Cán bộ tín dụng vượt khó đến với nông dân

Thứ sáu, ngày 30/09/2011 14:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở vùng đất "thừa sông thiếu đường" nơi cuối đất Cà Mau, cán bộ tín dụng không biết bơi, không biết sử dụng đủ loại phương tiện đường thủy thì chỉ có nước... nghe dân mắng. Vượt qua nhiều khó khăn, họ đã đưa đồng vốn đến với nông dân.
Bình luận 0

Những tài công bất đắc dĩ

Mấy năm trước, trong một lần về huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) công tác, Tổng Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Việt Nam thấy nhà xe của một chi nhánh cấp huyện chỉ có lèo tèo vài chiếc xe gắn máy. Xem đồng hồ thấy đã tới giờ làm việc, ông định kêu giám đốc chi nhánh ra để "sạc" cho một trận thì nhìn thấy dưới bến sông, các "phương tiện cá nhân" của nhân viên buộc xếp lớp, xuồng gỗ có, vỏ lãi composite có, ghe tam bản cũng có với đủ màu sắc, kích thước.

img
Cán bộ tín dụng Cà Mau đi công tác cơ sở.

Hỏi mới biết đây là phương tiện mọi người tự trang bị, có chi dùng nấy nên hình thức bề ngoài hết sức lộn xộn. Sau khi nghe địa phương báo cáo, Ngân hàng NNPTNT Việt Nam quyết định chi tiền để Chi nhánh Cà Mau trang bị đồng bộ "phương tiện làm việc" như vỏ lãi, ca nô cao tốc...

Các nhân viên tín dụng được "lệnh" phải đăng ký học ngay chứng chỉ Luật Giao thông đường thuỷ. Muốn lái ca nô, các cán bộ tín dụng phải học để lấy bằng thuyền trưởng hạng 3 và máy trưởng hạng 3. Ngay sau đó, 12 cán bộ tín dụng ở Chi nhánh Ngọc Hiển được phát 12 chiếc vỏ lãi để đi xuống dân. Các chi nhánh khác cũng lần lượt được cấp loại phương tiện này.

Ở Cà Mau, nhiều người dân gọi ông Trần Trường Hận - Giám đốc Ngân NNPTNT Chi nhánh huyện Ngọc Hiển là "tay lái lụa đường sông". Ông Hận nổi tiếng bởi khả năng điều khiển các phương tiện cao tốc đường thuỷ từ vỏ lãi tới ca nô lướt trên sông với tốc độ không ai theo kịp.

"Dù lái tốc độ cao, nhưng ông Hận luôn để ý các ghe xuồng chở khẳm, nếu thấy các phương tiện này đi gần, ông sẽ lách ra, còn nếu sông hẹp, ông sẽ giảm tốc độ để không tạo sóng lớn gây nguy hiểm cho phương tiện khác nên tụi tui khoái lắm - ông Ba Hải, một người dân mà chúng tôi gặp ở chợ Đất Mũi nói.

"Nông dân" thứ thiệt

Dẫn chúng tôi đi thăm vuông tôm chuẩn bị thu hoạch, nông dân Nguyễn Văn Lãm (ấp Đường Cày, xã Phú Tân, huyện Phú Tân) cười tươi roi rói: "Lâu nay gia đình tui khoái nuôi tôm quảng canh vì chi phí đầu tư thấp. Có điều mấy năm nay thời tiết thay đổi, thức ăn tự nhiên cũng giảm sút nên thu nhập không đủ sống. May nhờ có anh Nghĩa (Trần Thanh Nghĩa, phụ trách tín dụng xã Phú Tân - PV) ghé gợi ý cho tui nuôi tôm công nghiệp. Mới trúng có 2 vụ mà tui đã trả cả lãi lẫn vốn cho ngân hàng rồi".

Theo ông Lý Nam Hải, doanh số cho vay ở Cà Mau từ khi áp dụng Nghị định 41 là 4288 tỷ đồng. Trong số này, cho vay theo Nghị định 41 là 2453 tỷ đồng - chủ yếu là hộ gia đình vay làm kinh tế. Các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn cũng vay theo Nghị định 41 nhưng số vay không đáng kể.

Theo nhiều nông dân, cán bộ ngân hàng có lẽ "sợ" dân làm ăn thua lỗ nên thường "bám" rất kỹ các mô hình làm ăn và học kinh nghiệm người này, bày vẽ lại cho người khác. "Mấy ổng cũng lăn lóc, ăn dầm nằm dề cùng với tụi tui, chẳng khác gì nông dân thứ thiệt" - ông Lâm Quang Triều - Trưởng ấp Đường Cày nói.

Vừa làm tín dụng, vừa có "kỹ năng" của nông dân, cán bộ tín dụng ở tỉnh cuối cùng trên dãy đất hình chữ S phải biết sửa chữa máy móc (chủ yếu là máy tàu, ghe) như thợ chuyên nghiệp.

Nói về những nhân viên của mình, ông Lý Nam Hải - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh Cà Mau cười vui: "Mình mà không hòa đồng thì dân không chịu làm ăn với mình đâu. Bây giờ đỡ nhiều rồi, chứ hồi trước dân còn đè mấy anh tín dụng ra bắt uống rượu mới chịu trả tiền đó. Giờ kinh tế khá giả, ai cũng lo làm ăn nên nhậu cũng giảm hẳn"…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem