Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 15 năm triển khai (từ 1998 – 2013), chương trình điện khí hóa nông thôn đã thay đổi bộ mặt của nông thôn. Từ một hệ thống điện cũ nát, cung cấp điện thiếu hụt cho 87% số hộ dân, tới năm 2013 trên 98% hộ dân, trong đó có 97,5% hộ dân sống ở nông thôn, tương đương 15,2 triệu hộ đã được sử dụng điện.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Điện khí hóa nông thôn đã phát triển vượt bậc, được quốc tế và nhà tài trợ đánh giá cao, góp phần phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo. Tổng số vốn cả nước đầu tư cho lưới điện nông thôn là hơn 48 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, việc cung cấp điện cho số hộ còn lại ở nông thôn còn nhiều thách thức. Số vốn đầu tư để đạt được 99% số hộ có điện là khoảng 30.000 tỷ đồng. Do đó, Việt Nam cần sự “chung tay” để đưa điện đến vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Hiện trạng tại trạm điện hạ thế ở Ba Vì (Hà Nội) .
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, trong thời gian tiếp theo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển nguồn năng lượng điện luôn đi trước một bước, đáp ứng cho được mục tiêu đã đề ra. Trong đó chú trọng đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng, an toàn cũng như đảm bảo tính minh bạch của các dự án điện, đặc biệt là lưới điện nông thôn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tận dụng và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, tranh thủ được sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế trong việc phát triển nguồn điện, lưới điện, phấn đấu đạt cho được mục tiêu mỗi ngày sẽ có thêm một xã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Mai Hương (Mai Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.