Cận cảnh ngôi làng trồng mùi già những ngày giáp Tết ở Hà Nội

Kiều Anh - Thùy Anh Thứ tư, ngày 07/02/2024 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày cận Tết, làng Hoạch An (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật vào vụ thu hoạch mùi già, phục vụ nhu cầu tắm nước lá mùi đón năm mới của người dân. Dù công đoạn gieo trồng phức tạp "như chăm đứa trẻ con" nhưng người dân làng Hoạch An vẫn đang từng ngày gìn giữ phong tục cha ông để lại.
Bình luận 0

Làng mùi già Hoạch An: Tất bật vào vụ thu hoạch, phục vụ nhu cầu tắm nước lá mùi già dịp Tết của người dân. Clip: Kiều Anh

Tắm mùi già ngày Tết: Xua tan bụi bẩn, tẩy uế để đón chào năm mới

Tới làng Hoạch An (Thanh Oai, Hà Nội) vào những ngày cuối năm, không khó để bắt gặp hình ảnh người nông dân đang khom lưng nhổ lá mùi già dưới những thửa ruộng thênh thang, bàn tay thoăn thoắt đan thành từng bó nhỏ rồi lại hối hả chất chồng lên xe chở ra chợ bán cho kịp trước Tết. Từ nhiều năm nay, làng Hoạch An vẫn luôn được biết đến là vựa mùi già lớn nhất chuyên cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.

"Làng tôi là làng truyền thống trồng cây mùi già, từ khi tôi ra đời là các cụ đã làm rồi. Khắp các nơi đều dùng lá mùi và bao nhiêu lâu nay người ta vẫn dùng. Mỗi nhà người ta chỉ cần mua một bó mùi to thôi là sử dụng được cho cả nhà trong dịp Tết, rất là tiện, nó đã trở thành một phong tục văn hóa rồi.", bà Lê Thị Liên, một người dân trồng cây mùi già ở làng Hoạch An chia sẻ.

Trong quan niệm dân gian, việc tắm nước lá mùi già giúp cơ thể sạch sẽ, "thanh tẩy" tâm hồn và gột rửa những điều muộn phiền hay xui xẻo của năm cũ để chào đón một năm mới nhiều may mắn, bình an.

Tắm nước lá mùi già giúp cơ thể sạch sẽ, gột rửa những điều muộn phiền hay xui xẻo của năm cũ. Ảnh: Kiều Anh

Tắm nước lá mùi già giúp cơ thể sạch sẽ, gột rửa những điều muộn phiền hay xui xẻo của năm cũ. Ảnh: Kiều Anh

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Viết Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho biết gia đình vẫn giữ phong tục tắm nước lá mùi vào chiều 30 Tết. "Ngày Tết mà được tắm nước lá mùi thì cảm thấy rất thoải mái, nhẹ nhàng. Mùi hương dễ chịu cũng giúp cho mình có giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn".

Theo người dân tại làng Hoạch An, cây mùi già còn mang lại nhiều công dụng giá trị khác. Thoăn thoắt bó mùi già để chuẩn bị đem ra chợ bán, chị Lê Thị Nết (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: "Nếu nhà có người ốm thì đem mùi già đun nồi nước xông, khi tắm cảm thấy rất khỏe luôn. Nếu tâm trạng không tốt mà ngửi thấy mùi này cũng thấy dễ chịu hẳn."

"Người ta cứ hay bảo nhau rằng mua bó mùi già về đun vào chiều 30, sáng ngày mùng 1 Tết xua đuổi được hết các vận xui, đón năm mới. Nhiều người thì xông rửa mặt xong rồi lên chùa. Tắm gội, lau dọn bàn thờ, lau chùi bát hương,... đều sử dụng lá mùi này luôn. Mình cứ đun nóng lên cho nó bốc ra cái mùi hương của nó ấy, thơm nức nhà lên.", chị Nết cho biết thêm.

Người dân làng Hoạch An thoăn thoắt bó mùi già để chuẩn bị đem ra chợ bán. Ảnh: Kiều Anh

Người dân làng Hoạch An thoăn thoắt bó mùi già để chuẩn bị đem ra chợ bán. Ảnh: Kiều Anh

Hiện nay, một số doanh nghiệp còn đặt mua số lượng lớn mùi già để phục vụ sản xuất tinh dầu mùi bán ra thị trường.

Trồng mùi già "như chăm một đứa trẻ con"

Quá trình gieo trồng và thu hoạch mùi già đầy rẫy phức tạp nhưng người dân làng Hoạch An vẫn ngày đêm miệt mài "bám trụ" lấy nghề truyền thống mà ông cha đã để lại, không chỉ lưu giữ nét văn hóa lâu đời mà còn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.

Điều độ trồng mùi già đem bán đã hơn hai chục năm nay, ông Lê Văn Bờ (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ với Dân Việt: "Nhà tôi gieo mùi già từ tháng 9. Chăm sóc kỹ lưỡng rồi đến 24 tháng Chạp thì bắt đầu vào thu hoạch. Sau đó ngày 25 đem bán đến tận chiều 30 Tết. Mỗi ngày nhổ 1 luống. Năm nay nhà tôi trồng hơn 1 sào mùi già, mọi năm tầm độ 3 - 4 sào. Nhân lực hạn chế nên mình thu hẹp diện tích lại."

Lá mùi già còn được sử dụng để bao sái bát hương, dọn bàn thờ, phòng bếp. Ảnh: Kiều Anh

Lá mùi già còn được sử dụng để bao sái bát hương, dọn bàn thờ, phòng bếp. Ảnh: Kiều Anh

Từng công đoạn để có được những bó mùi già bán ra chợ vào những ngày cận Tết đòi hỏi người nông dân phải kiên trì và tỉ mỉ. "Công đoạn gieo rất vất vả, mình phải đi vơ lá, cắt tỉa, sau đấy thu hoạch thì mình nhổ rồi đem bó. Bó các bó nhỏ xong thì kẹp mười bó lại thành một bó to bằng lạt tre hoặc rơm khô. Làm cái này thì rất phức tạp, như là chăm một đứa trẻ con. Ngồi lẩn mẩn thế này rồi tối lại về bó thành chục thành trăm, rồi ra chợ lại tách nếu khách họ muốn", ông Bờ cho biết thêm.

Trồng mùi già phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nay nhiều đợt mưa lớn cùng với lạnh rét nên ruộng mùi già bị ảnh hưởng, còn lại số ít hoa, quả đẹp. Mùi già nấu nước tắm vào chiều 30 Tết phải là loại mùi đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía, khi đun lên có mùi thơm đặc trưng.

Theo tìm hiểu của PV, sức mua mùi già năm nay không có nhiều biến động so với mọi năm. Trung bình giá của một bó mùi già to dao động từ 70.000 – 120.000 đồng/bó, tùy thuộc vào độ đẹp của hoa và quả. Thời điểm nhiều người chọn mua mùi già nhiều nhất là vào ngày 28, 29 Tết.

Ngửi hương lá mùi là cảm nhận được không khí của ngày Tết. Ảnh: Kiều Anh

Ngửi hương lá mùi là cảm nhận được không khí của ngày Tết. Ảnh: Kiều Anh

Chia sẻ với Dân Việt về lượng khách mua năm nay, bà Nguyễn Thị Biểu, một người dân trồng cây mùi già ở làng Hoạch An cho hay: "Khách mua thì vẫn như mọi năm. Có người người ta mua rất nhiều hàng ôm luôn, người ta về để dành rồi ra Tết lại dùng. Bởi vì nhà tôi chỉ làm vào đúng dịp Tết Nguyên đán, sử dụng chỉ trong khoảng độ chục ngày thu hoạch thôi."

Vừa chồng từng bó mùi lên xe, ông Lê Văn Bờ vừa tâm sự: "Làm cái này nhiều công đoạn, bao nhiêu nhà muốn nói là bỏ nhưng có bỏ được đâu, chỉ có cái là trồng nhiều hay ít thôi. Đất này chúng tôi cũng giữ để lại cho các con, nên tôi vẫn có mong muốn là các con sẽ tiếp tục trồng và thu hoạch, để nối dài cái phong tục tắm lá mùi vào ngày Tết. Năm nào nhà tôi cũng làm thì các cháu nó bó thành thói quen rồi. Các cháu cũng đem ra chợ bán."

Suốt nhiều năm giữ phong tục tắm lá mùi vào chiều 30 Tết, chị Phan Thị Ngà (Thanh Oai, Hà Nội) xúc động nói: "Bản thân tôi khi ngửi thấy cái hương thơm của lá mùi này thì biết ngay là Tết đã về rồi. Chỉ có ngày Tết mới có lá mùi già này thôi chứ nhiều khi có tiền muốn mua cũng chẳng mua được."

Người dân làng Hoạch An vẫn ngày đêm miệt mài “bám trụ” lấy nghề truyền thống mà ông cha đã để lại. Ảnh: Kiều Anh

Người dân làng Hoạch An vẫn ngày đêm miệt mài “bám trụ” lấy nghề truyền thống mà ông cha đã để lại. Ảnh: Kiều Anh

"Ngoài việc đun nước tắm tôi còn giặt khăn với nước lá mùi để bao sái bát hương, dọn bàn thờ, phòng bếp. Mọi năm tôi cũng dùng mùi già để cắm trong lọ trang trí trong không gian ngôi nhà vào dịp Tết, bên cạnh cây đào, cây mai. Cái mùi hương nó tỏa ra thơm nức mũi, cảm nhận trọn vẹn không khí Tết về.", chị Ngà cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem