Mỗi con tôm chết, mất bạc triệu
Loay hoay trên lồng bè từ sáng sớm để chế biến thức ăn cho đàn tôm hơn cả ngàn con, ông Lê Ngoan (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thanh, huyện Vạn Ninh) cho biết, từ đầu năm trước, thấy nguồn tôm giống dồi dào, gia đình tôi đã vay thêm vốn thả nuôi 3.000 con tôm hùm giống với chi phí gần 1,5 tỷ đồng. Nhưng gần đây, tôm lớn rồi mà lại bị chết liên tục, tỷ lệ hao hụt đến 30% gây thiệt hại lớn cho gia đình. “Cứ mỗi sáng vớt lên 4 - 5 con lớn gần cả ký, mất 4 - 5 triệu đồng mà tiếc đứt ruột. Có con thì bị đỏ thân, có con thì bị bệnh sữa dù đã sử dụng đủ các biện pháp phòng ngừa” – ông Ngoan nói.
Thiếu vốn, người nuôi tôm đành phải bắt bán tôm non. Ảnh: Mai Khuê
Cạnh bè tôm này, ông Nguyễn Chí Lem cũng thả nuôi đến 7.000 con tôm hùm ở 90 lồng bè. Chăm sóc tốt với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ban đầu tôm của ông lớn, khỏe nhưng càng lớn tôm càng hao hụt, gần đây thì ngày nào cũng có cả chục con lăn ra chết. “Đau nhất là lứa tôm đã đến kỳ xuất bán nhưng lại bỏ ăn, chết vì các bệnh đỏ thân, sữa, đen mang... Trong khi đó, hàng ngày, đàn tôm ngốn của tôi từ 7-9 triệu đồng tiền thức ăn, còn giá tôm thì lại giảm mạnh bất thường” - ông Lem nói.
Nắm bắt được cái khó của người nông dân khi tôm bị chết nhiều, thương lái trong vùng đã chủ động ép giá xuống, khiến người nuôi tôm càng thêm thiệt hại. Chỉ trong vòng vài tháng, giá tôm đã giảm từ 1,8 - 2 triệu đồng/kg loại 1, xuống chỉ còn 1,2 – 1,5 triệu/kg (mất 500.000-750.000 đồng/kg). “Phần thì cần tiền thả giống cho vụ mới, phần thì giảm chi phí thức ăn khi tôm đã đủ lớn, tôi gọi chủ vựa hoài họ chẳng thèm tới mua” – ông Lem than thở.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây tôm hùm đã có biểu hiện nghi bệnh sữa và đỏ thân, chết với mật độ 1-3 con/lồng, trung bình mỗi tháng có từ 250 – 400 con tôm chết. Đặc biệt một số lượng lớn tôm hùm chết khi đã gần xuất bán (400 ngày tuổi) gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Bà Trần Thanh Thúy- Chi cục phó Chi cục NTTS Khánh Hòa cho biết: “Năm 2007, nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa gặp “địa chấn” bệnh sữa khiến 60% tôm chết, từ đó bệnh này trở thành mãn tính, năm nào cũng gây thiệt hại cho ngư dân”.
Bán tôm hùm non với giá rẻ mạt
Chỉ vào lồng tôm của mình, ông Nguyễn Chí Lem xót xa nói: “Tôm to chủ vựa chê, không bán được, tôi đành phải bán bớt đàn tôm nhỡ (tôm non) 4-5 lạng/con với giá rẻ 400.000 – 600.000 đồng/kg (tùy loại) để lấy tiền trang trải cho đàn tôm thương phẩm đang ăn ào ào.
Quan điểm
Bà Huỳnh Thị Hường- chủ của 90 lồng tôm ở xã Vạn Thạnh
Hiện đang là vụ chính thu hoạch tôm hùm nên người nuôi bị chủ nậu ép giá, chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg, nhưng nếu lấy tiền liền thì trừ thêm 30.000 đồng/kg, không thì phải đợi cả tuần. Bán tôm non lỗ lắm nhưng vẫn đành bán để trang trải chi phí.
Theo ghi nhận của NTNN, hiện tượng bán tôm non do thiếu vốn của người nuôi tôm đang rộ lên ở các vùng nuôi ở tỉnh Khánh Hòa. “Chủ vựa không mua tôm thương phẩm nhưng tôm non thì họ mua về rồi nuôi vỗ. Ai cũng biết nếu ráng thêm chừng vài tháng nữa thì có lời nhưng tụi tôi ráng hết nổi rồi, lỗ cũng phải bán. Phần thì cần tiền trả lãi vay, tiền chi phí thức ăn cho đàn tôm lớn, phần thì rất cần tiền mua giống thả cho vụ mới” – ông Ngoan nói.
Bà Huỳnh Thị Hường- chủ của 90 lồng tôm ở xã Vạn Thạnh cho biết, hiện đang là vụ chính thu hoạch tôm hùm nên người nuôi bị chủ nậu ép giá, giả chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg, nhưng nếu lấy tiền liền thì trừ thêm 30.000 đồng/kg, không thì phải đợi cả tuần. “Khi thì họ nói thị trường Trung Quốc cần tôm loại 1 (1-1,2kg/con), bây giờ thì họ lại nói là cần loại 2, loại 3 (nhỏ hơn, tôm non). Bán tôm non lỗ lắm nhưng vẫn đành bán để trang trải chi phí” – bà Hường nói.
Theo thống kê của Chi cục NTTS Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có hơn 19.000 lồng bè nuôi tôm hùm, nhưng chỉ có 1 công ty xuất khẩu chính ngạch tiêu thụ một lượng nhỏ tôm của dân. Sản lượng tôm hùm còn lại đều do 10 nậu vựa lớn và hàng chục các nậu vựa vệ tinh khác thao túng. “Chi cục đã có đề xuất các biện pháp quản lý các chủ nậu vựa và thời gian tới sẽ tổ chức các tổ liên kết sản xuất để người nuôi tôm được hỗ trợ những khi cần vốn, không phải bán non như hiện nay” – bà Thúy nói.
Bệnh sữa trên tôm hùm là gì?
Bệnh sữa trên tôm hùm xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2007 và bùng phát thành dịch năm 2008 gây thiệt hại cho người nuôi tại các tỉnh miền Trung. Bệnh sữa (bệnh đục thân) xảy ra ở tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm đá (P. homarus) và tôm hùm tre (P. polyphagus) nuôi lồng. Dấu hiệu bệnh lý là các đốt ở phần bụng của tôm bệnh chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục”, dịch tiết của cơ thể (bao gồm cả máu) tôm bệnh bị đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão, gan tụy chuyển màu nhợt nhạt và có trường hợp bị hoại tử. Tôm bệnh giảm ăn đến bỏ ăn hoàn toàn. Bệnh xảy ra ở cả tôm hùm thương phẩm (có kích cỡ từ 50-500 gam/con) và ở tôm con, gây chết tôm nuôi từ rải rác đến hàng loạt, tỷ lệ chết tích lũy lên đến hơn 70%.
Còn bệnh đỏ thân thường xuất hiện trên các loài tôm hùm như tôm hùm bông (hay hùm sao), tôm hùm đá (tôm xanh, tôm ghì), tôm hùm đỏ (hùm lửa) và tôm hùm tre.
P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.