Cận cảnh đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành trên đường phố Hạ Long

Bùi My Thứ sáu, ngày 29/04/2022 10:20 AM (GMT+7)
Đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành qua nhiều tuyến phố trung tâm TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Bình luận 0

Nằm trong cụm di tích núi Bài Thơ đã được xếp hạng Di tích lịch sử, danh thắng quốc gia, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (khu vực Bến Đoan, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.

Đền thờ được xây dựng từ cuối thế kỷ 13, để ghi nhớ công lao của Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và đã qua nhiều lần trùng tu.

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn  - Ảnh 1.

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2022 được tổ chức trong 2 ngày 28/4 và 29/4. Ảnh: Bùi My

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn  - Ảnh 2.

Trong ngày đầu tiên của lễ hội, tại đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đã diễn ra các nghi lễ truyền thống. Ảnh: Bùi My

Trong thời gian chiến tranh, ngôi đền bị xuống cấp, các hoạt động văn hóa tâm linh tại đền cũng bị ngưng trệ.

Từ năm 2008, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30/4 hằng năm, gắn với Lễ hội Du lịch Hạ Long. Tuy nhiên. từ năm 2015, lễ hội được tổ chức 2 năm/lần (năm chẵn). 

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn  - Ảnh 3.

Tuần tế của đội tế nữ phường Hồng Gai, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Sau hai năm phòng, chống dịch Covid-19, năm 2022, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức trong 2 ngày 28/4 và 29/4 (tức 28/3 và 29/3 năm Nhâm Dần), nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa Tuần lễ du lịch Hạ Long 2022.

Trong ngày đầu tiên của lễ hội (ngày 28/4), tại đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đã diễn ra các nghi lễ truyền thống: Khoa cúng Trần Triều, lễ mục dục, lễ Bạch Văn khai hội, tuần tế của đội tế nam, đội tế nữ…

Trong các hoạt động của lễ hội Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, lễ rước Đức Ông vi hành diễn ra trong ngày thứ hai luôn là nghi thức thu hút đông đảo người dân, du khách gần xa chiêm bái.

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn  - Ảnh 5.

Bà Phạm Thị Vuốt tham đánh trống trong tuần tế của lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: Bùi My

Đúng 7 giờ 25 ngày 29/4, sau khi Chủ tế phát lệnh khởi kiệu, đoàn rước Đức Ông vi hành chính thức bắt đầu.

Lễ rước bắt đầu từ Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn ra đường Lê Thánh Tông, đến chùa Long Tiên, đi qua Lê Quý Đôn, ra đường Lê Thánh Tông đi đến cột đồng hồ rẽ phải ra Vincom, đến Vincom rẽ phải ra đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, qua cầu Bài Thơ, rẽ phải vào đường Bến Đoan và sau đó hồi Cung.

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 14.

Sau lễ xin khai hội, các đại biểu dâng hương trước đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: Bùi My

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 15.

Sau phát lệnh, đội hộ giá gồm 4 người bắt đầu rời khỏi đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: Bùi My

Ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều người dân theo chân đoàn rước hoặc tràn ra ngoài đường chờ đoàn rước Đức ông Trần Quốc Nghiễn đi qua. Nhiều người dân tranh thủ chen vào đoàn rước, bỏ tiền vào kiệu.

Cận cảnh đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành trên đường phố Hạ Long  - Ảnh 7.

Nhiều gia đình bày mâm lễ, chờ đoàn rước Đức Ông vi hành đi qua. Ảnh: Bùi My

Ngoài ra, nhiều gia đình trên đường đoàn rước Đức Ông vi hành đi qua còn bày mâm lễ.

"Hôm nay là ngày lễ rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, cứ hai năm một lần. Mỗi năm có lễ rước, gia đình cô đều đón các Ngài đi qua đây, cầu mong các Ngài phù hộ cho nhân dân bình an, mọi người mạnh khỏe. Gia đình làm mâm lễ ra đây để tượng trưng cho tâm thành của mình, tưởng nhớ các vị anh hùng," cô Diệu Đức (phường Hồng Gai, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ.

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 19.

Múa rồng, lân, sư dẫn đầu đoàn rước Đức Ông vi hành. Ảnh: Bùi My

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 20.

Đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành đi qua các tuyến phố trung tâm của TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 21.

Lực lượng chức năng của các phường và TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tham gia đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội. Ảnh: Bùi My

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 22.

Người dân tranh thủ bỏ tiền vào kiệu rước. Ảnh: Bùi My

Năm nay, lễ rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành có khoảng 30 đội rước với sự tham gia của gần nghìn người như: Đội rước kiệu Hương án, kiệu Long Đình, Kiệu võng, đội múa sinh tiền nam, nữ, đội hộ giá, đội kiếm lệnh, đội nhạc lễ, đội rước cờ vía, cờ lệnh, cờ thần, đội vác chấp kích, đội múa rồng, lân, đại diện các trường học, đại diện các khu phố...

Trong hành trình rước trên đường, lực lượng bảo vệ triển khai dọc 2 bên đường, phân công bảo vệ theo từng tốp, bố trí lực lượng đi theo các kiệu để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho đoàn rước

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 25.

Đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành kéo dài khoảng 500m. Ảnh: Bùi My

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 26.

Lễ rước Đức Ông vi hành với sự tham gia của hàng ngàn người là các đạo tràng trên địa bàn thành phố, đại diện các đoàn thể, khu phố của phường... Ảnh: Bùi My

Ngàn người chen chân theo đoàn rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 27.

Lễ rước bắt đầu từ Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn ra đường Lê Thánh Tông, đến chùa Long Tiên... ra đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, qua cầu Bài Thơ và sau đó hồi Cung. Ảnh: Bùi My

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, xây dựng lòng tự hào về quê hương trong mỗi người dân Hạ Long, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, văn hóa của cụm di tích núi Bài Thơ.

Ngoài ra, lễ hội không chỉ là sự kiện văn hóa tín ngưỡng mà cũng là cơ hội quảng bá du lịch địa phương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem