Quảng Ninh: Giá trục vớt tàu du lịch gần trăm triệu đồng, nhưng hơn 20 tàu vẫn ngâm nước biển

Thu Lê Thứ hai, ngày 16/09/2024 15:48 PM (GMT+7)
Đến nay, vẫn còn 22 tàu du lịch bị đắm tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu chưa được trục vớt. Thời gian tàu ngâm nước biển càng lâu càng tăng nguy cơ hỏng hoàn toàn, không thể sửa chữa.
Bình luận 0

Giá trục vớt tàu du lịch Hạ Long cả trăm triệu đồng

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Anh Vũ Đình Khánh - chủ tàu Bến Hải cho hay: "Tôi có 4 tàu du lịch chạy theo tiếng, nhưng 3 tàu (quy mô từ 40 - 48 khách) đã bị đắm tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Hiện cả 3 tàu vẫn chưa thể trục vớt vì không thuê được đơn vị trục vớt. Tàu của chúng tôi đều là tàu gỗ, càng ngâm lâu trong nước thì sợ rằng không sửa chữa được".

Theo ông Trần Văn Hồng - Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, bão Yagi đã nhấn chìm 23 tàu du lịch neo đậu, tránh trú bão tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 tàu du lịch được trục vớt. Chi phí trục vớt là 85 triệu đồng, cộng với lai dắt tàu về nơi sửa chữa )khoảng 12 triệu), tổng chi phí khoảng gần 100 triệu đồng. Chỉ có 2 tàu du lịch nằm ngoài Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu đã được trục vớt với chi phí thấp hơn là khoảng 50 triệu đồng/tàu.

img

Giá trục vớt và lai dắt một con tàu du lịch là gần 100 triệu đồng. Ảnh: Thu Lê


"Hiện rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị trục vớt. Chi hội vẫn đang liên hệ với một số đơn vị ở Hải Phòng sang trục vớt các tàu du lịch ở Tuần Châu. Mới có duy nhất một đơn vị đang thực hiện trục vớt các tàu ở Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Với tần suất 1 tàu/ngày, 22 con tàu còn lại đang ngâm nước biển sẽ phải chờ đợi rất lâu, nguy cơ không thể sửa chữa là rất cao" - ông Hồng thông tin.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, kinh phí để trục vớt tàu ngủ đêm trên vịnh rất lớn. Trong đó, tàu của Công ty TNHH Vận chuyển khách Bài Thơ (24 phòng ngủ) là 1,5 tỷ đồng; tàu của Công ty TNHH Sen Vàng (22 phòng ngủ) là 500 triệu đồng. Hiện, tàu của Công ty Sen Vàng đã trục vớt xong và đang tiến hành sửa chữa.

img

Đến ngày 16/9, vẫn còn 22 con tàu nữa chưa được trục vớt. Ảnh: Thu Lê

Việc chậm trễ trong việc trục vớt tàu du lịch không chỉ tăng mức thiệt hại với các chủ tàu, mà còn gây mất mỹ quan khi vịnh Hạ Long đã bắt đầu đón khách trở lại. Do đó, để tạo ấn tượng tốt cho du khách, việc khắc phục những hậu quả do bão số 3 cần phải được thực hiện nhanh chóng, trong đó có việc trục vớt và sửa chữa các tàu du lịch bị đắm, chìm.

Mong sớm có thể trục vớt tàu du lịch Hạ Long

Chia sẻ với Dân Việt, chị Trâm - chủ tàu du lịch Toàn Thắng 10 vừa được trục vớt hôm qua cho biết: "Từ 5 giờ chiều hôm qua - khi tàu được vớt lên, tôi đã cho bơm liên tục đến tận 3 giờ sáng nay mới hết nước biển để lai dắt về nơi sửa chữa. Chi phí sửa cũng phải từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, tùy tình hình hư hại".

Không chỉ chị Trâm, rất nhiều chủ tàu khác cũng đang đứng ngồi không yên khi tàu vẫn đang ngâm nước biển. Theo ông Nguyễn Đức Triệu, chủ tàu Bài Thơ, để một con tàu tiếng 48 khách sửa chữa được và quay trở lại hoạt động thì nhanh cũng mất cả tháng. Chưa kể, khối lượng tàu cần sửa chữa sau bão tương đối lớn, nên sau khi trục vớt, chưa chắc đã có thể được sửa chữa tàu ngay được.

img

Chị Trâm, Chủ tàu du lịch Toàn Thắng 10 mới được vớt lên chia sẻ về thiệt hại. Ảnh: Thu Lê.

Theo một số chủ tàu, nếu tàu không còn khả năng khôi phục thì phải đóng lại hoàn toàn với kinh phí lên đến 5-7 tỷ đồng/tàu. Còn kinh phí để sửa một tàu du lịch nghỉ đêm lên tới hàng tỷ đồng. Mặt khác, khi tàu bị ngâm dưới biển lâu, nguy cơ máy chính bị hỏng, dẫn đến nhiều hệ luỵ.

Ông Mai Trọng Trường - Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Long Hải cho hay: "Tàu bị chìm, đắm khi sửa chữa sẽ có 3 hạng mục chính gồm: Thân vỏ, hệ động lực và nội thất. Trong đó, với hệ động lực, lo nhất là máy chính, máy phát điện bị hỏng do ngâm nước biển lâu, phải thay mới. Khi thay mới sẽ liên quan đến vấn đề phải làm lại đăng kiểm của tàu. Trong khi tàu mà đang thế chấp, vay vốn ngân hàng thì sẽ rất phức tạp, chưa kể còn liên quan đến thuế. Riêng thời gian để làm lại các thủ tục về đăng kiểm, nhanh cũng mất từ 15-20 ngày".

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tàu Bài thơ 86 cho biết, sau 2 năm tàu không hoạt động thì Giấy chứng nhận phương tiện thủy nội địa sẽ bị huỷ.

"Trong khi tàu đã bị thiệt hại rất nặng và không thể sửa chữa nữa, phải đóng mới. Chúng tôi mới trải qua đợt dịch Covid-19, vừa mới phục hồi thì lại gặp cơn bão này. Không thể xoay xở đâu ra ngay được 7-8 tỷ để đóng tàu mới. Do đó, rất mong cơ quan chức năng giãn và nâng thời hạn lên 4-5 năm để chúng tôi có thể đóng được tàu mới" - ông Hà kiến nghị.

img

Sáng 16/9, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã họp với các chủ tàu và đại diện một số doanh nghiệp để cập nhật về thiệt hại và bàn giải pháp hỗ trợ. Ảnh: Thu Lê.

Ngày 16/9, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về thiệt hại từ các chủ tàu bị thiệt hại do bão số 3; thông tin và lấy ý kiến về dự thảo mức hỗ trợ cho các chủ phương tiện tàu thuyền bị chìm đắm. Tại cuộc họp này, những kiến nghị của các chủ tàu, các doanh nghiệp du lịch một lần nữa được cập nhật và ghi nhận.

Ông Bùi Hồng Minh - Phó Giám đốc Thường trực Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đang tích cực tìm kiếm thêm các đơn vị trục vớt tàu mới để đẩy nhanh tiến độ trục vớt tàu du lịch ở Tuần Châu. Ngoài ra, Sở còn chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ các chủ tàu, doanh nghiệp có tàu bị chìm đắm do bão số 3, với mức hỗ trợ dự kiến từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng/tàu.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh cũng đã kiến nghị với Chính phủ các chính sách về ngân hàng, bao gồm khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với các doanh nghiệp thiệt hại; đề nghị giảm giá điện, thuế, bảo hiểm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem