Cán bộ “ngại” quy hoạch về Quốc hội: Trưởng ban Tổ chức T.Ư nói gì?

Lương Kết Thứ ba, ngày 29/10/2019 14:27 PM (GMT+7)
Sáng nay (29/10), tại phiên thảo luận ở tổ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có phát biểu về công tác liên quan đến tổ chức.
Bình luận 0

img

Ông Phạm Minh Chính (ảnh N.Y).

Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ để cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của TP. Hà Nội.

Phát biểu tại tổ Quảng Ninh, Cà Mau, Đắk Lắk, ông Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta bàn đến tổ chức bộ máy, đây luôn là vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn, bàn đi bàn lại rất nhiều lần.

“Qua quá trình thực hiện thì quy luật rất rõ, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì bộ máy tổ chức thay đổi, rồi cơ cấu, cán bộ, năng lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng tình hình”, ông Chính nói.

Tinh thần chung thì Nghị quyết của Trung ương thể hiện quan điểm rất rõ là xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nói cụ thể về dự thảo Luật, ông Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương của Đảng là tăng ĐBQH chuyên trách. “Để đảm bảo chủ trương chúng ta cần có cơ chế cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo khi xây dựng phương án nhân sự. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ thì các cấp ủy Đảng phải có trách nhiệm, phải đảm bảo được ít nhất 35% ĐBQH chuyên trách”, ông Chính nói.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cần nghiên cứu theo hướng nâng cấp 2 ban là Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện (2 Ban này hiện nay thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Đối với Ban Công tác đại biểu, đây là cơ quan lo toan không chỉ tiêu chuẩn, điều kiện quy trình bầu đại biểu mà lo cả cơ chế chính sách và các khâu trong công tác cán bộ.

“Ban Công tác đại biểu làm tốt sẽ có đại biểu tốt, tất nhiên còn cả hệ thống chính trị, nhưng Ban phải lo để có đại biểu đủ năng lực, phẩm chất, uy tín và điều kiện khả năng hoàn thành nhiệm vụ đại biểu. Nhiệm vụ này rất lớn, liên quan đến con người nên rất nhạy cảm và phức tạp. Nên chăng trao cho Ban nhiệm vụ, thẩm quyền ngang với nhiệm vụ hiện nay hay không, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu”, ông Chính nói.

Làm sao xây dựng chức năng nhiệm vụ quyền hạn ngang tầm, ban Công tác đại biểu làm tốt sẽ có đại biểu tốt. Anh phải lo đại biểu làm sao có năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, đủ điều kiện, khả năng đáp ứng nhiệm vụ của đại biểu. Nhiệm vụ này lớn lắm, vì cán bộ là con người, rất nhạy cảm, phức tạp. Nên chăng trao cho nó chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ngang tầm hiện nay. Nên nghiên cứu theo hướng như vậy, đặt ra trong tình hình hiện nay phải coi trọng công tác đại biểu.

Đối với Ban Dân nguyện, theo ông Chính nên nghiên cứu tăng đại biểu chuyên trách theo hướng các đại biểu sau khi hết tuổi làm công tác quản lý ở Quốc hội mà họ có kinh nghiệm, uy tín, đủ sức khỏe, có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến thì nên xây dựng cơ chế để các đại biểu này ứng cử tham gia làm đại biểu chuyên trách.

Một trong những nội dung từng được một số ĐBQH nêu ra là chuyện cán bộ thường “ngại” khi được quy hoạch về Quốc hội. Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là phải chấp hành, chứ cán bộ bảo phân về Quốc hội mà không đi thì cũng không được.

Về việc cán bộ "ngại" khi được quy hoạch về Quốc hội, đây là vấn đề được Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Trần Văn Quý nêu ra. Ông Quý cho biết, có Vụ trưởng thuộc khối các bộ, ngành được quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách và có thể quy hoạch là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội nhưng vẫn không phấn khởi, “nằng nặc” xin ở lại.

“Với các nước phát triển khi người ta đã được bầu là nghị sĩ chuyên nghiệp, ĐB chuyên trách, người ta thấy rất vinh dự, hăng say gắn bó lâu dài. Nhưng chúng ta không đạt được điều như vậy. Rất nhiều đồng chí làm ĐBQH chuyên trách, kể cả Trung ương, địa phương đều mong muốn mình được chuyển sang vị trí công tác khác”, ĐB Quý nói.

Ông đề nghị, cần phải suy nghĩ để xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội cho tốt, để những người được quy hoạch là ĐBQH, nhất là hoạt động chuyên trách nhiệt tình hơn, tâm huyết gắn bó hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem