Dự án hồ chứa nước Sông Than hơn 1.000 tỷ đồng ở Ninh Thuận vì sao chậm tiến độ?
Dự án hồ chứa nước Sông Than hơn 1.000 tỷ đồng ở Ninh Thuận vì sao chậm tiến độ?
Đức Cường
Thứ năm, ngày 04/01/2024 14:00 PM (GMT+7)
Dự án hồ chứa nước Sông Than là công trình trọng điểm nhằm “giải khát” cho khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm khởi công xây dựng đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành, nhiều lần chậm tiến độ so với kế hoạch.
Ngày 4/1, thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư dự án) cho biết, hồ Sông Than, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) có dung tích thiết kế chứa hơn 85 triệu m3 nước.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn trung ương và địa phương.
Dự án đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (giai đoạn thi công xây lắp) với 13 gói thầu. Dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Tuy nhiên đến cuối tháng 12/2023, dự án này vẫn chưa hoàn thành (mới đạt 89% khối lượng thi công).
Theo ghi nhận của PV Dân Việt sáng 4/1, công trình hồ Sông Than đã thi công hoàn thành một số hạng mục đập đất. Tuy nhiên, phần đập chính bằng bê tông vẫn chưa hoàn thành.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, có nhiều nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ.
Trong đó, có việc chuyển đổi mục đích rừng và sự yếu kém về năng thực hiện của các nhà thầu thi công dự án này.
Thông tin với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Thịnh – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận (ban quản lý dự án) cho biết, trong quá trình triển khai thi công xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi đất lâm nghiệp (dự án có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn trên 50ha thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội). Đến ngày 17/11/2020 Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.
Trên cơ sở đó, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận mới tiến hành các bước tiếp theo để ban hành quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng, Thủ tướng Chính phủ có văn bản (số 682/TTg-NN ngày 26/7/2023) chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 112,21ha đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Chủ đầu tư đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục chuyển đổi đất rừng và giao đất.
Ngoài ra, việc dự án thi công trong thời gian diễn ra dịch Covid 19 và ảnh hưởng thời tiết đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, giá vật liệu, nhiên liệu, nhân công tăng cao nhất gây khó khăn cho công tác thi công.
Chấm dứt nhà thầu thi công yếu kém
Trả lời PV Dân Việt bằng văn bản, ông Nguyễn Ngọc Thịnh – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị thi công còn chủ quan, chưa lường hết những tình huống phát sinh khó khăn trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó là địa tầng tại các mô vật liệu khi khai thác thực tế có sự biến thiên rất lớn về chiều dày và tính chất cơ lý nên trữ lượng mô vật liệu đất để đắp đập có thời điểm còn thiếu.
Sau khi điều chỉnh dự án, gia hạn hợp đồng, nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đức An thực hiện gói thầu đã không còn năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện hoàn thành hợp đồng mặc dù Ban quản lý dự án đôn đốc và UBND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thông báo cuộc họp nhưng nhà thầu không thể tiếp tục thực hiện. Do đó các bên đã thống nhất chấm dứt hợp đồng thi công.
Ngoài ra, nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi gặp khó khăn về tài chính, không đẩy nhanh tiến độ thực hiện như đã cam kết.
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận, hiện chủ đầu tư đang tích cực đôn đốc các đơn vị thi công liên quan để sớm hoàn thành...
Hồ chứa nước Sông Than ở Ninh Thuận gồm các hạng mục chính như: Đập đất nhánh phải với chiều dài đỉnh đập hơn 1.000m, cao trình đỉnh đập hơn 140m; đập bê-tông trọng lực nhánh trái với chiều dài đập hơn 300m, cao trình đỉnh đập hơn 140m; hai đập phụ có chiều dài đỉnh đập hơn 400m, cao trình định đập hơn 280m…
Dự kiến, khi hoàn thành và đi vào hoạt động dự án sẽ cung cấp nước sản xuất ổn định cho 4.500ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 nghìn hộ dân, đồng thời điều tiết nước, phục vụ nhu cầu tưới, sản xuất, sinh hoạt cho nhiều xã thuộc khu vực phía nam tỉnh Ninh Thuận để khắc phục và ứng phó với tình trạng khô hạn hằng năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.