Cần mạnh dạn đưa ngay thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật

Thủy Lê Thứ ba, ngày 25/10/2022 12:29 PM (GMT+7)
Vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đang xuất hiện một vài nghịch lý: giải pháp đã có mà quan ngại vẫn còn. Trong khi thuốc lá điếu được cho phép kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam thì các sản phẩm giảm tác hại thế hệ mới vẫn chưa được luật hóa, bất chấp tình trạng như nấm mọc sau mưa của thị trường chợ đen.
Bình luận 0

Trong khi nhu cầu chuyển đổi của người dùng từ sản phẩm độc hại nhất (thuốc lá điếu) sang các sản phẩm ít hại hơn (TLTHM) ngày càng tăng cao, tại sao họ không được tạo cơ hội tiếp cận với sản phẩm chất lượng, được cấp phép chính danh mà phải đánh đố sức khỏe với hàng lậu?

Luật hóa thuốc lá thế hệ mới: Cần quyết đoán hơn

Trong những buổi trao đổi chuyên môn về vấn đề quản lý TLTHM, cả 2 giới chuyên gia y tế và giới luật sư đều đồng thuận trước ý kiến của Bộ Công thương đề xuất thí điểm quản lý TLTHM bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN), hoặc các dạng thuốc lá mới khác… Theo đó, Bộ Tư pháp cho rằng, cần có khung hành lang pháp lý rõ ràng và cụ thể để quản lý tất cả các sản phẩm thuốc lá, tránh trường hợp quản lý không đủ nghiêm ngặt, tạo kẽ hở cho thị trường chợ đen lộng hành, tạo nhiều hệ lụy khó lường.

Cần mạnh dạn đưa ngay thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật - Ảnh 1.

Với TLTHM, còn chần chừ trong quản lý là còn gánh chịu nhiều hệ lụy khó lường

Tại tọa đàm "Quản lý TLTHM - Cần góc nhìn mới" đầu năm nay, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: "Thuốc lá nói chung và TLĐT, TLLN nói riêng vừa là một loại hàng hóa trong sản xuất và kinh doanh, vừa là loại sản phẩm có tác động, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, việc quản lý đối với loại sản phẩm này phải bảo đảm cả hai yêu cầu quản lý đối với hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh và quản lý theo các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ để giảm thiểu và ngăn chặn những ảnh hưởng, tác hại tới sức khỏe của người tiêu dùng".

Vấn về quản lý TLTHM cũng nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của các đại biểu quốc hội. Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội (Đồng Tháp) từng nhận định: "Chúng ta cần có cơ chế quản lý không chỉ với TLĐT, TLLN, mà sẽ còn là những sản phẩm thuốc lá công nghệ mới trong tương lai gần. Tôi cho rằng để có khung quản lý toàn diện đầy đủ, thí điểm là giai đoạn cẩn trọng cần thiết."

 Tại tọa đàm "Xu hướng giảm tác hại thuốc lá", PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM cũng nhấn mạnh, cần phải quản lý TLTHM và tham khảo những chính sách quản lý tốt trên thế giới, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực quản lý.

Thế giới: Quản lý TLTHM dựa trên nền tảng khoa học và đánh giá thực tiễn

Nhiều quốc gia tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Na Uy, Thụy Sỹ, Nhật Bản… đã áp dụng luật quản lý TLTHM trong nhiều năm nay, sau hàng loạt nghiên cứu khoa học khẳng định về khả năng giảm tác hại của các sản phẩm này. Trước đó, họ cũng phải phối hợp giữa việc lắng nghe khoa học và đánh giá khách quan tác động thực tiễn của sản phẩm đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng cũng như những tác động ngoại ý (như việc thu hút giới trẻ hoặc người chưa từng hút thuốc). Sau nhiều năm vận hành, các nước kể trên đều đạt được một số thành quả đáng kể trong mục tiêu giảm gánh nặng y tế liên quan đến thuốc lá, trong đó tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm xuống mức kỷ lục. Một số quốc gia khác cũng nhận thức được, nếu vẫn cực đoan chống TLTHM là không phù hợp với thực tiễn, nên nhanh chóng điều chỉnh cách tiếp cận trong vấn đề này hợp lý hơn.

Cụ thể, Philippines đã thông qua Luật Quản lý sản phẩm TLTHM có chứa và không chứa nicotine (VNNP) - dự luật vốn gặp nhiều phản biện từ cơ quan y tế nước này. Theo đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp được trao thẩm quyền quản lý các sản phẩm TLTHM cùng các thiết bị đi kèm. Bộ Y Tế ra quy định hướng dẫn về việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức hạn chế hút thuốc và sử dụng TLTHM nói chung. Philippines trở thành quốc gia châu Á được khen ngợi vì đã thực hiện một bước ngoặt từ lập trường cấm đoán trước đây sang hướng tiếp cận giảm tác hại thuốc lá, tương tự như Uruguay trước đó đã xóa bỏ lệnh cấm đối với TLLN vào năm 2020.

Dự đoán sắp tới đây, một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Hongkong,… cũng sẽ đi theo hướng tiếp cận tương tự. Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Chaiwut Thanakamanusorn cho biết,Thái Lan cũng đang sẵn sàng hợp pháp hóa các sản phẩm thuốc lá mới. Một dự thảo luật để hợp pháp hóa TLTHM hiện đang được một tiểu ban của Quốc hội Thái Lan và một số quan chức hàng đầu nước này bày tỏ sự ủng hộ. Gần đây nhất, các nguồn tin của báo South China Morning Post cho biết Hongkong có thể dỡ bỏ lệnh cấm đối với TLĐT và TLLN bởi "các nhà chức trách đang cân nhắc cán cân thương mại của ngành hàng này có thể tạo ra hàng tỷ đô la mỗi năm."

Từ góc độ khoa học, TLTHM được sử dụng trên nguyên lý "không khói", tức là không trải qua quá trình đốt cháy, sản sinh ra 7.000 chất và hợp chất gây hại. Chính vì thế, TLTHM được khoa học khẳng định là giảm đến 95% tác hại so với thuốc lá điếu thông thường.

Cần mạnh dạn đưa ngay thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật - Ảnh 2.

Gánh nặng bệnh tật do khói thuốc lá điếu đốt cháy cần sớm được loại bỏ

Các báo như Guardian và Bloomberg mới đây cũng đưa tin về đánh giá mới nhất của Đại học King’s College London do Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh ủy quyền thực hiện. Kết quả này dựa trên hơn 400 nghiên cứu khoa học đã được công bố trên toàn cầu. Theo đó báo cáo chỉ ra, những người hút thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng TLTHM sẽ giảm đáng kể "khả năng tiếp xúc với các chất độc hại gây ung thư, bệnh phổi và tim mạch". Đồng thời, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ, từ 0,6% - 0,7% những người chưa từng hút thuốc mà bắt đầu sử dụng TLTHM. Lion Shahab, Giáo sư Sức khỏe Tâm lý, Khoa Khoa học Hành vi & Sức khỏe, Viện Dịch tễ và Y tế Anh nhận định, các báo cáo sẽ trấn an các nhà hoạch định chính sách và cơ quan y tế rằng, việc khuyến khích những người không thể cai thuốc lá chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại này sẽ có lợi cho sức khỏe cộng đồng.

"Bỏ thuốc hay là chết" được nhiều nước trên thế giới xác nhận là không còn hợp thời khi ngày càng có nhiều người chọn "sống cùng" nicotine. Đó cũng là lý do nhiều nước có quan điểm cởi mở hơn trong việc quản lý TLTHM bởi nếu quản lý tốt, đây cũng được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong cuộc chiến Phòng, chống tác hại thuốc lá toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem