Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sau hơn 1 tuần chờ đợi, đến chiều nay, chiếc tàu du lịch bị chìm đầu tiên tại cảng Quốc tế Tuần Châu mới được tiến hành trục vớt.
Anh NVT chủ một tàu du lịch bị chìm cho biết, anh đã gọi điện khắp nơi "cầu cứu", nhưng không thể thuê được đơn vị trục vớt nào, vì bão lớn khiến nhiều con tàu bị chìm tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
"Đến thời điểm này, chúng tôi đã quá mệt mỏi. Tàu bị chìm lâu quá, máy móc và các trang thiết bị ngâm nước biển lâu hỏng hết, không hoạt động được. Chúng tôi dự kiến sửa chữa 1 tàu như thế này tầm 500 triệu. Nguồn vốn đầu tư tàu, chủ yếu là nguồn vay vốn ngân hàng", anh T cho biết.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, trong số 27 tàu du lịch bị chìm do bão Yagi, có 25 tàu tham quan theo tiếng và 2 tàu lưu trú nghỉ đêm. Trong đó, 23 tàu du lịch neo đậu, tránh trú bão tại Cảng tàu du lịch Quốc tế Tuần Châu bị chìm ngày 7/9.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, các tàu du lịch bị chìm ở cảng Quốc tế Tuần Châu nằm sát nhau tại vị trí cuối cảng. Những tàu du lịch do bị chìm lâu chưa được trục vớt đã chìm gần hết, nước biển mang theo rác tràn vào trong cabin tàu. Áo phao, phao xốp, các vật dụng phục vụ khác du lịch trên tàu cũng theo nước biển trôi ra xung quang tàu.
Khoảng 16 giờ chiều 16/9, tàu trục vớt mang biển số HP-2396, nhãn hiệu Anh Huy 10 bắt đầu tiến hành cho thợ lặn xuống khu vực tàu chìm để buộc cáp. Dự kiến trong ngày 16/9 chỉ có thể trục vớt được 1 tàu. Để trục vớt hết 23 con tàu sẽ phải mất hàng tuần.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, các chủ tàu cho biết, nhìn tài sản hàng tỷ đồng ngâm lâu trong nước rất xót xa, nhưng các đơn vị trục vớt chủ yếu ở Hải Phòng đang rất bận rộn, bởi trong cơn bão số 3, khá nhiều tàu, phương tiện vận tải thủy gặp nạn. Chính vì vậy, giá cả của việc trục vớt cũng "đắt" lên đáng kể.
"Trước đó, đã có một số đơn vị trục vớt chỉ báo giá từ khoảng 30 - 40 triệu đồng/tàu, nhưng "để đó vì việc không xuể". Đến hôm nay, đơn vị trục vớt cũng ở Hải Phòng sang báo giá 100 triệu đồng/tàu, nhưng cũng còn tùy vào tình trạng tàu. Nếu tàu đã bị bục vỏ không thể tự nổi, phải cho lên xà lan chở về nhà máy để phục hồi lại giá sẽ cao hơn", các chủ tàu cho hay.
Ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết, Sở Giao thông Vận tải và Chi hội vẫn đang liên hệ với một số đơn vị ở Hải Phòng, để trục vớt các tàu du lịch tại cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu.
Trước đó, vào ngày 13/9, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đã có công văn số 4912/SGTVT-QLVT&PT về phối hợp cung cấp thông tin tàu bị chìm, đắm do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở này làm đầu mối tổng hợp thông tin tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, xử lý phương tiện chìm, đắm trên đường thủy nội địa theo quy định.
Được biết, trong số 25 tàu du lịch tham quan bị bão số 3 đánh chìm, chỉ có 2 tàu nằm ngoài cảng Tuần Châu đã và đang được trục vớt. Tàu Minh Phát 36 của ông Nguyễn Văn Chung bị chìm tại khu tránh trú bão Trà Báu, Cát Bà đã được thuê trục vớt cách đây vài hôm.
Cùng ngày, tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, sẽ chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn của doanh nghiệp du lịch. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Giao thông vận tải hỗ trợ công tác trục vớt tàu du lịch bị chìm đắm ngay, nhằm đảm bảo hoạt động vận tải ổn định, an toàn.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Quảng Ninh sẽ kiến nghị ngay với Chính phủ các chính sách về ngân hàng, bao gồm khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với các doanh nghiệp thiệt hại; đề nghị giảm giá điện, thuế, bảo hiểm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.