Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội yêu cầu quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu, trong đó cần phân biệt giữa trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân.
Đại biểu góp ý kiến về Luật Tiếp công dân (Nguồn ảnh: Dân Trí)
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết: “Nếu thực hiện tốt việc tiếp công dân thì sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại vượt cấp. Dự thảo luật chưa đề cập sâu về sự thống nhất và phối hợp giữa các cấp, một phần do lãnh đạo chưa quan tâm kịp thời”.
Phân tích sâu hơn, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nhấn mạnh: “Nếu duy trì cách làm hiện tại có thể gây mất lòng tin của nhân dân với chính quyền. Cần bổ sung trách nhiệm cá nhân, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần có hệ thống dữ liệu để theo dõi đơn thư công dân khi được tiếp nhận một cách minh bạch để giải quyết đầy đủ, rõ ràng những vấn đề còn tồn đọng”.
Đồng tình với những quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng: Việc tiếp công dân chưa gắn liền với việc giải quyết nên còn nhiều hạn chế khiến đơn thư còn vòng vèo dẫn đến việc khiếu kiện vượt cấp còn kéo dài.
Tỏ ý băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật, ông Bộ bộc bạch: “Cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Dự thảo luật mới quy định về hình thức tiếp dân, được chia ra nhiều quy định, còn mục tiêu, trách nhiệm, tính pháp lý của người đứng đầu vẫn chưa rõ.
Người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân và có kết quả trả lời để tránh tình trạng nhận đơn rồi sau đó lại trả lời vòng vo. Bên cạnh đó, cần tránh việc khoán trắng trách nhiệm tiếp công dân cho công chức”.
Long Nguyên (Long Nguyên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.