Cần cơ chế để Hội Nông dân vào cuộc hiệu quả

Thứ ba, ngày 12/03/2013 09:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều quy hoạch sử dụng đất triển khai nhưng không thực hiện được; thời hạn thực hiện quy hoạch quá lâu... Sở dĩ có tình trạng này là do công tác giám sát thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, NTNN đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN.

Thưa ông, từ trước tới nay, hoạt động giám sát, trong đó có giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai của Hội NDVN được thực hiện như thế nào?

- Trước khi Luật Đất đai 2003 ban hành, hoạt động giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, ND chủ yếu vẫn dựa vào việc thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khiếu nại, tố cáo của hội viên, ND những năm qua vẫn tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực đất đai. Qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 (2001-2011) cho thấy, Hội đã làm được nhiều việc, trong đó đáng chú ý nhất là tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Đất đai tới đông đảo hội viên, ND; vận động hội viên, ND thực hiện đúng quy định của pháp luật; hòa giải được hàng ngàn vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ ND, tránh phát sinh thành các vụ việc phức tạp, kéo dài. Qua thực hiện Chỉ thị 26, vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội ND, năng lực của cán bộ hội trong hoạt động giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, ND được nâng lên.

img
TS Nguyễn Duy Lượng (giữa) tìm hiểu vụ việc liên quan đến đất đai của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng) tháng 2.2012.

Tại Điều 8 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “MTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận và công dân có quyền hạn và trách nhiệm giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai”. Luật quy định như vậy, nhưng thực tế, việc phát huy được quyền hạn và trách nhiệm của MTTQ và các thành viên Mặt trận trong giám sát việc quản lý, sử dụng đất chưa thể hiện rõ nét, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của ND…

Ông Châu Văn Ly - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang:

“Nên chăng bổ sung thêm quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tạo điều kiện để MTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai ngay từ đầu trong quá trình xây dựng chính sách về giá đất, chính sách bồi hoàn, quy hoạch, tái định cư… tránh trường hợp MTTQ và các tổ chức thành viên chỉ tham gia phần hậu của quy trình này như hiện nay”.

 

Lý do gì khiến cho việc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của Hội ND chưa rõ nét, thưa ông?

- Luật quy định chung như vậy, nhưng để triển khai thực hiện trong thực tế thì cần phải có cơ chế, hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ quyền hạn giám sát của MTTQ, Hội ND đến đâu, ở những khâu nào, cách thức vào cuộc ra sao? Chưa có cơ chế cụ thể, nên hoạt động giám sát của Hội ND vẫn chỉ là nắm bắt tình hình, lắng nghe, ghi nhận ý kiến phản ánh, tập hợp, phân loại khiếu nại, tố cáo của ND rồi từ đó làm căn cứ kiến nghị với chính quyền, chuyển cơ quan có trách nhiệm.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định cụ thể hơn về thực thi quyền giám sát. Nhưng liệu những quy định đó đã đủ đảm bảo chất lượng giám sát được nâng cao hơn so với trước?

- Luật khó khả thi nếu không có giải pháp hay cơ chế dưới luật hướng dẫn thi hành, đảm bảo luật đi được vào đời sống, tạo sự chuyển biến tích cực hơn so với hiện trạng trước đó. Nhiều điều trong Luật Đất đai hiện hành vẫn đúng, không cần chỉnh sửa nhưng thực tế cho thấy, các vụ việc khiếu kiện phức tạp, nổi cộm về đất đai thời gian qua là do tại một số địa phương, cán bộ thực thi làm sai, thậm chí cố tình làm sai. Điển hình cho việc này là làm quy hoạch sử dụng đất có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất tùy tiện; giải phóng mặt bằng, đền bù, bồi thường trong thu hồi đất còn chưa minh bạch, công khai…

Góp phần ngăn chặn, hạn chế những tiêu cực vừa nêu cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể để MTTQ, các thành viên của MTTQ thực thi được quyền hạn, trách nhiệm giám sát. Ở góc độ khác, về phía Đảng cũng cần có quy định cụ thể đối với cấp ủy trong việc đảm bảo việc thực thi nghiêm túc, hiệu quả chính sách pháp luật, trong đó có Luật Đất đai. Thực tế cho thấy, ở những nơi vai trò lãnh đạo của Đảng vững vàng thì MTTQ và các thành viên phát huy được vai trò giám sát, phản biện.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội NDVN và một số bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện một dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội NDVN tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND. Cùng với Luật Đất đai mới sẽ được ban hành, quyết định của Thủ tướng Chính phủ (thay thế cho Chỉ thị 26) sẽ góp phần giúp Hội NDVN nâng cao chất lượng giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, ND…

Xin cảm ơn ông!

Quốc hội, HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND.

MTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Luật MTTQVN.

Công dân có quyền phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền thông qua các tổ chức đại diện.

Trích Điều 192 và 194 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem