Ở nơi đầu gió
Nếu bận bộ quần áo cho lam lũ một tí rồi nói tiếng Ba Na, người không biết cứ đinh ninh ông Lê Hữu Thọ là người Ba Na thật vì ông rất am tường phong tục tập quán của đồng bào… Hỏi làm sao có được cái vốn quý ấy, ông cười: “Thì từ hồi còn nhỏ, tôi đã sống với đồng bào rồi mà…”
Ông Lê Hữu Thọ (phải) trong vườn hồ tiêu của gia đình mình. Ảnh: Ngọc Tấn
Ông Lê Hữu Thọ quê gốc ở Phù Mỹ (Bình Định). Vì là gia đình cách mạng, từ năm 1962 gia đình ông đã phải lánh lên Gia Lai để tránh sự khủng bố của địch. Cha và hai anh trai tham gia cách mạng rồi hy sinh (sau này mẹ ông được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) hoàn cảnh khó khăn nên dù học tới lớp 11 tại trường nuôi dạy con liệt sĩ, ông phải bỏ dở để gây dựng kinh tế gia đình. Mãi tới năm 2006, ông mới có điều kiện tham gia công tác xã hội, bắt đầu là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã H’ra rồi khi Đăk Taley được chia tách thì làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Taley cho đến bây giờ…
Vốn là “hai anh em sinh đôi”, hai xã H’ra và Đăk Taley cùng có chung đặc điểm: Cư dân đã số là đồng bào dân tộc Ba Na, nhận thức hạn chế và đều là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự… Năm 2004 với sự giật dây của các phần tử Fulro lưu vong, H’ra đã trở thành một trong những “điểm nóng” – nhất là hai làng Kon Ch’ră và Ch’rơng 2. Hàng chục người đã kéo lên xã gây rối. Cán bộ thôn bị vô hiệu hóa. Sau khi âm mưu gây bạo loạn thất bại, từ năm 2005 qua sự móc nối của những Byưk, Dinh, Dơng… cơn lốc đen của tà đạo Hà Mòn lại quét đến vùng đất này… Mớ giáo lý cóp nhặt phi nhân bản, hướng con người tới sự khổ hạnh vô nghĩa, tà đạo Hà Mòn vốn phản động, qua các phần tử Fulro kích động đã trở thành một thứ tà giáo cuồng tín để chống đối chính quyền…. Bóc gỡ triệt để tà đạo này được dự liệu sẽ là một cuộc đấu tranh cam go.
Thế nhưng từ năm 2006 khi chia tách xã thì tình hình đã khác. Đăk Taley lại trở thành xã vững mạnh về an ninh trật tự. Đặc biệt là tà đạo Hà Mòn đã không thể xâm nhập nổi qua “làn ranh đỏ”. Phong trào thi đua sản xuất giỏi diễn ra sôi nổi. Những “điểm nóng” mà nổi bật là làng Ch’rơng 2 lại trở thành điểm sáng về an ninh, kinh tế phát triển nhất xã… Người ta bảo: Đăk Taley được vậy là nhờ khối đoàn thể của xã rất mạnh mà Hội Nông dân là một trong những đơn vị nổi bật…
Dân tin, khó mấy cũng thành
Lê Hữu Thọ kể rằng ông đã rất nhiều lần “nằm làng”. Thời điểm tà đạo Hà Mòn nổi lên căng thẳng, ông cùng các cán bộ hội còn phải nằm làng tới một tháng rưỡi để vận động bà con. “Nằm làng thời điểm nóng, anh không ngại kẻ xấu sao?”- tôi hỏi. Ông cười: “Nằm làng còn an toàn hơn ngoài trụ sở bởi dân đều tin và hiểu chúng tôi”. Tất nhiên để dân tin và nghe, cán bộ hội phải đến với họ bằng cả cái tâm của mình.
Cùng với ông Lê Hữu Thọ là ông Đặng Thế Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, tuy không thạo nhưng cũng là người biết tiếng Ba Na. “Ê kíp” này đã rất tâm đầu ý hợp trong các phương pháp vận động đồng bào. Họ sẵn sàng tới mọi cuộc vui; ăn được những món mà người không quen không thể nào ăn được; cùng chia sẻ chân thành mọi nỗi buồn của đồng bào…
Một lần vừa sáng tinh sương, ông Dũng mới vào làng đã thấy một thiếu niên bước đi xiêu vẹo, rồi bất ngờ cậu ta lao đầu xuống vũng bùn. Trong khi mọi người đứng nhìn thì ông Dũng không nề hà chạy tới bế xốc cậu ta lên đưa tới giọt nước rửa ráy. Cứ ngỡ cậu ta say rượu, sau mới biết cậu này bị thần kinh nên dân làng e ngại… Lại một lần khác mưa tầm tã như đổ nước, đang giữa đêm bỗng có người chạy tới báo tin làng đang có người ốm nặng. Không nề hà, ông Dũng lấy ngay xe máy chạy tới. Đoán là cô gái bị ngộ độc thức ăn, ông Dũng quyết định chở cô lên bệnh viện huyện. Cảm động quá, mẹ cô gái đã khóc…
Từ những việc làm ân tình ấy, niềm thương quý trong lòng đồng bào với họ cứ mỗi ngày mỗi đầy lên. Tất nhiên từ lòng tin đến việc làm còn phải cậy đến nghệ thuật vận động… Hiệu quả của công tác vận động và vai trò của Hội trong quần chúng đã được chính quyền ghi nhận là đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015.
Nhớ ngày mới chia tách xã, hội viên chỉ vỏn vẹn có 57 người thì nay xã Đăk Taley đã có tới 540 người; hộ nghèo từ tỷ lệ 50% nay chỉ còn khoảng 15%. Không chỉ góp phần tạo nên sự đổi thay có ý nghĩa cơ bản về đời sống vật chất, sức đề kháng với những mưu đồ của kẻ xấu, nhận thức xã hội của người nông dân cũng đã được nâng tầm… Một thí dụ về ý thức công dân của hội viên vẫn được nhắc tới là ông Bươm ở làng Ch’rơng 2. Dù bời lời đã cho thu nhập, ông vẫn không ngần ngại hiến cả 2.500m2 đất cho xã làm đường… Hay như ông Tút, vì nghe lời kẻ xấu sa chân vào “Tin lành Đêga” rồi tham gia biểu tình gây rối, bị phạt quản chế 3 năm, nhờ Hội giúp đỡ đã quyết tâm đoạn tuyệt với lỗi lầm, trở thành người làm ăn khá của làng…
Ông Lê Hữu Thọ còn là một trong những tay trồng hồ tiêu cự phách ở Đăk Taley. Dù bận công tác hội, năm 2014 gia đình ông vẫn đạt thu nhập 800 triệu đồng… “Làm cán bộ hội mà nghèo thì nói hội viên chẳng ai nghe đâu – ông Thọ bảo. “Tiêu chuẩn” này ở đâu đó có thể chỉ là “cần” nhưng ở đây thì phải có. Mọi lời nói phải chứng minh từ chính bản thân anh. Ứng xử với chất người thuần phác, đôn hậu của đồng bào, dễ đấy mà cũng vô cùng khó khăn là vậy…
Trong Ban chấp hành Hội Nông dân xã Đăk Taley, dù mỗi người được phân công phụ trách mỗi cụm và những “đối tượng phức tạp” cũng giao từng người nhưng không cố định mà thay phiên “vận động chéo” để tránh sự nhàm chán cho người nghe…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.