Cần có chính sách hỗ trợ đột phá

Thứ năm, ngày 20/12/2012 09:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nước ta hiện có 16 dân tộc thiểu số rất ít người (DTRIN). Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các DTRIN, nhưng tình trạng chung của các DTRIN vẫn rất khó khăn.
Bình luận 0

"Sở hữu" nhiều cái nhất

Từ năm 2006 đến nay, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách phát triển các DTRIN, trong đó phải kể đến 6 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người, gồm Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo; 7 dân tộc La Ha, Lự, Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá và Chứt; 4 dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao; đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc ít người giai đoạn 2010-2015; đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020. Một số địa phương cũng xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các DTRIN.

img
Khám chữa bệnh cho đồng bào Si La ở Trạm Y tế xã Can Hồ (Mường Tè, Lai Châu).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử, việc thực hiện chính sách đối với các DTRIN vẫn còn khó khăn, bất cập. Các chính sách chưa bao phủ hết lĩnh vực và địa bàn; nguồn lực bố trí cho các chương trình dự án còn thấp hoặc chưa bố trí được nguồn lực…Báo cáo của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các DTRIN.

Theo đó, không khó nhận ra là các DTRIN đang "sở hữu" nhiều cái nhất như: Nơi cư trú chia cắt, hiểm trở nhất; điều kiện sống thiếu thốn nhất; cơ sở hạ tầng yếu kém nhất; mức sống thấp và tỷ lệ nghèo cao nhất… Chất lượng giáo dục, y tế cũng như chất lượng dân số của các DTRIN cũng đang trong tình trạng khó khăn nhất…

Chính sách cần đủ mạnh

Để phát triển nhanh, bền vững các DTRIN, Chính phủ đã đề ra 4 giải pháp thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho các DTRIN, giai đoạn 2012-2020. Theo đó, các DTRIN tiếp tục được hỗ trợ một số chính sách đặc thù mang tính đột phá để tạo điều kiện và cơ hội phát triển ngang bằng với các dân tộc khác trong vùng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử cho biết: "Có chính sách đồng bộ, đủ mạnh về phát triển kinh tế-xã hội cụ thể cho từng dân tộc hoặc nhóm DTRIN, trong đó trọng tâm là đầu tư về cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu; đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất; giáo dục; y tế, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực…".

Việt Nam có 16 DTRIN (dưới 10.000 người) với tổng dân số 54.081 người, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người là Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo.

Nguồn lực được xác định là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công của đề án. Từ nay đến năm 2020, Chính phủ đảm bảo bố trí đủ, hợp lý nguồn kinh phí từ T.Ư để các địa phương thực hiện đề án; huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và tìm kiếm các nguồn hợp pháp khác… Trước mắt, ông Giàng Seo Phử đề nghị Quốc hội sớm xem xét thông qua chủ trương đầu tư, hỗ trợ cho các DTRIN, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem