Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên áp dụng chính sách đổi đất lấy công trình để xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù đã có một số thuận lợi bước đầu, song theo phản ánh của nhiều địa phương, về lâu dài chính sách này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà) là một trong 8 xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình. Khởi động từ năm 2009, đến nay xã Hồng Minh đã thực hiện quy hoạch xong các khu dân cư, các công trình như trụ sở xã, sân vận động, bến xe, chợ, nhà văn hoá các thôn, khu nghĩa trang, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi…
|
Trường Mầm non khu trung tâm xã Hồng Minh (Hưng Hà, Thái Bình) có phần vốn xây dựng từ chính sách đổi đất lấy công trình. |
Theo tính toán, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM ở xã Hồng Minh là hơn 22 tỷ đồng, trong đó số vốn địa phương đã thực hiện đến nay là 7,5 tỷ đồng. Để có nguồn vốn trên, Hồng Minh đã thu hồi hơn 12.000m2 đất và tổ chức bán đấu giá công khai.
Cũng với cách làm như ở Hồng Minh, trong những năm qua, xã Tân Phong (huyện Vũ Thư) cũng đã thu hồi hàng nghìn m2 đất rồi tổ chức bán đấu giá. Số tiền thu được sau khi trừ khoản bồi thường cho dân, nộp 30% lên huyện, còn lại xã dành để đầu tư xây dựng trụ sở, hội trường, nhà văn hoá của 7 thôn, trường mầm non khu trung tâm, trường tiểu học…
Thực hiện chính sách đổi đất lấy công trình trong xây dựng NTM cần tổ chức công khai, minh bạch, đúng luật để tránh khiếu kiện phức tạp và nâng cao nguồn thu cho địa phương...
TS Đặng Kim Sơn
Với chính sách đổi đất lấy công trình, tỉnh Thái Bình đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều địa phương trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thực hiện chính sách này một cách thuận lợi.
Ông Phạm Hồng Khanh- Chủ tịch UBND xã Hồng Minh cho biết: "Số vốn huy động để xây dựng NTM ở Hồng Minh lên tới vài chục tỷ đồng, trong khi đó tiền đấu giá đất thu được không đáng là bao. Chỉ xây dựng 3 khu trường mầm non mà dự toán kinh phí đã lên tới hơn 4 tỷ đồng, trong khi đó ngân sách huyện, tỉnh mới rót xuống được 700 triệu đồng. Chỉ có những địa phương gần thành phố, thị trấn, thị tứ, giá trị đất sau thu hồi tăng cao thì mới thuận lợi khi áp dụng chính sách này".
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Trường- Chủ tịch UBND xã Tân Phong, huyện Vũ Thư cho biết: "Tân Phong giáp với TP. Thái Bình, giá đền bù, bồi thường ở đó cao hơn ở huyện Vũ Thư. Việc thu hồi đất là không dễ dàng bởi người dân không đồng ý việc cùng địa điểm, điều kiện như nhau mà lại có 2 giá đền bù, bồi thường khác nhau".
Trao đổi về vấn đề này, TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: "Các địa phương cần vận dụng linh hoạt, nơi nào có điều kiện thì áp dụng, những địa phương không áp dụng được hoặc áp dụng khó khăn thì phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước phải tăng lên để giảm bớt gánh nặng cho dân”.
Đông Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.