Trách nhiệm người đứng đầu ở dự án Luật Tiếp công dân chưa rõ nét

Thứ ba, ngày 17/09/2013 06:02 AM (GMT+7)
Hôm 16.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Tiếp công dân.
Bình luận 0
Dự thảo Luật Tiếp công dân sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có bổ sung vào một điều quy định về trách nhiệm công khai lịch tiếp công dân, thành phần tiếp công dân, phạm vi, lĩnh vực được tập trung xử lý trong mỗi buổi tiếp công dân định kỳ. Luật cũng quy định trách nhiệm của người tiếp công dân trong việc thông báo cho người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh biết về kết quả xử lý, thụ lý bước đầu đối với các khiếu nại, tố cáo nhận được và cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của người dân.

Thảo luận về báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vẫn băn khoăn khi cho rằng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tiếp công dân là rất quan trọng, nhưng lại chưa được làm rõ nét trong dự thảo. “Nếu chỉ cử cán bộ đến tiếp thì chỉ là tiếp cho xong, còn nếu có ý kiến người đứng đầu sẽ rất khác, giải quyết sẽ rất nhanh. Nhưng ở đây trách nhiệm người đứng đầu rất ít, chỉ chung chung thôi. Thử xem người đứng đầu có lánh trách nhiệm không? Hai lần tránh né như vậy có bị xử lý không?” - ông Phúc nêu vấn đề.

Để giải quyết hiệu quả, theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, làm theo hướng một cửa là tốt nhất, tránh tình trạng người dân lên trụ sở tiếp dân xong phải đợi 10 ngày nữa để chờ câu trả lời. Ngoài ra, trách nhiệm của người tiếp dân phải theo đuổi đến cùng, là cơ quan nhận đơn và trả kết quả chứ nếu không đơn đưa lên T.Ư xong lại trả về tỉnh, rồi sở nọ sở kia lan man, lòng vòng, không đến đâu...

Về lịch tiếp công dân và nơi tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nêu trường hợp: Ví dụ như đại biểu Quốc hội có những ngày 10 giờ đêm đi làm về, thấy người dân đứng ở cửa nhà để gửi đơn. Lúc ấy mình nhận đơn có coi là hình thức tiếp công dân không?

Nếu nhận thì lại không phù hợp với quy định tiếp công dân theo dự thảo luật đưa ra là hoạt động tiếp công dân phải diễn ra tại cơ quan, trụ sở. Như vậy, làm sao luật phải liên thông các quy định cho phù hợp với nhau, không gây khó cho dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, nhiều vấn đề đã được làm rõ nhưng chưa thấy tính đến tính khả thi khi áp dụng vào thực tế. “Theo dự luật quy định thì thấy quy mô luật quá lớn. Và liệu quy mô này có tương xứng với kết quả tức tính khả thi của quy định vì việc tiếp công dân cũng chỉ dừng lại ở việc nhận đơn thư, hẹn ngày trả lời chứ ngay cả T.Ư cũng không có thẩm quyền giải quyết khi sự việc xảy ra tại địa phương”- Phó Chủ tịch băn khoăn.
Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem