Cần mở đợt ra quân trấn áp tôi phạm “đòn bẩn”
Trước kia ở nông thôn cũng có chuyện kẻ xấu dùng “đòn bẩn”. Nhưng đó chỉ là xuất phát từ mâu thuẫn, tài sản thiệt hại cũng không lớn và rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên mỗi lần xảy ra vụ việc như vậy, cơ quan công an làm rất ráo riết và đặc biệt là dư luận trong làng, xã lên án rất mạnh mẽ.
Ngày nay “đòn bẩn” không chỉ dừng lại ở mâu thuẫn cá nhân mà nhằm mục đích cạnh tranh, triệt hạ nhau, như một kiểu xã hội đen. Dẫu biết rằng cơ quan công an rất nhiều việc, phải tập trung vào những vụ trọng án. Nhưng chẳng lẽ nhiều gia đình sạt nghiệp sau một đêm đầm tôm bị hạ sát…không phải là trọng án hay sao?
Rất cần cơ quan công an tận tâm, tận lực truy lùng, xử lý mạnh tay kẻ phạm tội. Trước mắt ngành công an hãy mở đợt ra quân trấn áp loại tội phạm này, mở phiên xét xử điểm tại cơ sở để răn đe tội phạm.
Lê Văn Dũng (Xã Tân Đức, tp Việt Trì)
Các hộ sản xuất kinh doanh phải liên kết bảo vệ
Bây giờ dường như xã hội thờ ơ quá, không hiếm trường hợp thấy một người bị cướp, ngã xe máy, hàng trăm người đứng xem, thậm chí có kẻ còn hôi của. Bởi vậy trong khi chờ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, biện pháp tốt nhất là người dân hãy tự bảo vệ mình. Các hộ sản xuất, kinh doanh cần liên kết với nhau, thành lập đội tuần tra, canh gác bảo vệ.
Tuy nhiên không thể thiếu được vai trò vai trò của chính quyền địa phương. Lãnh đạo xã cần đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh, vận động quần chúng tố giác tội phạm, tạo nên sức mạnh của quần chúng. Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát và phải thực sự mạnh về tinh thần chiến đấu, tấn công tội phạm, làm lực lượng nòng cột, chỗ dựa tin cậy của dân. Có như vậy người dân mới không sợ tội phạm, phối hợp cùng công an làm tốt công tác an ninh, trật tự
Phạm Văn Hoàn (Bình Chánh, tp Hồ Chí Minh)
Quê tôi cũng từng xảy ra nhiều việc tương tự
Ở thôn tôi những năm trước đây cũng từng xảy ra những vụ việc tương tự như báo NTNN phản ánh. Tuy ở mức độ nhỏ lẻ và thiệt hại thấp hơn, như phá hoại rau màu, đậu bắp và chủ yếu là dưa hấu, nhưng gây bất bình trong nhân dân. Khi đó, người dân trong thôn bàn nhau lập các chòi canh và thay nhau canh gác. Rồi hệ thống an ninh chặt chẽ hơn, có công an viên đến tận thôn ấp, có dân quân du kích...
Tình hình dần được cải thiện và những năm qua không còn những “trò bẩn” mang tính phá hoại. Như vậy, vấn đề là người dân cũng phải nâng cao cảnh giác; khi xảy ra vụ việc, công an và chính quyền phải vào cuộc khẩn trương. Theo tôi, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương phải phát huy hơn nữa vai trò của mình, thường xuyên quan tâm đến đời sống người nông dân, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh.
Võ Một (thôn Phước Bình, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)
Hãy nghiêm trị những kẻ phá hoại
Tình trạng phá hoại sản xuất ở nông thôn đã đến mức báo động với nhiều hình thức, cách thức khác nhau, gây bức xúc và thiệt hại nặng nề cho nông dân. Ở ĐBSCL lâu lâu lại nghe những vụ việc như thuốc tôm, thuốc cá, làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Do đó chính quyền, nhất là công an, phải có biện pháp, biết quy luật như trộm, thuốc là gần thời kỳ thu hoạch. Làm sao bọn trộm, bọn thuốc sợ dân chứ nếu để dân sợ bọn chúng là hỏng. Nông dân chịu nhiều nỗi khổ mà còn chịu thêm nỗi khổ bị thuốc cá, thuốc tôm thì suốt đời mang nợ.
Nguyễn Thị Hiếu Dân (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre)
Lực lượng công an phải vào cuộc quyết liệt
Theo tôi, giải quyết vấn đề này vai trò của lực lượng công an là quyết định. Không ít người đặt vấn đề hình như công an họ cho rằng đó là những vụ án nhỏ nên điều tra không đến nơi đến chốn thì phải. Đối với lực lượng công an các cấp, khi nhận được trình báo phải khẩn trương vào cuộc điều tra, tránh để sự việc kéo dài.
Đối với những vụ án kiểu này cần phải đưa ra xét xử điểm ngay tại nơi xảy ra, như thế nó mới có tác động lớn để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Với các chủ hộ gia đình cần phải phối hợp với nhau để tăng cường các biện pháp bảo vệ, tránh làm theo kiểu “hồn ai nấy giữ”.
Hải Lý (Đức Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh)
Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ hủy hoại tài sản của nông dân như: Bả chó, mèo chết, chém trâu bò, ném tôm chết sang ao nhà hàng xóm, đổ thuốc sâu đầu độc tôm, cá… tất cả những hành vi trên đều xuất phát từ mâu thuẫn hàng ngày của người dân với nhau.
Theo tôi muốn giải quyết những mâu thuẫn trên thì tất cả chính quyền địa phương, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, công an xã… cần gần dân để hòa giải khi có mâu thuẫn xảy ra, tránh để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến việc trả thu lẫn nhau.
(Lâm Thị Quế, La Mai, Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình)
Làm tốt công tác tuyên truyền, và xử phạt nghiêm
Tội phạm hủy hoại tài sản ở nông thôn ngày càng tăng cao do rất nhiều nguyên nhân, người dân do học ít, chưa hiểu luật mặt khác họ không được tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật. Theo tôi chính quyền xã hàng tháng nên mở lớp dậy kiến thức pháp luật cho người dân, khi dân hiểu được luật.
Họ sẽ biết sai, đúng ở đâu, mặt khác nếu người dân vẫn cố tình làm sai thì phải có chế tài sử thật nghiêm để răn đe kẻ khác. Theo tôi nếu làm được những việc trên thì tội phạm ở nông thôn sẽ giảm.
(Trần Văn Thường, xóm 11, Hồi Ninh, Kim Sơn, Ninh Bình)
Ban Bạn đọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.