhìn nhận từ thực tế và quá trình nghiên cứu chứ không chỉ riêng gì cá nhân tôi. Chúng ta không thể không quản lý được thì cấm, giao thông vận tải là quá trình vận chuyển liên tục nó là “mạch máu nuôi nền kinh tế” giờ chúng ta cấm không cho phương tiện hoạt động vậy nền kinh tế hoạt động như thế nào. Hàng triệu người ngừng đi xe máy thì hoạt động nền kinh tế làm sao? Hiện đời sống khó khăn, vậy bao nhiêu gia đình sẽ lâm vào cảnh khốn khổ vì không có việc làm?” – TS Thủy băn khoăn.

Dẫn chứng các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines người dân vẫn đi xe máy phổ biến và không cấm được xe máy, ông Thuỷ cho rằng, người dân có quyền đi phương tiện cá nhân nếu nhà nước không đủ điều kiện đáp ứng các phương tiện thay thế.

img

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy

Một bài học khác từ Yangon (Myanmar) mà Hà Nội cần cân nhắc, theo ông Thuỷ, khi chính quyền TP.Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay TP này đang rơi vào cơn “ác mộng” ô tô khi tắc nghẽn do lượng ô tô tăng nhanh đột biến. Và tới nay, Yangon lại đang tính tới việc xem xét cho phép xe máy trở lại hoạt động. 

“Chúng ta phải nhìn nhận từ thực tế, nếu cấm xe máy thì người dân đi bằng phương tiện gì. Nếu cấm xe máy, tới năm 2030, ô tô có thể tăng tới 2 – 3 triệu xe, tràn ngập đường phố, trở thành tác nhân chính gây ùn tắc và ô nhiễm, chứ không phải xe máy. Nếu nói xe máy là nguyên nhân gây ô nhiễm tại sao chúng ta không đề cập đến ô tô hoặc sử dụng xe máy điện” – TS Thủy lưu ý.

Về lộ trình tới năm 2030 của Hà Nội đặt ra, TS Thuỷ cho rằng, khi đó Hà Nội mới chỉ khoảng 3 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, nếu tính cả xe buýt, mới đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu đi lại của người dân. 

“Chỉ khi giao thông công cộng thuận lợi, hạ tầng giao thông thông thoáng, đáp ứng được trên 40 - 45% nhu cầu người dân thì mới có thể hạn chế xe máy đi vào nội đô. Hà Nội có thể dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy, nhưng lưu ý phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Anh phải ký văn bản chịu trách nhiệm nếu cấm mà đời sống người dân nâng cao, TP giảm ùn tắc, làm tốt sẽ được tôn vinh, làm không hiệu quả phải chịu trách nhiệm” – TS Thuỷ nói.

Lộ trình cấm xe máy vào năm 2030

Theo Sở GTVT TP.Hà Nội, lộ trình cụ thể để thực hiện đề án này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT. 

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Được biết, trước đó, UBND Hà Nội đã ký ban hành đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030. Đề án này được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của HĐND Hà Nội khóa XV vào tháng 7.2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem