Cần siết chặt thị trường thực phẩm chức năng hơn nữa

PV Thứ năm, ngày 22/11/2018 14:31 PM (GMT+7)
"Chúng ta không lo thiếu thực phẩm chức năng mà chỉ lo không có đủ sản phẩm đạt chất lượng" - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ 2, tổ chức ngày 22/11.
Bình luận 0

PGS Phong khẳng định, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc nghiên cứu và sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) như nền y học cổ truyền phát triển, có nguồn nguyên liệu phong phú, nhiều cây, con quý hiếm. TPCN xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 2000 và đã bùng nổ một cách nhanh chóng với hàng chục nghìn sản phẩm, hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất.

Tuy nhiên, hiện có đến hơn 70% các sản phẩm TPCN là do doanh nghiệp trong nước sản xuất, hơn 20% là nhập khẩu. Hiện chỉ có rất ít doanh nghiệp đã sản xuất được TPCN xuất sang các thị trường Trung Quốc, Trung Đông, Thái Lan.

img

"Chúng ta có tiềm năng lớn, nhưng tại sao lại chưa có nhiều TPCN đạt chất lượng cao, có tiếng tăm trên thị trường quốc tế. Đây là bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sản xuất TPCN trong nước" - PGS Phong nói.

Theo ông Phong, để chỉnh đốn thị trường TPCN bùng nổ quá nhanh, chất lượng lộn xộn như thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều chính sách để siết chặt chất lượng TPCN. Cục thể, năm 2010, TPCN chính thức được quản lý bởi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi thành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, dưới đó là các Thông tư của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn việc đăng ký sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo… đối với TPCN.

Từ 20.10, Nghị định 115 có hiệu lực đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó có TPCN. Theo đó, kể từ 1/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP), chỉ có doanh nghiệp có cơ sở sản xuất đạt GMP mới được sản xuất TPCN. "Hiện nay có sự không bình đẳng giữa các cơ sở sản xuất TPCN nghiêm túc, chất lượng với các cơ sở đầu tư sơ sài. Nếu áp dụng GMP thì cơ sở nào không tốt sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, việc quản lý chặt sẽ đảm bảo người dân được sử dụng các sản phẩm TPCN an toàn, chất lượng" - PGS Phong nhấn mạnh.

img

Ngày càng nhiều người dân sử dụng TPCN.

Ông Phong cũng khẳng định, lộ trình thực hiện GMP cho các cơ sở sản xuất TPCN đã được tiến hành từ năm 2016 đến nay, đã có một khoảng thời gian hơn 2 năm cho các công ty thay đổi. Nếu đến ngày 1/7/2019 mà cơ sở sản xuất không đạt GMP thì sẽ phải ngừng sản xuất TPCN. Vì vậy, các cơ sở sản xuất TPCN cần khẩn trương đầu tư nhà máy, hoàn thiện hồ sơ để được công nhận GMP. 

PGS Phong cho biết, hiện cơ quan nhà nước cũng đã cấp GMP cho hơn 10 doanh nghiệp và hiện đang tiếp tục thẩm định, phê duyệt hàng chục hồ sơ khác. "Dự kiến sẽ có khoảng 100-200 cơ sở sản xuất đạt GMP vào năm 2019" - PGS Phong nói.

PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, lối sống thay đổi chóng mặt, người dân có thói quen ngồi nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, ít rau xanh, ít vận động thể dục thể thao dẫn đến tình trạng thiếu vi chất nghiêm trọng. Điều này là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, đái tháo đường, huyết áp cao, béo phì... Do đó, việc bổ sung vi chất bằng cách sử dụng TPCN là nhu cầu tất yếu. 

Theo PGS Đáng, nếu như năm 2000, Việt Nam mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu TPCN với 63 sản phẩm thì đến năm 2016 đã có 1872 công ty sản xuất kinh doanh, sản xuất TPCN với 3447 sản phẩm, trong đó sả phẩm sản xuất trong nước chiếm 56,45%. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem