Làm vợ/chồng - kỹ năng quyết định hạnh phúc cả đời, nhưng nhiều người vẫn sống và làm theo bản năng. Những lớp học tiền hôn nhân mở ra ngày càng nhiều nhằm cung cấp kiến thức cho bạn trẻ sắp kết hôn.
Hôn nhân “điểm 10”
Lớp học “giữ lửa hôn nhân” của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) ở Hà Nội có 8 đôi bạn trẻ, tuổi từ 25-30. Trong đó 3 đôi dự định sẽ cưới trong tháng 11, 5 đôi còn lại cũng quyết định cuối năm sẽ “đưa nàng về dinh”.
|
Các cặp đôi “làm bài tập” để hiểu hơn về nhau. |
Trước khi bước vào lớp học, các bạn được phát một bảng hỏi để “điều tra sơ bộ” xem mình hiểu gì về hôn nhân. Đối với các câu hỏi: “Bạn hiểu gì về tính cách, giá trị sống, mong đợi về hôn nhân của người yêu?” hay “Khả năng giao tiếp hiệu quả với vợ/chồng?”, “Khả năng giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng”, “Khả năng hoạch định hôn nhân?”, hầu hết đều tự chấm cho mình điểm 9-10.
“Em và bạn em yêu nhau đã 9 năm, chắc chắn đã hiểu nhau rất nhiều nên có cãi cọ chắc chắn bọn em sẽ biết cách giải quyết” - Gấu Panda- biệt danh của một thành viên lớp học (ở Trương Định, Hà Nội) chia sẻ.
Theo bà Phạm Kiều Linh – giảng viên, kết quả này không có gì bất ngờ. Bởi hầu hết các bạn trẻ đều bước vào hôn nhân với một giấc mơ màu hồng, sự tin tưởng lạc quan về tình yêu của mình. Cả nam và nữ đều tin chắc rằng mình hiểu về bạn đời, hoặc có mâu thuẫn thì cũng đủ tình yêu để hòa giải.
“Tuy nhiên, thực tế khá phũ phàng. Hôn nhân không phải cái nôi nuôi dưỡng tình yêu mà là một “trường thử thách” khả năng chịu đựng và phô diễn các kỹ năng ứng phó với khó khăn của mỗi người. Lúc đó, tình yêu trở nên lu mờ, còn các lỗi bé bỗng dưng hoá… khổng lồ. Nếu không chuẩn bị tâm lý và kỹ năng ứng xử trong hôn nhân, bạn trẻ rất dễ thất vọng” – bà Linh cho biết.
Tỉnh mộng
Chỉ với một bài tập nhỏ “chia sẻ những tính cách mình biết về người yêu và mong muốn của mình mà người yêu chưa biết”, 8 đôi tình nhân bỗng trở nên dè dặt.
Nhiều bạn cắn bút không biết viết gì, có cô bé cứ viết rồi lại xóa, có chàng quay sang hỏi bạn gái: “Anh có tính cách gì mà em chưa biết không?”. Gấu Panda bỗng chốc thất vọng về chàng Cá chép của mình vì: “Chưa bao giờ anh ấy biết rằng em mơ ước được sống trên núi”, còn chàng Cá chép phàn nàn về việc người yêu có quá ít cảm thông với công việc của mình.
Mai (quê Thái Bình) hờn giận Hùng (Thanh Hóa) vì chàng bỗng nói rằng: “Mẹ anh không thích cho anh lấy vợ ở xa”. Mai quả quyết rằng: “Nếu thế em về quê lấy chồng, càng đỡ phải xa bố mẹ”... Chỉ một phép thử nhỏ đã có nhiều mâu thuẫn bộc lộ.
Khi yêu nhau, bạn trẻ là “thợ vẽ” xuất sắc, có khả năng tô hồng người yêu. Còn sau khi cưới, chúng ta lại trở thành những “thợ giặt tẩy hạng tồi”. Bất cứ lỗi lầm, thói xấu nào của vợ chồng cũng bị tẩy trắng, tẩy thô, “bé xé ra to” khiến cho bạn đời chẳng thay đổi mà còn khó chịu và bất cần.
TS Phan Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Đào tạo phát triển kỹ năng con ngườiVới những bài tập thực tế, lớp học “Giữ lửa hôn nhân” trong 3 ngày của CCIHP sẽ giúp bạn trẻ học khám phá bản thân - hiểu mình, biết bạn đời; các giai đoạn khủng hoảng của hôn nhân; “nhặt sạn” mâu thuẫn trong hôn nhân, “thăng hoa” trong tình dục và trách nhiệm làm vợ chồng, làm cha mẹ; hoạch định hôn nhân và các kỹ năng ứng xử với gia đình chồng - vợ…
Bà Linh cho biết: Đây chỉ là lớp “gợi mở”. Tham vọng của CCIHP là mở lớp học giữ lửa hôn nhân cho những cặp đôi đã kết hôn 1-5 năm - giai đoạn nhạy cảm nhất trong hôn nhân. Khi đó, vợ chồng còn quá trẻ, có nhiều ảo tưởng về hôn nhân, cũng như ít vị tha, kiên nhẫn để tha thứ và giải hòa.
Trong khi từ việc quan hệ tình dục, nền nếp sinh hoạt, đứa con chào đời... đều có khả năng nảy sinh mâu thuẫn. Nếu như xung đột giai đoạn này không được giải tỏa sẽ tạo thành những hố sâu rạn nứt, khó có thể hàn gắn được…
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.